Bí ẩn về trạng thái minh mẫn cuối đời: Vì sao một số người sắp chết đột nhiên trở nên tỉnh táo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trường hợp của Anna Katherina Ehmer là một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất về trạng thái minh mẫn cuối đời, một hiện tượng đang làm bối rối các nhà nghiên cứu.

Bà Ehmer, được biết đến với cái tên Käthe, là một phụ nữ người Đức sinh ra với khuyết tật nghiêm trọng vào năm 1895. Năm sáu tuổi, bà được đưa vào một viện tâm thần và sống tại đó cho đến khi qua đời ở tuổi 26.

Tiến sĩ Friedrich Happich, người điều hành viện, kể:

"Käthe là một trong những bệnh nhân có khuyết tật về tâm thần nặng nhất từng sống trong viện của chúng tôi. Ngay từ khi sinh ra, bà đã bị chậm phát triển trí não nghiêm trọng.

Bà không bao giờ học được cách nói một từ nào. Bà nhìn chằm chằm vào một điểm cụ thể hàng giờ, sau đó lại bồn chồn hàng giờ không ngừng nghỉ.

Bà ăn theo kiểu ngấu nghiến, không kiểm soát bản thân cả ngày lẫn đêm, phát ra những âm thanh giống động vật và ngủ.

Trong suốt thời gian sống tại bệnh viện, chúng tôi chưa bao giờ thấy bà chú ý đến môi trường xung quanh dù chỉ một giây".

Käthe trải qua một số đợt viêm màng não, được cho là đã "phá hủy phần lớn mô não cần thiết cho khả năng suy luận thông minh".

Bà cũng mắc bệnh lao, dẫn đến việc phải cắt cụt chân và là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến cái chết. Bà chưa bao giờ nói được một từ nào. Nhưng, khi hấp hối, một điều bất ngờ đã xảy ra. Bà bắt đầu tự hát.

Bà hát - rõ ràng và bằng tiếng Đức hoàn hảo - một bài thánh ca tang lễ. Bà tự hát cho mình nghe trong suốt nửa giờ cho đến khi qua đời.

Tiến sĩ Happich kể lại cảnh tượng tại giường bệnh của Käthe:

"Một ngày nọ, tôi được gọi đến bởi một bác sĩ tại bệnh viện, ông là người được kính trọng cả về mặt khoa học và bác sĩ tâm thần. Ông nói: 'Hãy đến ngay, Käthe đang hấp hối!'

Khi bước vào phòng, chúng tôi không tin vào mắt và tai của mình. Käthe, người chưa bao giờ nói một từ nào, bị khuyết tật tâm thần hoàn toàn từ khi sinh ra, đã tự hát những bài ca tiễn biệt.

Cụ thể, bà ấy hát đi hát lại 'Linh hồn tìm thấy ngôi nhà của nó, sự bình yên ở đâu? Bình yên, bình yên, sự bình yên thiên đường!' Trong nửa giờ, bà ấy hát.

Khuôn mặt của bà, vốn dĩ đờ đẫn, giờ đây được biến đổi và thăng hoa. Sau đó, bà ấy lặng lẽ qua đời. Giống như tôi và y tá chăm sóc bà, bác sĩ cũng rơm rớm nước mắt".

Một hiện tượng khó hiểu

Trạng thái minh mẫn cuối đời phổ biến ở các bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ ngay trước thời điểm họ qua đời.

Họ có một khoảng thời gian ngắn tỉnh táo, nơi họ "trở lại cuộc sống" và lấy lại những phẩm chất tạo nên con người họ - hoặc là con người họ trước khi mắc bệnh.

Sự minh mẫn này có thể bao gồm khả năng nhớ lại những ký ức được cho là đã mất đi do một căn bệnh dần dần hủy hoại não bộ, cũng như khả năng giao tiếp - điều có thể đã biến mất từ ​​lâu do hậu quả của bệnh tật.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra với những người mắc chứng mất trí nhớ, mà còn xảy ra ở những người mắc các tình trạng khác như bệnh tâm thần nghiêm trọng, rối loạn não, khối u, viêm màng não, áp xe não, đột quỵ và chấn thương não, cũng như bệnh nhân hôn mê có thể tỉnh dậy ngay trước khi chết.

Năm 2009, nhà sinh học người Đức Michael Nahm đã định nghĩa thuật ngữ "trạng thái minh mẫn cuối đời" trong một bài báo trên Tạp chí Nghiên cứu Cận tử (Journal of Near-Death Studies) là:

"Sự tái hiện của trạng thái tinh thần bình thường hoặc nâng cao bất thường ở những bệnh nhân chậm chạp, bất tỉnh hoặc mắc bệnh tâm thần ngay trước khi chết, bao gồm cả tâm trạng phấn chấn đáng kể và có phần hơi hướng tâm linh, hoặc khả năng nói theo một cách hân hoan khác thường so với trước đây".

Trạng thái minh mẫn nghịch lý (paradoxical lucidity) là một thuật ngữ rộng hơn đề cập đến cùng một hiện tượng - bệnh nhân đột nhiên trở nên minh mẫn về mặt tinh thần cùng với khả năng nói và ghi nhớ - có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không chỉ trước khi chết.

Một số chuyên gia cho rằng trạng thái minh mẫn nghịch lý dùng để chỉ những người mắc các bệnh thần kinh thoái hóa nghiêm trọng khiến họ thường xuyên không thể giao tiếp.

Những trải nghiệm trong trạng thái minh mẫn cuối đời

Nhiều điều có thể xảy ra trong giai đoạn này, nhưng có một số đặc điểm chung. Theo All American Hospice, những điều sau đây thường gặp ở bệnh nhân:

  • Yêu cầu món ăn hoặc đồ vật yêu thích của họ;
  • Nhận ra hoặc tìm kiếm bạn bè hoặc thành viên gia đình;
  • Tâm trạng tốt và trở nên nói nhiều hơn;
  • Hoài niệm về những thời gian vui vẻ khi còn trẻ;
  • Tìm kiếm hoặc nói chuyện với người đã khuất, thú cưng hoặc các nhân vật tôn giáo;
  • Có những trải nghiệm giác quan không thể giải thích được như nhìn thấy ánh sáng hoặc nghe thấy âm thanh;
  • Nói về việc đi du lịch hoặc chuẩn bị đi du lịch một mình;
  • Dự đoán chính xác thời gian chết;

Các trải nghiệm chung khác bao gồm giảm bớt các triệu chứng về thể chất, chẳng hạn như đau, nói rõ ràng và mạch lạc, trả lời câu hỏi của người khác, nhớ lại những điều trước đó được cho là đã quên, đứng dậy đi lại và tham gia các hoạt động như hát.

Nghiên cứu trường hợp về trạng thái minh mẫn cuối đời

Một bài đánh giá của ông Nahm và Tiến sĩ Bruce Greyson cùng các cộng sự đã thu thập các báo cáo trường hợp về trạng thái minh mẫn cuối đời, và sự xuất hiện của nó ở những bệnh nhân mắc nhiều tình trạng khác nhau.

Trong một trường hợp vào năm 1990, một cậu bé năm tuổi đang hấp hối vì khối u não ác tính đã hôn mê trong ba tuần. Trong khoảng thời gian này, các thành viên gia đình cậu bé luôn túc trực bên giường.

Cuối cùng, theo lời khuyên của mục sư, gia đình đã nói với con trai đang hôn mê rằng mặc dù họ sẽ nhớ cậu, nhưng cậu có thể ra đi nếu muốn.

“Đột ngột và bất ngờ, cậu bé lấy lại ý thức, cảm ơn gia đình đã cho phép cậu ra đi và nói với họ rằng cậu sẽ sớm chết”. Cậu bé qua đời vào ngày hôm sau. (Morse và Perry, 1990)

Trường hợp thứ hai là một người đàn ông trẻ khác đang hấp hối vì căn bệnh ung thư di căn từ phổi lên não. Vào cuối đời, kiểm tra não cho thấy khối u đã phá hủy và thay thế gần như toàn bộ mô não của anh ấy.

Trong những ngày trước khi qua đời, anh ấy đã mất khả năng cử động hoặc nói chuyện.

Tuy nhiên, vợ của anh và y tá quan sát thấy rằng một giờ trước khi chết, anh đã "tỉnh dậy", chào tạm biệt gia đình và nói chuyện với họ khoảng năm phút trước khi bất tỉnh và qua đời. (Haig, 2007)

Trường hợp thứ ba liên quan đến một phụ nữ 81 tuổi mắc bệnh Alzheimer, sống trong viện dưỡng lão ở Iceland.

Các thành viên trong gia đình cô lần lượt đến thăm mặc dù cô đã không nhận ra bất kỳ ai trong số họ hoặc không nói chuyện trong một năm.

Một ngày nọ, con trai cô, Lydur, đang ngồi bên giường thì bất ngờ cô ngồi dậy, nhìn thẳng vào mặt anh và nói:

"Lydur của mẹ, mẹ sẽ đọc một câu thơ cho con".

Theo người con trai, bà sau đó đọc rất rõ ràng những câu thơ sau, điều mà anh cho là đặc biệt phù hợp với tình trạng của bà (đã dịch):

“Ôi, Người cha của ánh sáng, xin được tôn thờ.

Cuộc sống và sức khỏe mà Ngài đã ban cho con, Cha và mẹ con.

Bây giờ con ngồi đây, vì mặt trời đang chiếu sáng.

Ngài gửi ánh sáng của Ngài vào con.

Ôi, Chúa ơi, Ngài thật tốt lành”.

Sau khi đọc xong những câu thơ, người phụ nữ nằm xuống và không phản ứng gì - tình trạng này kéo dài cho đến khi bà qua đời một tháng sau đó.

Người con trai đã viết ra những câu thơ nghĩ rằng đó là lời của mẹ mình, nhưng sau đó phát hiện ra đó là khổ thơ đầu tiên trong một bài thơ Iceland.

Nghiên cứu về trạng thái minh mẫn cuối đời

Đây không phải là một hiện tượng mới, và nhiều trường hợp đã được ghi nhận trong tài liệu y khoa từ thế kỷ 19.

Một nghiên cứu kiểm tra các trường hợp minh mẫn cuối đời có từ năm 1826 cho thấy, 84% trường hợp trải qua giai đoạn tỉnh táo ngắn ngủi này đã chết trong vòng một tuần, và 43% trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể xuất hiện tới sáu tháng trước khi chết.

Một nghiên cứu về trạng thái minh mẫn nghịch lý được công bố trên tạp chí Alzheimer’s and Dementia sử dụng mẫu nghiên cứu gồm 49 bệnh nhân - nhiều người trong số họ mắc chứng mất trí nhớ.

Nghiên cứu cho thấy, 43% bệnh nhân trải qua trạng thái minh mẫn nghịch lý vài giờ trước khi chết. 41% có trải nghiệm này từ hai đến bảy ngày trước, và 10% trường hợp xảy ra từ tám đến 30 ngày trước khi chết.

Nghiên cứu tương tự cũng trích dẫn nhiều phát hiện khác, qua đó thấy rằng, trạng thái minh mẫn nghịch lý ở bệnh nhân mất trí nhớ thường xảy ra trong vòng một đến hai ngày trước khi bệnh nhân qua đời.

Thời gian kéo dài của các giai đoạn này cũng rất khác nhau.

Một nghiên cứu khác với 38 trường hợp trải qua giai đoạn tỉnh táo cho thấy, 5% kéo dài vài ngày, 11% kéo dài một ngày, 29% kéo dài vài giờ, 24% kéo dài từ 30 - 60 phút, 16% kéo dài 10 - 30 phút và 3% các trường hợp kéo dài dưới mười phút.

Một số nhà khoa học tự hỏi liệu những tình huống hoặc sự kích thích nhất định có thể kích hoạt các trạng thái tỉnh táo này hay không.

Mặc dù điều kiện để xảy ra các giai đoạn tỉnh táo này khác nhau, nhưng sự có mặt đầy đủ của các thành viên gia đình, chơi một bản nhạc quen thuộc hoặc có ý nghĩa với bệnh nhân đều là những điều tương đối phổ biến.

Các giai đoạn này cũng được chứng kiến ​​bởi những người chăm sóc, y tá, bác sĩ và nhân viên chăm sóc giảm nhẹ và an toàn cho người bệnh nan y.

Một nghiên cứu về trải nghiệm cuối đời cho thấy, bảy trong số mười người chăm sóc tại viện dưỡng lão cho biết trong năm năm qua, họ đã quan sát thấy bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ và lú lẫn trở nên tỉnh táo vài ngày trước khi qua đời.

Nguyên nhân bí ẩn

Các nhà khoa học vẫn đang xác định nguyên nhân gây ra trạng thái minh mẫn cuối đời, hiện tượng này rất khó nghiên cứu do bản chất khó dự đoán và thoáng qua của nó.

Nghiên cứu về trạng thái này cũng được coi là không phù hợp đạo đức, khi nó lấy đi khoảng thời gian quý báu mà bệnh nhân có thể sử dụng để kết nối lại với những người thân yêu.

Một báo cáo năm 2009 của ông Nahm và Tiến sĩ Greyson nêu rõ rằng trong lịch sử, các bác sĩ nghiên cứu hiện tượng này cho rằng nguyên nhân là do những thay đổi trong sinh lý não khi bệnh nhân hấp hối.

Tuy nhiên, các tác giả cho rằng những kết luận này "khá chung chung và dường như không thỏa đáng theo quan điểm y học hiện đại".

Còn nhiều câu hỏi chưa có giải đáp về trạng thái minh mẫn cuối đời và nguyên nhân của nó.

All American Hospice tuyên bố rằng nhiều người "hoài nghi liệu nó có thực sự là một trải nghiệm tâm linh hay siêu nhiên", viết rằng một số người tin rằng nó có thể mang tính tâm linh vì bệnh nhân "tỉnh dậy" để hoàn thành công việc dang dở của họ, chẳng hạn như nói lời tạm biệt, cho biết mong muốn cuối cùng của họ, hoặc gặp gỡ ai đó lần cuối.

Một nghiên cứu lý thuyết cho rằng trạng thái minh mẫn cuối đời có thể là do các thay đổi về thể chất trong não ngay trước khi chết.

Một bài báo của Yen Ying Lim, phó giáo sư tại Viện Não và Sức khỏe Tâm thần Turner, và Diny Thomson, nghiên cứu sinh tiến sĩ về thần kinh học lâm sàng và là nhà tâm lý học tạm thời - cả hai đều đến từ Đại học Monash - cho biết những lời giải thích vượt ra ngoài khoa học:

"Những khoảnh khắc tỉnh táo này có thể là cách để người đang hấp hối nói lời tạm biệt cuối cùng, khép lại những điều dang dở trước khi chết và kết nối lại với gia đình và bạn bè.

Một số người tin rằng các trạng thái minh mẫn cuối đời là đại diện cho việc người đó kết nối với thế giới bên kia".

Giúp người thân yêu đối mặt

Đối với những người chứng kiến điều này, chúng có thể là một trải nghiệm tích cực hoặc căng thẳng - và đôi khi cả hai.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 đã yêu cầu những người chăm sóc đánh giá trải nghiệm của họ về những giai đoạn này ở bệnh nhân mắc chứng Alzheimer giai đoạn cuối và các chứng mất trí nhớ liên quan.

72% báo cáo rằng chúng "khá tích cực hoặc rất tích cực", 17% nói rằng chúng gây căng thẳng và 10% nói rằng chúng là sự kết hợp của cả hai.

Trạng thái minh mẫn cuối đời có thể gây căng thẳng và khó hiểu cho một số thành viên gia đình, những người có thể nghĩ rằng đó là dấu hiệu cho thấy người thân yêu của họ đang hồi phục và yêu cầu thay đổi cách chăm sóc để phù hợp với tình trạng mới này, từ đó gây ra rối loạn cảm xúc đáng kể cho thành viên gia đình, bạn bè và nhân viên chăm sóc bệnh nhân.

Bài báo của Yen Ying Lim và Diny Thomson thảo luận về trạng thái minh mẫn cuối đời ở những người mắc chứng mất trí nhớ, và tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của người thân bệnh nhân về về tình trạng này.

Họ nói: "Hiểu về trạng thái minh mẫn cuối đời có thể giúp người thân hiểu rằng đó là một phần của quá trình hấp hối, thừa nhận rằng người mắc chứng mất trí nhớ sẽ không hồi phục và cho phép họ tận dụng tối đa thời gian ở bên người tỉnh táo".

Đối với các nhà khoa học, trạng thái minh mẫn cuối đời đại diện cho cơ hội để đánh giá lại hiểu biết của chúng ta về não bộ, và nhận thức rằng sự suy giảm nhận thức đặc trưng của bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác là không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược.

Đối với các gia đình, những giai đoạn tỉnh táo ngắn ngủi này có thể là một món quà tuyệt vời, cho phép người bệnh nói lời tạm biệt, kết nối lại với gia đình và bạn bè, truyền đạt mong muốn cuối cùng của họ, và là cơ hội để yêu cầu hoặc trao cho sự tha thứ.

Đối với những người thân của bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ nặng, những người có thể không có bất kỳ giao tiếp nào với họ trong nhiều năm, đây có thể là một trải nghiệm chữa lành cho tất cả mọi người có liên quan và là một cách tuyệt đẹp để nói lời tạm biệt.

Theo Emma Suttie - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Emma là một bác sĩ châm cứu. Trong 10 năm qua, cô đã viết nhiều bài có chủ đề sức khỏe cho nhiều ấn phẩm. Hiện cô là phóng viên sức khỏe của The Epoch Times, chuyên về y học phương Đông, dinh dưỡng, chấn thương và lối sống.



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn về trạng thái minh mẫn cuối đời: Vì sao một số người sắp chết đột nhiên trở nên tỉnh táo?