12 tướng ngã ngựa trong một năm, sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc bị ảnh hưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thềm Hội nghị Trung ương 3 khóa 20, hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là ông Ngụy Phượng Hòa và ông Lý Thượng Phúc đều bị khai trừ ra khỏi đảng vì lý do tham nhũng và không trung thành, đồng thời cả hai ông này đều bị chuyển giao cho cơ quan kiểm sát quân sự để điều tra và truy tố. Kể từ tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã thanh trừng tới 12 tướng lĩnh cấp cao. Các chuyên gia cho rằng, việc liên tục thanh trừng trong quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của quân đội nước này.

Thanh trừng trong quân đội: Một năm có 12 tướng lĩnh ngã ngựa

Trong phần lớn thời gian của năm 2023, quân đội Trung Quốc, đặc biệt là Lực lượng Tên lửa, đã trải qua một cuộc thanh trừng lớn. Vào tháng 7 năm ngoái, các phương tiện truyền thông tiết lộ rằng, các lãnh đạo cấp cao bao gồm Tư lệnh Lực lượng Tên lửa đã bị các nhân viên điều tra của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đưa đi.

Ngày 29/12 năm ngoái, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã ra thông báo bãi nhiệm chức vụ của 9 đại biểu quân đội, bao gồm Trương Chấn Trung, Trương Dục Lâm, Nhiêu Văn Mẫn, Cúc Tân Xuân, Đinh Lai Hàng, Lữ Hoành, Lý Ngọc Siêu, Lý Truyền Quảng và Chu Á Ninh. Trong số này có 3 thượng tướng và 3 trung tướng, phần lớn đến từ Lực lượng Tên lửa và Bộ Phát triển Trang bị.

Ngày 27/2 năm nay, Phó Tư lệnh Chiến khu Trung bộ Lý Chí Trung đã bị đình chỉ chức vụ đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

Tính cả lần này với ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa, thì đã có 12 tướng lĩnh cấp cao của quân đội Trung Quốc bị thanh trừng. Các cấp bậc liên quan bao gồm 2 Bộ trưởng Quốc phòng, 3 Tư lệnh Lực lượng Tên lửa, và một Tư lệnh Không quân.

Theo thông báo của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc, cả ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa đều “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị”, lạm dụng quyền lực, kiếm lợi từ việc bổ nhiệm và điều động nhân sự, và nhận hối lộ với số tiền lớn. Nhưng trong thông báo lại không nêu rõ số tiền tham nhũng giống như trường hợp của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.

Ngoài ra, trong tội danh của ông Lý Thượng Phúc bao gồm cả tội danh đưa hối lộ và nhận hối lộ, trong khi ông Ngụy Phượng Hòa chỉ có tội danh nhận hối lộ. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cả hai đều bị phát hiện có “những manh mối vi phạm kỷ luật một cách nghiêm trọng khác”.

Nguyên Hiệu trưởng Học viện Chính trị Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Đài Loan là ông Dư Tông Cơ đã nói với phóng viên của The Epoch Times rằng, từ những dòng thông báo có thể thấy rằng ông Ngụy Phượng Hòa và ông Lý Thượng Phúc là người tiền nhiệm và người kế nhiệm (trong Lực lượng Tên lửa), nên đã làm nổi bật việc hai người có giao dịch kim tiền đáng kể, dẫn đến việc cả hai đều bị ngã ngựa. Cái gọi là ‘kiếm lợi từ việc bổ nhiệm và điều động nhân sự’ tức là mua quan bán chức, điều này đã cho thấy các quan chức được thăng chức dưới thời của hai người này đều có thể là thông qua giao dịch tiền bạc mà đạt được.

Ông nói thêm: “Quân đội Trung Quốc vốn có truyền thống tham nhũng. Việc hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị cách chức đã làm nổi bật vấn đề tham nhũng trong quân đội Trung Quốc không hề thay đổi cho dù ông Tập Cận Bình đã nắm quyền được 10 năm”.

Nhà nghiên cứu kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan là ông Thẩm Minh Thất đã nói với phóng viên của The Epoch Times rằng, cách chống tham nhũng hiện nay của Trung Quốc là hạ bệ trước, sau đó mới điều tra; cho nên trong cuộc điều tra của Bộ Phát triển Trang bị đã thiết lập một điểm dừng, họ chỉ truy cứu đến năm 2017, không liên quan đến Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp.

Ông Thẩm Minh Thất phân tích rằng, ông Lý Thượng Phúc đã bị hạ bệ từ rất sớm và [cơ quan điều tra] phải tìm lý do buộc tội ông ta. Trong quá trình điều tra có thể phát hiện rằng, ông Ngụy Phượng Hòa cũng liên quan, cho nên ông Ngụy Phượng Hòa cũng bị hạ bệ. Việc công bố chính thức trước thềm Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 là vì hội nghị này sẽ xử lý vấn đề Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân gia nhập Quân ủy Trung ương. Nếu không có bằng chứng rõ ràng về tội trạng của ông Lý Thượng Phúc, thì việc ông Đổng Quân trực tiếp trở thành ủy viên thứ tư của Quân ủy Trung ương sẽ không hợp lý.

Lực lượng Tên lửa Trung Quốc có thể gặp vấn đề trong nhiều lĩnh vực

Mặc dù Trung Quốc có quân đội thường trực lớn nhất thế giới và hải quân lớn nhất thế giới về số lượng, họ cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân một cách mạnh mẽ, nhưng trong nửa thế kỷ qua, quân đội Trung Quốc chưa từng trải qua thử thách của chiến tranh.

Trọng tâm của cuộc thanh trừng lần này là Lực lượng Tên lửa, đơn vị được chính quyền Trung Quốc mô tả là “cốt lõi của sự răn đe chiến lược, nền tảng của an ninh quốc gia”, chịu trách nhiệm quản lý kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang được mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Việc gần như toàn bộ Lực lượng Tên lửa bị thanh trừng sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của lực lượng này.

Ông Thẩm Minh Thất cho biết, hiện tại những lực lượng bị ảnh hưởng bởi cuộc chống tham nhũng là Lực lượng Tên lửa và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược. Hai lực lượng này, một chịu trách nhiệm tấn công hỏa lực liên hợp và một chịu trách nhiệm tích hợp và nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội, cho thấy hai lực lượng này đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Thẩm Minh Thất cho rằng, ngoài 7 tướng lĩnh cao cấp của Lực lượng Tên lửa, còn có khoảng 70-80 quan chức cấp thiếu tướng và đại tá cũng bị liên lụy. Những người này được ông Lý Ngọc Siêu, ông Lý Thượng Phúc hoặc ông Ngụy Phượng Hòa thăng chức. Điều quan trọng nằm ở chỗ, [những người bị liên lụy này] là các chỉ huy của các lữ đoàn phóng hoặc chỉ huy chính của các căn cứ. Nếu tất cả những người này đều bị liên lụy và bị thay thế, thì tính chuyên nghiệp, [quá trình] đào tạo và sự tích hợp chiến lược của Lực lượng Tên lửa đều sẽ gặp vấn đề.

Ông Thẩm Minh Thất nói: “Vì sao ông Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo EU rằng, Mỹ muốn dụ ông ta tấn công Đài Loan nhưng ông ta sẽ không mắc lừa? Bởi vì ông ta hiểu rõ rằng, trước năm 2027, lực lượng của ông ta không đủ khả năng để tấn công Đài Loan”.

Ông Dư Tông Cơ cho biết, Lực lượng Tên lửa là cốt cán của Trung Quốc trong việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Hiện tại, khi Lực lượng Tên lửa tham nhũng nghiêm trọng như vậy, ông Tập Cận Bình không thể không điều người từ hải quân và không quân vào tiếp quản. Nhưng những người không có chuyên môn làm sao có thể lãnh đạo một đơn vị có tính chuyên môn rất cao như vậy?

Ông Dư Tông Cơ nói rằng: “Hiện nay, việc sử dụng nhân sự dựa trên sự trung thành là ưu tiên hàng đầu, trong khi khả năng chuyên môn lại xếp ở vị trí thứ hai. Nếu áp dụng lối nghĩ này vào Lực lượng Tên lửa công nghệ cao, thì sẽ không bao giờ đạt được kỳ vọng chiến thắng”.

Ông Dư Tông Cơ cho biết thêm, Lực lượng Tên lửa là một loại quân đội công nghệ, có tần suất giao lưu với bên ngoài cao nhất, gần như cũng là lực lượng có chất lượng cao nhất. Nhưng hiện nay, họ lại là đơn vị có ít sự tự tin nhất để giành chiến thắng trong trận chiến; bởi vì họ biết rằng, họ không thể sánh bằng quân đội Mỹ.

“Năm ngoái, Mỹ đã phơi bày sự triển khai lực lượng khổng lồ của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc, sử dụng thông tin tình báo như một phương tiện răn đe, để nhắc nhở lãnh đạo Trung Quốc không nên quá tự tin, không nên bị các cố vấn thân cận xung quanh lừa dối mà nghĩ rằng có thể giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan, tránh đi vào vết xe đổi của ông Putin khi quyết định xâm lược Ukraine”.

Chống tham nhũng của Trung Quốc thực chất là thanh trừng phe phái

Các nhà phân tích cho rằng, tất cả các cuộc thanh trừng của Trung Quốc thực chất là kết quả của chế độ chuyên chế và quân đội không chịu sự giám sát của công chúng. Trung Quốc quyết tâm chống tham nhũng, nhưng chính tham nhũng lại do hệ thống của họ gây ra.

Ông Dư Tông Cơ cho biết, ông Tập Cận Bình luôn sử dụng lý do chống tham nhũng để thanh trừng phe phái. Đây là một thủ đoạn thường xuyên được quân đội Trung Quốc sử dụng để che đậy sự thật, tức là dùng việc chống tham nhũng để làm tấm màn che mắt.

“Hiện tại có tin đồn rằng, ông Tập muốn loại bỏ tàn dư của các phe phái khác. Nếu tiếp tục truy lên từ Ngụy Phượng Hòa, thì sẽ đến Trương Hựu Hiệp. Nhưng gần đây lại có tin rằng không truy cứu lên nữa. Nếu chỉ điều tra các phe phái khác, thì đã gián tiếp chứng minh rằng, chống tham nhũng chỉ là cái cớ cho cuộc đấu đá hoặc thanh toán trong quân đội”.

Ông Thẩm Minh Thất cho biết, Trung Quốc sẽ không dừng các biện pháp thanh trừng, mà họ sẽ tiếp tục tiến hành. Nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ cảm giác bất an và sự bất ổn của chính quyền, bao gồm cả sự xáo trộn xã hội, vấn đề suy giảm kinh tế, hoặc sự cô lập từ bên ngoài…

Ông Thẩm Minh Thất đặt những nghi vấn, đó là cả Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa đều có nhiều thuộc hạ, vậy thì nếu tiếp tục điều tra, kết quả điều tra liệu có được công bố hay không? Ông Trương Hựu Hiệp mặc dù có quan hệ mật thiết với ông Tập Cận Bình, nhưng liệu ông Trương có dính líu đến tham nhũng hay không? Nếu như ông Ngụy Phượng Hòa hoặc ông Lý Thượng Phúc thừa nhận đã đưa tiền cho ông Trương Hựu Hiệp, thì ông Trương Hựu Hiệp sẽ bị xử lý như thế nào?

“Hội nghị mở rộng của Quân ủy Trung ương tại Diên An, ngoài việc cảnh cáo ông Trương Hựu Hiệp và các thành viên khác của Quân ủy, cũng đã gửi đi thông điệp rằng, cuộc điều tra sẽ không dừng lại, và các thượng tướng đã nghỉ hưu không nên nghĩ rằng sẽ an toàn sau khi nghỉ hưu”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Thuần Phong biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

12 tướng ngã ngựa trong một năm, sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc bị ảnh hưởng