Bậc quân tử không có tâm đố kỵ, thích thành tựu cái tốt đẹp cho người khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đố kỵ là một trạng thái tình cảm tiêu cực, là sự mất cân bằng tâm lý đối với phẩm hạnh, tài năng, danh dự của người khác tốt hơn mình. Khi một người có những tư tưởng và hành vi đố kỵ, lời nói tổn hại người, thì người đó đã là có tâm bất thiện, khiến đối phương chịu thống khổ, cũng là tạo nghiệp cho bản thân, quả báo sẽ tự nhiên đến.

Văn hóa truyền thống coi trọng sự thiện lương, khoan hậu giữa người với người. Người có tấm lòng bao la rộng lớn sẽ thành tâm thán phục, ca ngợi ưu điểm, sở trường và thành tích của người khác, suy nghĩ về những thiếu sót của bản thân, tham khảo học hỏi người khác, chuyên tâm vào sự nghiệp của mình, họ sẽ không có thời gian mà đố kỵ người khác.

Trên thực tế, tâm đố kỵ xuất phát từ lòng dạ hẹp hòi và tâm lý tự tư. Duy chỉ có người thiếu đức hạnh, tầm nhìn hẹp hòi và không có tu dưỡng mới đố kỵ người khác. Mỗi khi thấy cái tốt của người khác thì trong lòng họ liền thấy bất bình, mất cân bằng trong tâm. Cả đời họ sống khó lòng yên ổn, bởi hôm nay sợ người khác hơn mình, ngày mai lại lo lắng ai đó đứng trên mình, rất khổ rất mệt. Thậm chí còn có những người do tâm đố kỵ sai khiến đã vu cáo hãm hại người tốt, việc xấu gì cũng làm.

Họ tuy đắc thế nhất thời, nhưng cuối cùng sẽ trở thành những người cô độc, hơn thế nữa, họ sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của nhân quả báo ứng, bởi vì lẽ Trời đang chế ước hết thảy.

Tật đố là một chủng bệnh

Điểm khiếm khuyết lớn nhất trong bản tính của con người, đó chính là không thấy được điểm tốt của người khác, không mong người khác có được điều tốt, đây cũng chính là tâm đố kỵ, ghen ghét mà chúng ta thường nói đến.

Hãy thử nghĩ mà xem, bạn đã bận rộn và cố gắng suốt một năm trời để có công việc kinh doanh phát đạt, nhưng lại có người thầm hy vọng bạn sớm ngày gặp tai họa. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào?

Khi trong tâm bạn đem lòng đố kỵ với người khác, hãy tự hỏi lòng mình xem, trạng thái đó có phù hợp với sự thiện lương vốn có hay không? Khi bạn nói ra những điều ác ý, hãy thử đổi vị trí của mình sang đối phương để nghĩ về tâm trạng của họ như thế nào? Khi bạn muốn xúc phạm và làm tổn thương người khác, hãy suy nghĩ một chút về con đường và quả báo mà bản thân sẽ phải nhận trong tương lai.

Trong cuộc sống luôn có một kiểu người như thế này, khi nhìn thấy người khác kém may mắn hoặc gặp việc xui xẻo, họ sẽ mừng thầm trong tâm, cứ như bản thân mới trúng số vậy. Không hy vọng người khác có được thứ tốt hơn mình, chính là họ đang đố kỵ với người khác.

Chỉ khi năng lực và hoài bão không tương xứng thì bạn mới sợ người khác sẽ thể hiện năng lực và vượt qua chính mình. Nhiều khi, những người càng gần gũi với bạn thì họ lại càng ít mong muốn bạn sống tốt.

Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, nếu người khác xuất sắc hơn bạn ở một phương diện nào đó, điều đó chứng tỏ rằng bạn vẫn chưa đủ nỗ lực ở phương diện đó.

Người có tu dưỡng biết tôn trọng và yêu mến những người xung quanh. Thấy người khác có việc tốt thì nên vui mừng, chúc phúc cho họ. Khi người khác khó khăn thì hãy nên tận tâm tận lực giúp đỡ họ, thúc đẩy tác thành việc tốt cho họ.

Thành tựu của người khác vượt hơn mình, đây là cái đạo của người thành công xuất chúng. Cần có tấm lòng rộng mở và bao dung người khác, không nên có một chút chướng ngại đố kỵ nào thì mới có thể ôn hòa và cảm hóa người khác, mới thực sự làm được đối xử tốt với người khác.

Hãy sống tốt cuộc sống của chính mình và âm thầm chúc phúc cho người khác, đó mới là con đường nhân sinh đúng đắn nhất. Bởi tâm đố kỵ không chỉ hại người mà còn hại người.

Đối xử tử tế với người khác, cuộc sống của bạn sẽ càng tốt đẹp

Lời nói cũng tựa như con dao hai lưỡi, nó có thể khích lệ chúng ta tiến lên, cũng có thể làm tổn thương tâm hồn chúng ta một cách sâu sắc. Những người có tấm lòng hẹp hòi và đố kỵ thường có lời lẽ khắc nghiệt, gay gắt và thường làm người khác tổn thương.

Con người muốn sống hạnh phúc thì cần mở rộng tâm của mình và tự tin hơn vào bản thân, mà sự tự tin xuất phát từ sự tán dương và khích lệ của người khác.

Nếu bạn ở cạnh những người có tấm lòng đố kỵ, bạn sẽ bị lời nói của họ công kích, sự tự tin của bạn có thể bị hủy hoại, bạn có thể trở nên nghi ngờ bản thân và rụt rè khi làm mọi việc, cuộc sống của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Mỗi khi thấy người gặp việc thất ý hoặc đen đủi, chúng ta nên sinh lòng cảm thông, điều này sẽ khiến bản thân cảm thấy thực sự thoải mái. Nếu như đố kỵ với thành công của người khác, vui mừng trước thất bại của người khác, thì nào có ích chi, kỳ thực là đang làm tổn thương chính mình, chỉ càng khiến tâm của mình xấu đi mà thôi. Có câu nói: ‘Thấy cái được của người khác, như tự mình đắc được vậy. Thấy cái mất của người khác, như chính mình bị mất vậy.’ Nếu như trong tâm được như vậy, thiên thượng nhất định sẽ bảo hộ loại người này.

Bởi vậy, hãy khen ngợi và công nhận người khác nhiều hơn, đừng bao giờ tiết kiệm những lời hay ý đẹp. Khi bạn động viên và trao cho người khác những lời thiện ý, bạn sẽ nhận được những phản hồi tốt đẹp, như một nụ cười hoặc một lời cảm ơn. Sống trong một môi trường mà mọi người đều khích lệ và hỗ trợ nhau, may mắn và thành công sẽ tự nhiên đến với bạn.

Bậc quân tử không có tâm đố kỵ, thích thành tựu cái tốt đẹp cho người

Khổng Tử nói: “Người quân tử thành tựu cái tốt đẹp cho người, không tác thành cái xấu cho người, kẻ tiểu nhân thì ngược lại.”. Ý nghĩa là, người quân tử có đạo đức cao thượng, luôn nghĩ điều tốt cho người khác, thành tựu việc tốt cho người khác, không tác thành việc xấu cho người, còn kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn ngược lại. Thành tựu cái đẹp cho người là một loại tu dưỡng, cũng là một phẩm chất tốt đẹp và cao thượng, nó cần có tấm lòng rộng mở và tâm thái làm việc thiện vì người khác.

Bậc quân tử không có tâm đố kỵ, thích thành tựu cái tốt đẹp cho người. (Tranh Bình Minh/NTDVN)

Người quân tử tu nội mà an ngoại, bên trong tu thân, bên ngoài khiến người thông tỏ lý sự, dốc hết khả năng tạo thuận lợi và giúp đỡ cho người. Cũng giống như tư tưởng Nho gia: “Người ta bị ngập nước thì mình cũng bị ngập nước, người ta đói thì mình cũng đói”; “Điều mình không muốn thì chớ làm cho người”. Tư tưởng của Đạo gia trừng phạt cái ác, tuyên dương cái thiện. Phật gia dạy con người ta hướng thiện, từ bi phổ độ chúng sinh.

Các bậc Thánh vương minh quân trị thế, khiến cho quốc thái dân an. Các bậc hiền tướng lương thần tinh trung báo quốc, tiến cử hiền tài, không chút mảy may mưu lợi riêng. Họ đều là những người thực hành và truyền bá đạo đức tế thế và tư tưởng của Nho, Phật, Đạo, kết thiện duyên rộng khắp thiên hệ, khiến người ta thăng hoa đạo đức. Trong cuộc sống thường nói những lời khuyến thiện khích lệ người, khiến người ta chọn theo thiện, đều là thể hiện của việc thành tựu cái đẹp cho người khác. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều những giai thoại lưu truyền đến ngày nay.

Tất cả đều bao hàm cảnh giới tư tưởng thành tựu cái tốt đẹp cho người khác.

Kỳ thực, không ai có thể tồn tại trong một hòn đảo hoang vắng, thêm một người bạn sẽ có thêm nhiều con đường để đi trong cuộc sống. Bất luận là trong hoàn cảnh nào, đối xử thiện ý với người khác sẽ tốt hơn nhiều so với việc mong điều xấu đến với họ.

Cách đơn giản nhất để khiến nội tâm của bản thân trở nên tốt đẹp, đó chính là hy vọng người khác đắc được điều tốt, gặp hoàn cảnh thuận lợi. Khi mọi người xung quanh bạn đều tốt, vận may của bạn sẽ được môi trường đó thay đổi, bạn cũng sẽ nhận được lợi ích từ trong đó.

Giữa người với người luôn có sự tương tác qua lại lẫn nhau, khi bạn đối xử tốt với người khác, họ cũng sẽ đối xử tử tế với bạn.

Tặng người khác một bông hồng, bàn tay bạn cũng sẽ vương vấn mùi hương, nếu bạn tạo ra chướng ngại vật cho người khác, người khác tự nhiên sẽ tạo ra rắc rối cho bạn.

Người quân tử thành tựu điều tốt đẹp cho người chính là xuất phát từ sự tôn trọng và yêu thương, đối với khuyết điểm của người khác thì sinh lòng cảm thông, dùng thiện ý chỉ ra, trước nguy nan của người khác thì dốc sức tương trợ, lúc thành công thì không kiêu ngạo kể công, mà càng nghĩ nhiều đến sự giúp đỡ và ân huệ mà người khác đã dành cho mình. Những người như vậy sẽ nhận được phúc báo về sau, con đường nhân sinh của họ sẽ luôn rộng mở và tươi sáng.

Thiện Bảo biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bậc quân tử không có tâm đố kỵ, thích thành tựu cái tốt đẹp cho người khác