Bình luận: Các vấn đề xoay quanh xu hướng tách rời Trung Quốc của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ đang tách rời khỏi Trung Quốc, nhưng họ có thể đẩy nhanh quá trình này và cải thiện an ninh bằng cách làm nhiều hơn là chỉ tăng thuế quan.

Bài bình luận

Kể từ khi chính quyền của cựu tổng thống Trump lần đầu áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, có một câu hỏi mở là thuế quan sẽ thay đổi mô hình thương mại quốc tế như thế nào.

Liệu thuế quan sẽ chỉ gây tăng giá cho người tiêu dùng Hoa Kỳ hay các công ty sẽ tìm kiếm nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ?

Sau vài năm trôi qua, chúng ta bắt đầu thấy những báo cáo chi tiết đầu tiên về việc liệu Hoa Kỳ có thực sự đang tách rời khỏi Trung Quốc hay không.

Các cơ chế về giá, như các mức thuế quan vốn làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, trong trường hợp này là từ Trung Quốc, có hiệu quả vì chúng buộc các công ty phải đánh giá lại xem họ có thể chuyển việc sản xuất sang các nước không phải gánh chịu thuế quan hay không, điều giúp mang lại cho họ lợi thế về giá. Trong một số trường hợp, điều này có thể đưa hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ, và trong những trường hợp khác, có thể hoạt động sản xuất sẽ được chuyển sang các nước khác như Mexico và Việt Nam.

Có một số lo ngại cụ thể về thuế quan của Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đầu tiên, người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể bị buộc phải chấp nhận mức giá cao hơn do thuế quan áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu hoạt động sản xuất không thể được chuyển sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít bằng chứng về sự gia tăng của giá nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, chỉ số giá nhập khẩu của hàng Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã giảm sau khi các mức thuế quan được áp dụng vào tháng 9/2018, giảm một cách chậm chạp nhưng đều đặn cho đến khi xảy ra đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, lúc đó nó tăng theo các giá cả khác cho đến tháng 4/2022, sau đó lại tiếp tục giảm. Ngày nay, chỉ số giá nhập khẩu từ Trung Quốc thực sự thấp hơn so với trước khi áp thuế.

Thứ hai, trong khi nhiều công đoạn lắp ráp cuối cùng có thể được chuyển khỏi Trung Quốc, thế còn các đầu vào và linh kiện tạo nên sản phẩm mà công nhân Trung Quốc đang sản xuất thì sao? Nói cách khác, nếu chỉ thay đổi điểm lắp ráp cuối cùng, nhưng tất cả các linh kiện vẫn đến từ Trung Quốc, thì sẽ có rất ít sự tách rời thực sự. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra rằng trong khi sự gia tăng nhập khẩu từ các nước như Mexico và Việt Nam không hoàn toàn thoát khỏi các đầu vào và các công ty của Trung Quốc, thì sự gia tăng này xuất phát từ sự thay đổi thực sự trong chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất toàn cầu vốn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, tìm kiếm nơi sản xuất có chi phí thấp hơn do các chi phí gia tăng của Trung Quốc và né tránh thuế quan. Có những sự thay đổi thực sự trong chuỗi cung ứng đang diễn ra đang tách rời Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc.

Thứ ba, tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đang tránh thuế quan bằng cách thực hiện nhiều hành động để tránh sự kỳ thị và thuế quan đối với hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Ví dụ, sau khi áp dụng thuế quan, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt. Trong khi Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản vẫn là những nhà đầu tư lớn, các công ty Trung Quốc rõ ràng đang gia tăng sự hiện diện của họ để tránh thuế quan.

Ngoài ra, có một số sản phẩm như máy tính và chất bán dẫn dường như đang chứng kiến mức độ trung chuyển cao, trong đó hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc (vào nước thứ ba) rồi sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ với rất ít hoặc không bổ sung thêm công đoạn sản xuất nào trên sản phẩm để có thể tránh thuế quan. Do hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực như máy tính, đồ điện tử và chất bán dẫn khó có thể được di dời hơn do bản chất chuyên biệt hơn của chúng, nên điều này không hoàn toàn bất ngờ. Tuy nhiên, với lo ngại về an ninh quốc gia đối với hàng điện tử của Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn nữa để xây dựng các chuỗi cung ứng điện tử vững mạnh mà không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Khi chúng ta cố gắng tìm hiểu điều gì đang xảy ra, chúng ta cần định nghĩa về sự tách rời. Châu Âu đã cố gắng nhấn mạnh khái niệm giảm rủi ro, mặc dù vẫn chưa rõ rủi ro liên quan đến các sản phẩm của Trung Quốc chính xác là gì.

Trong một thế giới mà Trung Quốc chiếm hơn 30% sản lượng sản xuất toàn cầu, việc chấm dứt hoàn toàn quan hệ thương mại là không thực tế. Điều cần thiết là hiểu rõ những lĩnh vực và sản phẩm mà Hoa Kỳ cần tránh xa các nhà cung cấp Trung Quốc cũng như hiểu rõ các rủi ro đối với Hoa Kỳ. Ví dụ, Trung Quốc nắm giữ hơn 90% thị phần các sản phẩm then chốt, từ đầu vào dược phẩm cơ bản đến kim loại và khoáng chất được sử dụng trong sản xuất linh kiện công nghệ cao.

Để giảm rủi ro và tách rời khỏi Trung Quốc, Hoa Kỳ cần làm một số điều.

Đầu tiên, Hoa Kỳ cần ưu tiên những lĩnh vực có nguy cơ về an ninh hoặc sự tập trung quá mức. Điều này sẽ bao gồm các lĩnh vực như điện tử, nơi rủi ro truy cập trái phép hoặc thu thập dữ liệu gây ra rủi ro an ninh quốc gia rõ ràng. Ngược lại, hàng may mặc và dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc không gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay có sự tập trung quá mức. Mô hình hiện tại của sự tách rời nhắm vào một công ty cụ thể nhưng không phải các lĩnh vực hoặc ngành công nghiệp.

Thứ hai, nếu Hoa Kỳ có danh sách rõ ràng các lĩnh vực mục tiêu, họ phải hợp tác với các đồng minh và khuyến khích các công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Một số hoạt động sản xuất đang được chuyển trở lại Hoa Kỳ, nhưng rất nhiều công việc sẽ chuyển sang các nước có mức lương thấp khác như Mexico và Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ chẳng đạt được gì nếu những nước đó chỉ sản xuất nhiều hàng may mặc hơn, để Trung Quốc kiểm soát các thiết bị điện tử hoặc nếu những nước đó đóng vai trò là trung tâm sản xuất cho các công ty của Trung Quốc.

Hoa Kỳ cần một kế hoạch lớn để nhắm vào các lĩnh vực cụ thể và khuyến khích các nước và công ty chuyển các sản phẩm được nhắm mục tiêu ra khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc. Hoa Kỳ đang tách rời, nhưng họ có thể đẩy nhanh quá trình này và cải thiện an ninh bằng cách làm nhiều hơn là việc chỉ tăng thuế quan.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Các vấn đề xoay quanh xu hướng tách rời Trung Quốc của Mỹ