Bác sĩ Mỹ cũng lo ngại về việc Thượng Hải thành lập Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Nhi đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh viện Nhi của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải mới đây đã tuyên bố thành lập một trung tâm cấy ghép nội tạng lớn cho trẻ em. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc lo lắng do trong nhiều năm trở lại đây thường xuyên xuất hiện những tin tức như trộm cắp nội tạng và thanh thiếu niên mất tích. Một bác sĩ y khoa (Medical Doctor) nổi tiếng người Mỹ nói rằng, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc có đủ mọi lý do để lo lắng như vậy.

Vào ngày 21/5 năm nay, Bệnh viện Nhi của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã tổ chức lễ thành lập "Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Nhi đồng". Hơn 100 nhân viên y tế nhi khoa từ khắp cả nước Trung Quốc đã tới tham dự. Bệnh viện này cho biết từ tháng 8/2022 đến ngày 17/5 năm nay, họ đã thực hiện được 102 ca ghép tạng (cho trẻ em), trong đó có 89 ca ghép thận, 9 ca ghép gan và 4 ca ghép tim.

Tuy nhiên, những thành tích này lại khiến nhiều bậc phụ huynh phải rùng mình. Có người đã đưa ra lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ: “Hãy coi chừng con em mình”.

Ông Robert Sade, Giáo sư Khoa Phẫu thuật tại Đại học Y Nam Carolina ở Mỹ nói với đài NTD rằng, về việc Thượng Hải thành lập một trung tâm cấy ghép nội tạng lớn dành cho trẻ em, các bậc cha mẹ có đủ mọi lý do để cảm thấy lo lắng.

"Sự thực là Trung Quốc đã lợi dụng những người không đồng ý [hiến tạng] và thu hoạch nội tạng của họ trong khi chưa có được sự đồng ý của họ, và trong rất nhiều trường hợp rất có thể dẫn đến cái chết của họ, đây là điều mọi người đều biết. Và tôi cho rằng tình huống này rất có thể sẽ xảy ra với đối tượng trẻ em", ông Sade nói.

Bác sĩ Sade còn là Giám đốc Viện Giá trị Con người trong Chăm sóc Sức khỏe của Đại học Y Nam Carolina và là Giám đốc Chương trình Đạo đức Nghiên cứu Lâm sàng. Ông là tác giả của hàng trăm bài báo và sách liên quan đến nghiên cứu phẫu thuật tim lồng ngực, giáo dục y tế, đạo đức y sinh và chính sách y tế.

Bác sĩ Sade từng là Giám đốc Y tế của LifePoint, một tổ chức phụ trách về nguồn cấp nội tạng ở tiểu bang Nam Carolina, từ năm 1998-2012. Ông còn từng là thành viên của Hội đồng về các Vấn đề Đạo đức và Tư pháp của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA), Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn và Đạo đức của Hiệp hội các Bác sĩ Phẫu thuật Lồng ngực Mỹ (STS) và Chủ tịch Ủy ban Đạo đức của Hiệp hội Phẫu thuật Lồng ngực Hoa Kỳ (AATS).

Ông hiện là Chủ tịch Diễn đàn Đạo đức Tim - Lồng ngực của STS và AATS, đồng thời là trợ lý biên tập của tập san The Annals of Thoracic Surgery (Biên niên sử về Phẫu thuật Lồng ngực).

‘Trẻ em Trung Quốc luôn ở trong nguy hiểm’

Bác sĩ Sade nói rằng, trẻ em Trung Quốc luôn ở trong nguy hiểm.

“Tôi tin rằng hiện nay ở các nơi của Trung Quốc đều có một số trung tâm đang thực hiện phẫu thuật cấy ghép [nội tạng] cho trẻ em. Điều này khiến trẻ em có nguy cơ bị bắt cóc và nội tạng bị cấy ghép cho con của những người có quyền lực cần [thay] nội tạng. Tôi cho rằng đây là một vấn đề đáng lo ngại. Tôi thực sự có dữ liệu cấy ghép nội tạng liên quan đến người lớn nhưng chúng không liên quan đến trẻ em lắm, nhưng tôi tin rằng trẻ em cũng rất có thể phải đối mặt với nguy cơ trở thành người hiến tạng không tự nguyện", ông nói.

Ở Trung Quốc, các trường hợp thanh thiếu niên bị mất tích thường xuyên xảy ra. Vào tháng 10/2022, em Hồ Hâm Vũ (Hu Xinyu), một học sinh trung học 15 tuổi của trường Trung học Chí Viễn ở huyện Diên Sơn, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, đã biến mất khỏi trường một cách bí ẩn.

Ngoài ra, còn có nhiều vụ học sinh tiểu học và trung học mất tích ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang.

Có không ít người nghi ngờ rằng những đứa trẻ bị mất tích này đã bị sát hại và bị thu hoạch nội tạng. Trên thực tế, các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc cũng từng đưa tin về một số trường hợp trộm cắp nội tạng gây chấn động, thậm chí có trường hợp đã bị đưa ra tòa và nhận phán quyết.

Năm 2009, tạp chí Cấy ghép Nội tạng (Organ Transplantation) của Trung Quốc công bố tin tức rằng, một vụ án "giết người và trộm nội tạng" chấn động đã xảy ra ở tỉnh Quý Châu, và bác sĩ của một bệnh viện trực thuộc một trường đại học ở tỉnh Quảng Đông có thể có liên quan đến vụ án này.

Vào tháng 8/2014, một tòa án ở Trung Quốc đã đưa ra phán quyết cuối cùng về một vụ buôn bán nội tạng người trái phép. Bản án nêu rõ, 15 bị cáo, bao gồm người tổ chức, người môi giới, khách hàng và nhân viên y tế, đã tiến hành việc lấy thận từ cơ thể sống trong một ngôi nhà cho thuê rồi thông qua Trưởng khoa tiết niệu của một bệnh viện tuyến đầu ở Bắc Kinh để thực hiện cấy ghép thận và thu lợi nhuận khổng lồ. Vụ án này liên quan đến tổng cộng 51 quả thận và số tiền lên tới 10,34 triệu nhân dân tệ (theo tỷ giá hiện tại là hơn 36 tỷ VND).

‘Các trường học ở Mỹ không bao giờ xét nghiệm máu của học sinh’

Kể từ tháng 3 năm ngoái, một số phụ huynh ở Trung Quốc đã phản ánh rằng các trường học yêu cầu học sinh xét nghiệm máu tại trường, do đó họ cảm thấy lo lắng. Mọi người lo rằng việc xét nghiệm máu trong trường là nhằm tìm người hiến tạng tiềm năng. Một khi tìm được người phù hợp, học sinh đó có thể bị ra tay.

Giáo sư Sade cho biết, ở Mỹ, các trường học không bao giờ tiến hành xét nghiệm máu của học sinh. Thật kỳ lạ khi các trường học ở Trung Quốc lại làm điều này.

Ông nói: "Tôi tin rằng, tại các trường học trên đất nước này (Hoa Kỳ), hoặc là bất kỳ nơi nào ở phương Tây, chúng tôi đều không xét nghiệm máu của các em ở trong trường. Việc họ (các trường học ở Trung Quốc) xét nghiệm máu khiến người ta liên tưởng tới những gì họ (chính quyền Trung Quốc) làm với người Duy Ngô Nhĩ và [các học viên] Pháp Luân Công ở Trung Quốc".

Chính quyền Trung Quốc cũng đã tiến hành xét nghiệm máu của một số lượng lớn học viên Pháp Luân Công. Ví dụ, Minghui.org (Minh Huệ) - một trang web có trụ sở tại Mỹ chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, từng cho biết rằng, vào ngày 15/7/2014, cảnh sát Trung Quốc đã đến nhà của học viên Pháp Luân Công Lý Tích Tiên (Li Xixian) ở thành phố Khải Lý, tỉnh Quý Châu và rút ra hai ống nghiệm, họ muốn lấy máu của bà Lý.

Vào ngày 16/7 cùng năm, khi một học viên Pháp Luân Công khác là bà Dương Trung Tú (Yang Zhongxiu), cũng ở thành phố Khải Lý, có mặt tại Đồn cảnh sát Thành Tây, các cảnh sát cũng đã đề nghị lấy máu của bà Dương.

Năm 2019, phán quyết của “London Tribunal” - một tòa án của nhân dân được tổ chức ở London, chuyên điều tra hoạt động thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc - tiết lộ rằng những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ “đã bị xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng một cách có hệ thống”, trong khi những tù nhân khác thì không bị kiểm tra như vậy.

Theo một báo cáo điều tra của luật sư nhân quyền người Canada, ông David Matas, và nguyên Thứ trưởng phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Canada, ông David Kilgour, các học viên Pháp Luân Công chưa bao giờ được thông báo về lý do bị xét nghiệm, kiểm tra hoặc kết quả của những lần xét nghiệm, kiểm tra đó. Hai nhà điều tra độc lập này cho rằng, không có lý do về sức khỏe chính đáng nào để thực hiện những xét nghiệm hoặc kiểm tra nội tạng như vậy, vì chính quyền Trung Quốc không quan tâm đến sức khỏe của các tù nhân Pháp Luân Công (các tù nhân là học viên Pháp Luân Công thường bị tra tấn tàn bạo trong tù và nhiều người trong số họ đã bị tra tấn đến chết).

Giáo sư Sade nói: "Họ làm xét nghiệm máu để tìm ra đối tượng tương thích và nội tạng mà họ cần. Một khi họ cần nội tạng, họ sẽ xem các xét nghiệm máu và chọn ra một người có nhiều khả năng có nội tạng tương thích nhất, sau đó lấy nội tạng của họ. Tôi cho rằng có lẽ điều tương tự có thể xảy ra với các em học sinh trong trường. Tôi không biết còn nguyên nhân nào khác khiến họ cần xét nghiệm máu của trẻ em".

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ Mỹ cũng lo ngại về việc Thượng Hải thành lập Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Nhi đồng