600.000 năm trước - khi chủng người Homo sapiens chưa xuất hiện - đã có sự bùng nổ công nghệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu kỹ thuật chế tạo công cụ lao động trong suốt thời gian 3,3 triệu năm, các nhà khoa học đã bất ngờ về một thời kỳ bùng nổ công nghệ vào 600.000 năm trước, không phải do loài người hiện đại chúng ta tạo ra.

Theo tờ Science Alert, một bước nhảy vọt về độ phức tạp của công cụ bằng đá (chỉ công cụ bằng đã mới tồn tại được lâu dài qua thời gian) trong hồ sơ hóa thạch cho thấy kiến thức của một chủng người khác, không thuộc chủng Homo sapiens hiện đại ngày nay, đã tăng đột ngột vào khoảng 600.000 năm trước.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà nhân chủng học Jonathan Paige của Đại học Missouri và Charles Perreault của Đại học Bang Arizona (Mỹ) đã phân tích một loạt công cụ cổ đại từ châu Phi, châu Âu, châu Á, châu Đại Dương (bao gồm thềm Sahul) và châu Mỹ (bao gồm Greenland).

Trong báo cáo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí PNAS, các tác giả viết: Đó là thời điểm thậm chí có thể “có trước sự khác biệt giữa người Neanderthal và người hiện đại và là một đặc điểm chung có nguồn gốc của cả hai dòng dõi”.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích kỹ thuật chế tạo công cụ bằng đá trong suốt 3,3 triệu năm trước. Họ đã xếp hạng thành 62 trình tự chế tạo công cụ theo thứ tự độ phức tạp của chúng (đơn vị quy trình) đối với các công cụ được tìm thấy trên 57 địa điểm.

Họ phát hiện rằng cho đến 1,8 triệu năm trước, trình tự sản xuất các công cụ bằng đá có mức độ phức tạp từ 2-4 đơn vị quy trình. Trong 1,2 triệu năm tiếp theo, độ phức tạp của công cụ đã tăng lên, đạt tới 7 đơn vị quy trình.

Các công cụ lao động bằng đá ở Iowa, Mỹ, một trong những phát minh thời cổ đại đã được lan truyền rộng rãi khắp thế giới.
Các công cụ lao động bằng đá ở Iowa, Mỹ, một trong những phát minh thời cổ đại đã được lan truyền rộng rãi khắp thế giới. (Billwhittaker / CC BY-SA 3.0)

Tuy nhiên, đến khoảng 600.000 năm trước, các công cụ đột ngột trở nên vô cùng phức tạp, chúng được chế tạo ở mức phức tạp lên đến 18 đơn vị quy trình.

Theo các tác giả, một tiến bộ công nghệ lớn như vậy phụ thuộc vào kiến thức được tích lại từ các thế hệ trước và có sự xuất hiện của văn hoá tích luỹ, họ viết trong nghiên cứu: “Văn hóa tích lũy là sự tích lũy những sửa đổi, đổi mới và cải tiến qua nhiều thế hệ thông qua học tập xã hội”.

"Các thế hệ cải tiến, sửa đổi và lỗi may mắn có thể tạo ra công nghệ và bí quyết vượt xa những gì mà một cá nhân ngây thơ có thể tự mình phát minh ra trong đời. Khi một đứa trẻ kế thừa nền văn hóa của thế hệ cha mẹ, nó sẽ thừa hưởng kết quả của hàng ngàn năm may mắn."

Việc cải tiến quy trình sản xuất công cụ trên diện rộng còn cho thấy chủng người tồn tại trước chủng người Homo sapiens chúng ta đã biết tận dụng kiến thức tập thể, trao đổi giao lưu văn hóa. Đó cũng chính là nền tảng để xã hội ngày nay phát triển.

Điều này cho thấy loại trí thông minh tạo nên văn hóa vào thời kỳ đó đã rất phát triển, nó đã xuất hiện sớm hơn trong lịch sử nhân loại.

Loài người Homo sapiens chúng ta, còn gọi là người hiện đại hoặc người tinh khôn, chỉ ra đời vào khoảng 300.000 năm về trước. Điều đó có nghĩa rằng cuộc bùng nổ công nghệ này không phải do tổ tiên của chúng ta tạo nên, mà do một chủng người cổ đã tuyệt chủng khác tạo nên.

Theo các nghiên cứu trước đó, người Homo sapiens chúng ta không đơn độc, họ từng sống cùng với khoảng 8 loài người khác hiện đã tuyệt chủng. Thậm chí đến khoảng 15.000 năm trước, chúng ta vẫn còn sống chung với một loài người khác được gọi là người Denisovan.



BÀI CHỌN LỌC

600.000 năm trước - khi chủng người Homo sapiens chưa xuất hiện - đã có sự bùng nổ công nghệ