Ăn nhanh để ‘tiết kiệm thời gian’ hay đang ‘rước bệnh vào người’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Guồng quay của xã hội khiến con người trở nên bận rộn. Áp lực công việc, thành tích học tập và sự cạnh tranh gay gắt làm đảo lộn mọi nếp sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh vốn có. Đó cũng là lý do tại sao người hiện đại mắc nhiều bệnh tật hơn.

Huỳnh Anh, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết thói quen ăn nhanh của cậu đã hình thành từ năm cuối cấp 3.

Thời điểm đó, việc ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp được đặt lên hàng đầu, nên thời gian rất eo hẹp. Nhà xa trường, nên buổi trưa cũng như buổi tối, cậu phải ăn thật nhanh để kịp lên lớp mà không bị trễ giờ.

Hiện tại, thói quen này vẫn được duy trì. Cậu nói rằng ăn nhanh riết cũng thành quen, mỗi bữa cơm đều chưa tới 10 phút. Với lý do vẫn ăn đầy đủ ngày ba bữa, Huỳnh Anh cho rằng so với việc bỏ bữa và nhịn đói, thói quen ăn nhanh này không đáng lo ngại.

Tác hại của thói quen ăn nhanh

Thạc sĩ - Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, giảng viên Trường Đại học Y - Dược TP.HCM, cho biết nếu bữa ăn kéo dài dưới 15 phút thì sức khoẻ có thể bị ảnh hưởng.

Thức ăn sẽ được nghiền nhỏ khi nhai. Trong quá trình này, tuyến nước bọt có đủ thời gian để tiết các enzym, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa.

Nếu không nhai kỹ thức ăn, dạ dày sẽ tốn nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Về lâu dài có thể gây đầy hơi, co thắt tạo nên cơn đau cấp tính.

Thường xuyên ăn quá nhanh có thể kích thích dây thần kinh vị giác, có thể ảnh hưởng đến vị giác nếu thói quen này không được thay đổi.

Mặt khác, thức ăn to, thô có thể mắc nghẹn ở cổ khi ăn quá nhanh; trong trường hợp có mảnh xương, chúng có thể chọc vào thực quản, gây tổn thương.

Ăn nhanh cũng làm tăng nguy cơ béo phì do cơ thể sẽ ngừng tiết một loại hormone, vốn đóng vai trò thông báo lên não khi dạ dày đã đầy. Việc ăn quá nhanh sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết trước khi nhận ra là mình đã no, từ đó không thể kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể.

Điều này có thể góp phần làm tăng lượng đường huyết trong máu, ảnh hưởng đến sự điều tiết insulin và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhai kỹ thức ăn cho phép dạ dày có đủ thời gian gửi tín hiệu lên não để thông báo cảm giác no.

Theo ông, muốn nhai kỹ thức ăn bạn cần tập trung, không đọc báo, không xem điện thoại và trao đổi công việc... Đây cũng cách để bạn hạn chế ăn quá nhiều và tăng cảm giác thoả mãn trong bữa ăn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thức ăn nên được nhai khoảng 32 lần. Đối với các loại thịt dai như bít tết, các loại hạt, nên nhai tới 40 lần. Còn với thức ăn mềm hơn như khoai tây và dưa hấu, bạn chỉ cần khoảng 5 - 10 lần. Bằng cách nhai nhiều lần, bạn sẽ ăn chậm hơn.

Việc ăn nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố gồm độ tuổi, công việc, thói quen, lượng thức ăn của từng bữa… Nhưng để đảm bảo thức ăn không bị biến chất, nguội lạnh, hư hỏng cũng như tốc độ nhai phù hợp để hệ tiêu hóa làm việc thì bữa ăn nên kéo dài trong khoảng từ 20 - 30 phút là hợp lý.

Việc thay đổi thói quen ăn nhanh thành ăn chậm đòi hỏi sự rèn luyện nhất định, và dưới đây là một số lợi ích mà bạn có thể hưởng lợi từ việc ăn chậm (nhai kỹ).

4 lợi ích của việc ăn chậm

- Tiêu hóa tốt hơn

Nhai kỹ cho phép dạ dày hoạt động hiệu quả và phân hủy thức ăn nhanh hơn.

Hành động này cũng phá vỡ các hạt thức ăn lớn hơn thành các mảnh nhỏ hơn, từ đó hỗ trợ dạ dày tiêu hoá thức ăn hiệu quả hơn.

Nhai chậm làm tăng tiết nước bọt - chứa men amylase có tác dụng phân hủy một phần tinh bột trong miệng. Do đó, khi nhai kỹ, bạn sẽ thấy thức ăn trong miệng ngọt hơn.

Quá trình chuẩn bị tiêu hoá ở dạ dày và ruột sẽ tốt hơn khi nhai kỹ.

Cụ thể, khi dạ dày tiêu hoá đầy đủ thức ăn, chúng sẽ di chuyển vào ruột non. Tại đây, thức ăn được trộn với enzym để tiếp tục phân hủy, đồng thời, các chất dinh dưỡng từ thức ăn cũng được hấp thụ tối đa. Cuối cùng, chất thải được chuyển đến ruột già, nếu còn sót lại được bài tiết qua trực tràng và hậu môn.

- Hấp thụ chất dinh dưỡng

Nhai kỹ thức ăn giúp cơ thể hấp thụ một lượng lớn chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất từ thực phẩm.

Hơn nữa, khi nhai, nhiều enzym tiêu hóa được sản xuất để phân hủy thức ăn, hỗ trợ tiêu hóa.

Quá trình này cũng kích hoạt sản xuất axit hydrochloric trong dạ dày, giúp tiêu hóa tốt hơn bằng cách điều chỉnh độ pH, tăng mức độ axit hỗ trợ phân hủy thức ăn.

- Kiểm soát khẩu phần và ổn định cân nặng

Não bộ mất khoảng 20 phút để báo hiệu cho dạ dày rằng cơ thể đã nạp đủ lượng thức ăn cần thiết.

Nhai thức ăn nhiều lần với tốc độ chậm hơn có thể giảm lượng thức ăn dùng trong mỗi bữa.

Nếu ăn quá nhanh, có thể bạn đã ăn xong nhưng não vẫn nghĩ rằng bạn đang đói. Điều này khiến bạn ăn nhiều hơn, tiêu thụ nhiều calo hơn dẫn đến tăng cân.

- Giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn

Quá trình nhai làm giảm nguy cơ phát triển quá mức của vi khuẩn. Thức ăn không được phân hủy đúng cách có thể khiến vi khuẩn phát triển mạnh trong ruột già, dẫn đến chứng khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi và táo bón.

Khi nhai, cơ thể gửi thông điệp đến hệ tiêu hóa, kích hoạt sản xuất axit hydrochloric trong dạ dày, nhờ đó, thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Dạ dày cũng được thư giãn và tiết ra nước bọt cho phép thức ăn đi vào ruột hiệu quả.

Khi ăn quá nhanh, phần còn lại của hệ thống tiêu hóa dễ bị rối loạn. Cơ thể không sản xuất đủ enzym cần thiết để phân hủy hoàn toàn thức ăn, gây đầy bụng, tiêu chảy, ợ nóng, trào ngược axit, buồn nôn…

Tóm lại, từ việc nhai kỹ thức ăn, bạn có thể tiết kiệm được lượng thức ăn mỗi ngày, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, vừa rèn luyện tính kiên nhẫn cho bản thân mà vẫn đảm bảo nạp đủ năng lượng cho cơ thể.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ăn nhanh để ‘tiết kiệm thời gian’ hay đang ‘rước bệnh vào người’