Bình luận: Nguyên nhân ông Tập không cứu nền kinh tế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi tiến hành khảo sát thực địa ở Trung Quốc vào mùa xuân năm 2024, một chuyên gia về Trung Quốc nhận thấy rằng người dân Trung Quốc nhìn chung tỏ ra lo lắng về đất nước và tương lai.

Ông Scott Kennedy là Giám đốc Dự án Kinh tế Chính trị và Kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một trung tâm nghiên cứu của Mỹ. Hôm 3/6, ông Kennedy viết trên tờ Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) rằng: “Có một câu hỏi được hỏi đi hỏi lại: Tại sao ban lãnh đạo [Đảng Cộng sản Trung Quốc] không thực hiện nhiều biện pháp hơn để thúc đẩy nền kinh tế và khôi phục niềm tin. Khi nhắc đến ban lãnh đạo, nhiều người [bày tỏ thắc mắc ấy] thực sự đang ám chỉ tới một người - ông Tập Cận Bình”.

Từ đầu năm 2024 tới nay, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa có cải thiện đáng kể và vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong và sau đại dịch Covid-19, sự phục hồi thậm chí còn nhỏ hơn và ngắn hơn so với dự kiến ​​của chính quyền nước này. Tình hình thực tế có thể còn tồi tệ hơn. Một số nhà phân tích ước tính rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thực tế của Trung Quốc trong năm 2023 không vượt quá 1% - 2%; trong khi đó con số chính thức mà chính quyền Trung Quốc đưa ra là 5,2%.

Về nguyên nhân tại sao giới lãnh đạo ở Trung Quốc không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để cứu nền kinh tế, ông Kennedy đã tổng kết ra 4 quan điểm phổ biến ở Trung Quốc, có thể gọi chúng là “4 không” theo phong cách chính trị ở Trung Quốc.

“Bốn không” đó là, do ông Tập Cận Bình - người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - không biết rõ tình hình kinh tế thực tế, không biết cách giải quyết vấn đề, không quan tâm đến sự sống còn của nền kinh tế ngoài ý thức hệ, không đồng ý cứu nền kinh tế do cho rằng đường lối chính sách hiện giờ là đúng.

Quan điểm thứ nhất: Người lãnh đạo đảng không biết tình hình thực tế

Ông Kennedy cho biết, quan điểm đầu tiên là người lãnh đạo đảng không nắm rõ tình hình kinh tế thực tế. Một số người cho rằng, bởi vì cấp dưới chỉ cung cấp cho ông Tập những báo cáo tích cực đã qua xử lý chứ không muốn báo tin xấu, vì sợ ông Tập sẽ đổ lỗi cho những người đưa tin.

Giờ đây, những người dân thường ở Trung Quốc đang lo lắng rằng nền kinh tế sẽ rơi vào khó khăn trước sự sụp đổ của ngành bất động sản, sự kết thúc hỗn loạn của chính sách Zero Covid, cuộc đàn áp các công ty công nghệ tư nhân, sự tập trung cao độ vào hệ tư tưởng, việc theo đuổi sự tự chủ về công nghệ một cách phi thực tế và mối quan hệ ngày càng căng thẳng với phương Tây.

Những lo ngại này cuối cùng đã thể hiện ra ở nhu cầu tiêu dùng yếu, đầu tư kinh doanh bị hạn chế và việc người Trung Quốc muốn chuyển tài sản và gia đình ra nước ngoài.

Bảng chỉ dẫn gần lối vào Tổng lãnh sự quán Canada ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 9/5/2023. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)

Ông Kennedy viết, một nguồn tin cho biết họ nghe nói các quan chức cấp thấp hơn tại Trung Nam Hải đã yêu cầu các nhà nghiên cứu bên ngoài chỉ gửi những báo cáo tích cực. Một nguồn tin khác cho biết, các quan chức cấp cao kiểm soát việc chuyển tài liệu cho ông Tập Cận Bình có quan hệ với các cơ quan an ninh và tuyên truyền, vì vậy những tài liệu mà ông Tập đọc được đều phản ánh những thiên kiến ​​của họ.

Tuy nhiên, trong những người mà ông Kennedy trao đổi cùng thì hầu hết đều không đồng tình với quan điểm này và cho rằng ông Tập Cận Bình và những lãnh đạo cấp cao khác không bị thiếu thông tin.

Quan điểm thứ hai: Người lãnh đạo đảng không biết phải làm gì

Quan điểm thứ hai cho rằng ông Tập không biết phải làm gì. Với tiền đề là ông Tập và những lãnh đạo khác đã nhận được thông tin nhưng họ gặp phải quá nhiều vấn đề khó giải quyết. Danh sách này dài và không dễ để tìm ra giải pháp, bao gồm: cuộc khủng hoảng bất động sản, nợ của chính quyền địa phương đang phình to, tỷ lệ sinh giảm mạnh, bất bình đẳng gia tăng, sự bất bình của người dân ở Hong Kong và mối quan hệ ngày càng căng thẳng với phương Tây và hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc.

Nhiều người bạn của ông Kennedy cho biết, họ nghe nói rằng trong một số vấn đề, ban lãnh đạo của Trung Quốc đã tranh luận rất lâu về cách giải quyết và trì hoãn việc ra các quyết sách cũng như triển khai các chính sách mới. Ví dụ, ban lãnh đạo đã xác định rằng thị trường chứng khoán yếu kém là một vấn đề vào mùa hè năm 2023, nhưng đã không có biện pháp mới nào được đưa ra cho đến đầu năm 2024, khi người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc được thay thế.

Thử thách hơn nữa là tìm cách giải quyết một vấn đề mà không làm các vấn đề khác trở nên tồi tệ hơn, hoặc đưa ra một kế hoạch tổng thể để tìm được sự cân bằng.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong buổi khai mạc Kỳ họp thứ hai của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 5/3/2024 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Do thiếu sự đồng thuận, Phiên họp toàn thể lần thứ 3 (Hội nghị Trung ương 3) của Ủy ban Trung ương (Ban Chấp hành Trung ương) ĐCSTQ đã bị hoãn lại từ tháng 1 năm 2024 đến mùa hè này.

Ngoài ra, ban lãnh đạo của ĐCSTQ hiện giờ chỉ là “Nhóm B” (tức là không phải Nhóm A, không phải những người giỏi nhất). Nhiều người trong số họ thiếu kinh nghiệm phục vụ trong chính quyền trung ương và quyền hoạch định chính sách trong nội bộ ĐCSTQ đã trở nên tập trung hơn (vào tay một số người), đến mức sự phối hợp giữa các quan chức và giữa Bắc Kinh với chính quyền các địa phương trở nên khó khăn hơn.

Một số nguồn tin cho biết, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đang kém năng lực hơn, và họ so sánh Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm Lý Cường với người tiền nhiệm Lý Khắc Cường. Phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách kinh tế, ông Hà Lập Phong, cũng được cho là kém năng lực hơn người tiền nhiệm Lưu Hạc.

Quan điểm thứ ba: Người lãnh đạo đảng không quan tâm

Quan điểm thứ ba được đưa ra dựa trên hệ tư tưởng, rằng ưu tiên hàng đầu của ông Tập là tăng cường sự độc quyền về quyền lực của ĐCSTQ và địa vị thống trị chính trị của cá nhân ông này. Mặc dù các phương tiện truyền thông đưa tin rằng ông Tập đến thăm các nhà máy và tổ chức các buổi thảo luận về nhiều thách thức kinh tế, nhưng lịch trình hàng ngày của ông Tập có thể bị chi phối bởi các vấn đề an ninh và chính trị (bao gồm cả các quyết định về nhân sự), chứ không tập trung vào kinh tế.

Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, ông Tập dường như đang hy sinh nền kinh tế cho chủ nghĩa dân tộc và địa vị thống trị của ĐCSTQ.

Lực lượng an ninh Trung Quốc đứng gác ở cửa khi một đại biểu bước vào hội trường trước khi Trung Quốc khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5/3/2024. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Vào giữa tháng 5, chính quyền Trung Quốc tuyên bố dành ra 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,39 tỷ USD) phục vụ các khoản cho vay lại dành cho nhà ở giá rẻ để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước mua lại số nhà ở hiện có, và gọi đây là chính sách kích thích lớn nhất. Tuy nhiên, dư luận nhìn chung cho rằng chính sách cứu trợ này đến quá muộn và cũng quá yếu.

Một nhà phân tích kinh tế người Hoa, từng nhận nền giáo dục ở phương Tây, đã bình luận về chính sách kích cầu mới nhất này trên một nền tảng mạng xã hội: “Nếu tiền mua nhà được trao trực tiếp cho người dân thường thì tốt biết mấy. Nếu chính phủ can thiệp thì về cơ bản là không hiệu quả và còn phản tác dụng”. “Chi tiết chính sách [toàn] một đống chữ, lại còn [ra chính sách] vào cuối tuần, làm thế trông có vẻ như chính quyền rất bận rộn, còn tăng ca vì người dân, [nhưng] người dân nhìn một cái là biết ngay toàn thứ vô nghĩa”.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản cần phải cứu trợ thị trường, cần thực hiện nhiều biện pháp hơn để giúp các nhà phát triển bất động sản cơ cấu lại nợ và hoàn thành các dự án còn dang dở, đồng thời thúc đẩy niềm tin của người mua nhà thông qua trợ cấp trực tiếp.

Tuy nhiên, người lãnh đạo ĐCSTQ vẫn luôn không nguyện ý thực hiện những biện pháp như vậy. Năm 2023, tờ The Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) từng dẫn lời nguồn tin cho biết, điều này một phần là do người lãnh đạo đảng ưa thích hệ tư tưởng thắt lưng buộc bụng.

Quan điểm thứ tư: Người lãnh đạo đảng không đồng ý

Quan điểm thứ tư cho rằng, vấn đề không nằm ở việc ông Tập không biết tình hình, không biết phải làm gì hay không quan tâm, mà là ông này và các cấp dưới của mình không đồng ý với những lời chỉ trích rằng đường lối chính sách hiện tại là sai và không đáp ứng được những thách thức.

Trên thực tế, có lẽ ông Tập và đội ngũ của ông này cho rằng, do mất khả năng tiếp cận một cách chắc chắn với công nghệ, thị trường và tài chính của phương Tây, nên Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ưu tiên phát triển công nghệ trong nước và ra sức tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lãnh đạo Trung Quốc có thể chỉ ra một số bằng chứng cho thấy kế hoạch của họ đang có hiệu quả, như ưu thế về xe điện, pin, hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, v.v.

Tuy nhiên, vấn đề dư thừa công suất trong những ngành công nghiệp này ở Trung Quốc đã trở nên rất nổi cộm. Trước tình hình nhu cầu trong nước yếu và giá vẫn ở mức thấp, con đường duy nhất để Trung Quốc mở rộng năng lực sản xuất là thị trường nước ngoài.

Những chiếc xe điện BYD được xếp chồng lên nhau, đang chờ được xuất khẩu tại bến cảng container quốc tế của Cảng Thái Thương ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 8/2/2024. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Vấn đề dư thừa công suất này gần như đồng thời xuất hiện cùng với sự sụp đổ của ngành bất động sản khổng lồ của Trung Quốc. Bởi vì sự sụp đổ trong ngành bất động sản đã làm giảm nhu cầu về thép và các vật liệu xây dựng khác. Nhưng ba ngành công nghiệp mới (được chính quyền Trung Quốc ưu tiên là xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo) lại không thể cáng đáng 25% GDP - tỷ lệ mà trước đây ngành bất động sản ở Trung Quốc đóng góp cho nền kinh tế nước này (Một phân tích năm 2023 của Goldman Sachs cho thấy, ba ngành này chỉ chiếm khoảng 3,5% GDP của Trung Quốc).

Tuy vậy, lãnh đạo ĐCSTQ không thừa nhận rằng các sản phẩm công nghệ cao giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường toàn cầu. Trong chuyến thăm Châu Âu vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Tập nói rằng không có cái gọi là vấn đề dư thừa công suất ở Trung Quốc.

Ông Kennedy cho biết, hầu hết những người được phỏng vấn nghiêng về quan điểm thứ tư. Trong đó phần nhiều cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc đã phạm một sai lầm chiến lược khi đặt cược vào việc kiểm soát các công nghệ của tương lai và kiên quyết áp dụng chính sách công nghiệp quy mô lớn.

Bởi vì việc từ bỏ tự do hóa và không có sự quan tâm đầy đủ tới các hộ gia đình và tiêu dùng đồng nghĩa với việc: năng suất thấp hơn, nợ cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và mối quan hệ với các nền kinh tế phát triển khác trở nên căng thẳng hơn.

Có cư dân mạng người Hoa bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội rằng: “Các loại chính sách và tiền vốn để giải cứu thị trường đều là để cứu các nhà phát triển, cứu tài chính đất đai, cứu các công ty đầu tư đô thị và cứu các chính quyền địa phương”.

"Chẳng có cái nào là cứu những người dân thường. Ngược lại, [họ] đều đang nghĩ cách móc tiền từ túi của bạn ra, rồi lại để bạn gánh khoản vay hàng chục năm", cư dân mạng này nói.

Ông Kennedy cho biết, với 4 nguyên nhân khiến ông Tập Cận Bình không hành động kể trên, trong tình huống nghiêm trọng, chúng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn và dẫn đến một cuộc thanh toán chính trị.

Ông Kennedy nói rằng, nếu người lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại không nhận ra sai lầm của mình và thay đổi đường hướng thì các phe phái ưu tú khác có thể thành lập và thay thế đội ngũ hiện tại.

Ông Kennedy nhấn mạnh rằng, cuộc khảo sát không chính thức của ông cho thấy sự chia rẽ đang gia tăng giữa các bộ phận khác nhau của xã hội Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ, cũng như giữa Bắc Kinh và chính phủ các nước khác.

Ông Kennedy kết luận: “Điều này có nghĩa là có rất ít cơ hội để thực hiện hành động táo bạo mới - nhưng những mâu thuẫn giữa giới lãnh đạo [Trung Quốc] và các quan điểm đối lập ở trong nước và quốc tế đang báo trước rằng nhiều căng thẳng và xung đột sắp xảy ra”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Nguyên nhân ông Tập không cứu nền kinh tế Trung Quốc