Báo cáo: Hong Kong là thành phố đắt đỏ thứ 2 thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ hạng toàn cầu của Hong Kong đã tăng từ vị trí thứ 3 lên thứ 2, trong khi London trở lại top 3 và Thượng Hải tụt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 4.

“Báo cáo về Tài sản và Phong cách sống Toàn cầu 2024” do Tập đoàn Julius Baer công bố gần đây cho thấy thứ hạng toàn cầu của Hong Kong đã tăng từ vị trí thứ 3 lên vị trí thứ 2, trong khi giá bất động sản ở đây vẫn cao thứ 2 trên thế giới. Đây cũng là thành phố đắt đỏ nhất để thuê luật sư.

London đã trở lại top 3 và Thượng Hải tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4.

Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù mức tăng giá trung bình tính theo USD đã chậm lại từ 6% vào năm 2023 xuống còn 4% trong năm nay, nhưng mức tăng giá hàng hóa trong năm nay vẫn cao hơn mức tăng giá dịch vụ. Trong đó, giá hàng hóa đã tăng trung bình 5%, cao hơn 1% so với giá dịch vụ.

Theo báo cáo, 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo thứ tự giảm dần, là Singapore, Hong Kong, London, Thượng Hải, Monaco, Zurich, New York, Paris, Sao Paulo và Milan.

Mặc dù Châu Á Thái Bình Dương vẫn tự hào có 2 thành phố đắt đỏ nhất trong bảng xếp hạng, nhưng khu vực này không còn là nơi đắt đỏ nhất nói chung do giá cả giảm ở một số thành phố. Những sự sụt giảm thứ bậc đáng chú ý bao gồm Tokyo, tụt từ vị trí thứ 15 xuống vị trí thứ 23; Thượng Hải, tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4; Bangkok, tụt từ vị trí thứ 11 xuống vị trí thứ 17; và Jakarta, tụt từ vị trí thứ 12 xuống vị trí thứ 14.

Báo cáo xem xét tác động đến những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao. Nó xem xét một rổ gồm 20 mặt hàng được người tiêu dùng giàu có mua hoặc sử dụng, bao gồm bất động sản nhà ở, giáo dục tư nhân, hàng tiêu dùng cao cấp và chi phí chăm sóc sức khỏe; báo cáo cũng đặt trọng số cao hơn vào bất động sản và ô-tô. Dựa trên chi phí của rổ hàng hóa, sau đó báo cáo so sánh 25 thành phố lớn trên thế giới theo giá trị đồng USD.

Biến động tiền tệ đóng vai trò lớn đối với vị trí xếp hạng của các thành phố khi chúng được so sánh theo giá trị đồng USD.

Zurich, Milan, Sydney, Paris và Thành phố Mexico nằm trong số những thành phố tăng hạng, trong khi Tokyo, Bangkok, Dubai và Đài Bắc nằm trong số những thành phố giảm xếp hạng. Tuy nhiên, chi phí của Tokyo và Thành phố Mexico hầu như không thay đổi, và sự thay đổi vị trí của chúng phần lớn là do sự thay đổi về tỷ giá hối đoái theo USD của đồng tiền của 2 thành phố này. New York tụt hạng từ thứ 5 xuống thứ 7, và Miami tụt hạng từ thứ 10 xuống thứ 15, chủ yếu là do tác động của một đồng USD mạnh.

Trên toàn cầu, giá đồ trang sức, túi xách và giày dép cao cấp của phụ nữ, và các bộ vest nam đã tăng khoảng 9%. Ô-tô, đồng hồ và các sản phẩm công nghệ đã tăng khoảng 5%, trong khi giá của việc đi lại công tác và bất động sản nhà ở chỉ tăng hoặc giảm nhẹ tính theo đồng USD.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: Hong Kong là thành phố đắt đỏ thứ 2 thế giới