Bình luận: Sự thật về 'Tinh thần Hoàng Phố' và sự hỗ trợ của Liên Xô đối với quân đội Trung Quốc-Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 16/6 là ngày kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Quân sự Hoàng Phố, cả Đài Loan và Trung Quốc đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Lại Thanh Đức, với tư cách là Thống soái Quân đội đã chủ trì và duyệt binh trong buổi lễ kỷ niệm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tổ chức các sự kiện kỷ niệm chính thức ở Quảng Châu và Bắc Kinh, đồng thời mời các cựu sĩ quan của quân đội Đài Loan tham gia.

Trường Quân sự Hoàng Phố có vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, nhiều cán bộ quân sự và những tướng lĩnh nổi tiếng của Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng đều được đào tạo tại trường này. Hiện nay, Trường Quân sự Hoàng Phố vẫn có ảnh hưởng rất lớn, đối với cả Trung Quốc và Đài Loan.

Hai bên eo biển tổ chức long trọng kỷ niệm ngày thành lập trường Hoàng Phố

Nhà sản xuất truyền hình độc lập, ông Lý Quân, trong chương trình Diễn đàn Tinh anh của NTDTV cho biết, lễ kỷ niệm ở Đài Loan lần này rất hoành tráng, Tổng thống Lại Thanh Đức đã tham gia và có những phát biểu cứng rắn đối với chính quyền Trung Quốc. Ông Lại Thanh Đức tái khẳng định rằng, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa không phải là mối quan hệ lệ thuộc. Ông nói rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi việc thôn tính Đài Loan, xóa sổ Trung Hoa Dân Quốc là một sự "phục hưng vĩ đại" của dân tộc, và khẳng định Đài Loan sẽ tuyệt đối không chấp nhận quan điểm "Chủ nghĩa đầu hàng sau trận đầu tiên, dẫn đến kết thúc chiến tranh".

Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) long trọng tổ chức 100 năm thành lập trường Hoàng Phố. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Lý Quân cho biết, ở phía ĐCSTQ, họ đã chuẩn bị rất kỹ để kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Hoàng Phố. Chính quyền tuyên bố đã mời 3.000 cựu sĩ quan Đài Loan đến Quảng Châu tham gia lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có khoảng hơn 100 người tham gia. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Hỗ Ninh đã tham dự cuộc tọa đàm tại Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình còn gửi thư chúc mừng, không giấu giếm âm mưu thôn tính Đài Loan của mình. Trong thư chúc mừng, ông Tập nói “Trường Hoàng Phố là sản phẩm của lần đầu tiên Quốc - Cộng hợp tác, là trường đào tạo cán bộ quân đội đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hội cựu học sinh Trường Hoàng Phố là tổ chức quần chúng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, nhằm liên kết các cựu học sinh Hoàng Phố trong và ngoài nước, góp phần phản đối Đài Loan độc lập, thúc đẩy thống nhất Tổ quốc”.

Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập trường Hoàng Phố. (Ảnh chụp màn hình video)

Thiếu tướng Dư Tông Cơ, nguyên Viện trưởng Học viện Chiến tranh và Chính trị thuộc Đại học Quốc phòng Đài Loan, trong Diễn đàn Tinh anh đã nói rằng, lần này Trung Quốc cao giọng nhấn mạnh về tinh thần Hoàng Phố, về việc thành lập Trường Hoàng Phố, theo ông Dư Tông Cơ điều này chủ yếu là liên quan đến cuộc kháng chiến chống Nhật. ĐCSTQ thực ra muốn tạo ra một sự liên kết với Đài Loan, nghĩa là thông qua việc mở rộng lễ kỷ niệm trường Hoàng Phố, họ hy vọng có thể đạt được một sự gắn kết tâm lý dựa trên ý thức cùng thù ghét kẻ địch, muốn đẩy mối quan hệ đối kháng giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan theo hướng ‘Nhật Bản là kẻ thù chung của cả hai bên’. Bởi vì trong 8 năm kháng chiến, hai bên Quốc - Cộng đều có hàng trăm sĩ quan hy sinh, đặc biệt là các sĩ quan xuất thân từ Trường Hoàng Phố của Quốc Dân đảng. Vì thế việc kỷ niệm giai đoạn lịch sử này, thực ra có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc ‘cùng chống kẻ thù’ của giới quân đội Đài Loan.

Thiếu tướng Dư Tông Cơ cho rằng, chính quyền Trung Quốc biết rằng Đài Loan hiện nay đang đối mặt với áp lực quân sự từ Trung Quốc, và ngoài Mỹ, thì nguồn hỗ trợ bên ngoài của Đài Loan chính là Nhật Bản. Vì vậy, Trung Quốc đang cố tình tạo ra tình cảm ghét Nhật như thế, là hy vọng có thể chia rẽ sự hợp tác quân sự giữa Mỹ, Nhật và Đài Loan trong thời gian tới. Chính vì thế, lần này ĐSCTQ sẵn sàng bỏ ra một ngân sách, nguồn lực và kinh phí lớn cho lễ kỷ niệm Trường Hoàng Phố, họ (ĐCSTQ) hy vọng có thể làm lung lay mối quan hệ giữa Mỹ, Nhật và Đài Loan ở giai đoạn này.

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đang cố gắng kéo về phía mình những sĩ quan cấp cao ở Đài Loan, những người coi trường Hoàng Phố là cái nôi đào tạo ra họ. Những sĩ quan này trước đây đã từng huấn luyện và đích thân dẫn dắt rất nhiều thế hệ cán bộ, do đó những người này có ảnh hưởng khá lớn. Vì vậy, Trung Quốc muốn thông qua việc kéo về phía mình những sĩ quan này, nhằm làm suy yếu ý thức kháng cự của Đài Loan đối với Trung Quốc, hoặc là làm giảm, làm dịu đi nhận thức của Đài Loan rằng Trung Quốc là mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với họ, từ đó chia rẽ sự đoàn kết bên trong lực lượng quân đội Đài Loan. Đồng thời, ĐCSTQ cũng muốn lợi dụng sự bất mãn của người dân Đài Loan đối với những sĩ quan bị kéo về phía họ, để tạo ra sự chia rẽ giữa quân đội và dân chúng. Vì vậy, Trung Quốc có nhiều nhu cầu và mục đích khác nhau trong việc tiến hành công tác thống nhất mặt trận này.

Liên Xô đã hỗ trợ Quốc Dân đảng và Cộng Sản đảng thành lập trường Hoàng Phố

Bà Quách Quân, Tổng biên tập của The Epoch Times, tại Diễn đàn Tinh anh đã nói rằng: Hiện nay đối tượng hàng đầu mà chính quyền Trung Quốc nhắm đến trong công tác mặt trận thống nhất ở Đài Loan là các doanh nhân Đài Loan, đối tượng thứ hai là các quan chức, công chức, đặc biệt là quân nhân của Quốc Dân đảng. Việc thâm nhập, gây chia rẽ chính là một chiêu cũ của ĐCSTQ, và chiêu này rất hiệu quả, không chỉ khi giành quyền lực trước đây, mà ngay cả hiện nay trong việc đối phó với Mỹ và châu Âu cũng vô cùng có hiệu quả.

Các học viên thời kỳ đầu của trường Hoàng Phố. (Ảnh chụp màn hình video)

Bà Quách Quân cho biết, trường Hoàng Phố thực ra có mối quan hệ rất lớn với cả Quốc Dân đảng và Cộng Sản đảng. Khi Tôn Trung Sơn thành lập trường Hoàng Phố, ông đã nhận được sự hỗ trợ từ Liên Xô. Trong trường có rất nhiều người của Đảng Cộng sản, bao gồm Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vinh Trăn, Trần Nghị, v.v. Thời kỳ đó, người Cộng sản có thể đồng thời gia nhập cả Quốc Dân đảng, thậm chí còn tham gia ẩn danh. Vì vậy, khi xảy ra Nội chiến Quốc - Cộng, rất nhiều sĩ quan Quốc Dân đảng đã nổi dậy, Đảng Cộng sản lại nói đó là những người ẩn náu của họ trở về hàng ngũ. Điều này đã để lại một lỗ hổng lớn. Hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội Cộng sản đều có liên hệ với trường Hoàng Phố, nổi tiếng nhất là Lâm Bưu, Từ Hướng Tiền, La Thuỵ Khanh, Diệp Đĩnh, Tống Thời Luân và Lý Đức Sinh. Có khoảng hơn 30 tướng lĩnh trong quân đội ĐCSTQ xuất thân từ trường Hoàng Phố.

Bà Quách Quân cho biết, sau khi bước chân vào Quảng Châu, Tôn Trung Sơn đã đưa ra chiến lược "liên Nga dung Cộng", hướng tới học tập cách mạng Xô Viết. Theo ghi chép, vào đầu năm 1920, đại diện Quốc tế Cộng sản là Maring (Henk Sneevliet) đã đến Quảng Châu gặp Tôn Trung Sơn. Tại đây, Tôn Trung Sơn đã đề xuất ý tưởng về việc Quốc Dân đảng cần thành lập lực lượng vũ trang riêng, đây chính là nguồn gốc của trường Hoàng Phố.

Lúc bấy giờ, Liên Xô đã sự ủng hộ mạnh mẽ, và rất nhiều cố vấn quân sự của trường Hoàng Phố là các sĩ quan Liên Xô. Khi trường Hoàng Phố khai giảng, có khoảng 4 cố vấn quân sự Liên Xô, sau đó con số này tăng lên 30 người. Trong lần tiến quân đầu tiên của học viên Hoàng Phố vào năm 1925, Tướng Gallen của Liên Xô cùng hơn 20 sĩ quan Liên Xô đã tham gia. Đến tháng 1/1926, ở khu vực Quảng Châu có khoảng 140 sĩ quan Liên Xô, trong đó có khoảng 50 người là cố vấn quân sự và chính trị tại trường Hoàng Phố.

Ngoài việc cung cấp cố vấn, Liên Xô cũng cung cấp rất nhiều tiền. Trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1927, Liên Xô đã cấp vô điều kiện 2,5 triệu rúp (khoảng 28.447 USD) để trường Hoàng Phố hoạt động, chưa kể số tiền cung cấp cho Chính phủ Quảng Châu. Liên Xô cũng cung cấp nhiều vũ khí. Trong tài liệu lịch sử của trường Hoàng Phố có ghi, Chính phủ Liên Xô đã 6 lần gửi số lượng lớn súng ống, đạn dược, bao gồm khoảng 51.000 súng trường và hơn 50 triệu viên đạn, 1.090 khẩu máy súng. Vì vậy, thắng lợi sau đó của Quốc Dân đảng trong Bắc phạt có mối quan hệ rất lớn với vũ khí, đạn dược do Liên Xô cung cấp.

Tuy nhiên, sau này, một đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã tiết lộ âm mưu của Đảng Cộng sản Liên Xô là lật đổ Quốc Dân đảng bằng vũ lực, vì vậy Quốc Dân đảng đã bất hòa với Liên Xô trong chiến dịch Thanh Trừng Đảng vào năm 1927. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh như vậy, ĐCSTQ đã âm thầm lớn mạnh. Vì vậy, việc ĐCSTQ hiện nay kỷ niệm trường Hoàng Phố cũng không hoàn toàn vô lý, thực ra họ đang tưởng nhớ đến sự ủng hộ của Liên Xô, điều này cũng có liên quan đến liên minh Trung - Nga gần đây.

Theo ông Thạch Sơn, Biên tập viên cao cấp của The Epoch Times, trong chương trình Diễn đàn Tinh anh, cho biết sau khi ra trường Hoàng Phố, lực lượng đã chia thành hai phe, một phe thuộc ĐCSTQ, một phe thuộc Quốc dân Đảng, nhưng cơ bản đều có một gen rất quan trọng, đó là trước tiên chấp nhận Đảng, sau đó mới chấp nhận quốc gia. ĐCSTQ đã kế thừa điều này cho đến tận bây giờ, và hiện nay "Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc" thực chất không phải là lực lượng quân đội của quốc gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói rất rõ ràng rằng đây là quân đội do Đảng chỉ huy, nó là quân đội của Đảng, trung thành với Đảng, chứ không phải trung thành với quốc gia này.

'Trung Hoa Dân Quốc ở đâu, ở đó có tinh thần Hoàng Phố'

Ông Dư Tông Cơ chia sẻ rằng, thời gian tồn tại của trường Hoàng Phố chỉ là một đoạn ngắn trong chiến tranh chống Nhật hoặc của quân đội Quốc gia, sau khi Chiến dịch Đông chinh Bắc phạt thành công, Chính phủ Quốc Dân đảng đã di chuyển đến Nam Kinh, khoảng 3 năm quá độ, do đó tổng cộng chỉ có 7 khóa sinh được đào tạo tại Hoàng Phố, và chỉ có 4 khóa tốt nghiệp. Sự ảnh hưởng của Hoàng Phố trên thực tế còn không bằng Võ Học Đường và Bảo Định Quân Giáo vào thời Thanh mạt. Do đó, những biểu tượng và tinh thần Hoàng Phố mà mọi người thường nhắc đến, thực ra phần lớn là một sự hiểu lầm.

Ông Dư Tông Cơ cho biết, năm 1937 khi Cuộc kháng chiến chống Nhật bắt đầu, trường Hoàng Phố đã di chuyển đến Thành Đô. Sau khi chiến trang kết thúc năm 1949, Tướng Tôn Lập Nhân đã thành lập lớp huấn luyện sĩ quan và binh sĩ tại Phượng Sơn, Cao Hùng, Đài Loan. Vì vậy, thực chất tinh thần Hoàng Phố chỉ tồn tại trong hệ thống đào tạo nhân tài quân sự của Quốc - Cộng trong vòng 3 năm. Từ năm 1949 đến nay, lớp huấn luyện sĩ quan và binh sĩ ở Đài Loan vẫn luôn diễn ra tại trường sĩ quan ở Phượng Sơn, Cao Hùng. Vì vậy, xét về mặt lịch sử, phần lớn nội hàm và chiến công của trường Hoàng Phố đã bị thần thánh hóa. Mặc dù số người ở Đài Loan vẫn tin rằng Hoàng Phố là chính thống không nhiều, nhưng không thể bỏ qua ảnh hưởng của họ.

Nhìn vào việc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Hoàng Phố lần này, số lượng tướng lĩnh cấp cao từ Đài Loan sang Trung Quốc (Đại lục) tham gia là tương đối ít. Các tờ báo địa phương ở Đài Loan tiết lộ, số người đi tham gia sự kiện này ở Đại lục ban đầu được nói là khoảng 100 người, sau tăng lên khoảng 200 người. Nếu quan sát kỹ, những người đi đều là những người trung niên từ 40-50 tuổi, hầu hết là những người đã nghỉ hưu từ cấp thiếu úy hoặc trung úy. Đây là điều đáng lo ngại, vì những người này vẫn có một ảnh hưởng nhất định, do họ có nền tảng chuyên môn quân sự.

Ông Dư Tông Cơ cho rằng, trường Hoàng Phố đã bị thần thánh hóa, được tô vẽ quá mức. Thực tế, việc xây dựng quân đội ở trường Hoàng Phố chủ yếu là do Tôn Trung Sơn và Bao Lạc Đình, khi họ áp dụng phương thức đào tạo của học viện quân sự Liên Xô, thông qua việc thành lập bộ phận đảng của Quốc Dân đảng trong quân đội. Thực chất, hầu hết những người được gọi là bộ phận chính trị của Quốc Dân đảng Trung Quốc lúc bấy giờ đều là các đảng viên ĐCSTQ, đã tiến vào Quốc Dân đảng trong thời kỳ dung hợp Quốc - Cộng. Nhân vật nổi tiếng nhất trong số đó là Chu Ân Lai.

Trong chiến dịch Đông chinh Bắc phạt, ngân sách cho vũ khí và trang bị mà Chính phủ Quốc Dân đảng ở Quảng Châu nhận được từ Liên Xô thực tế là khoảng 1,4 triệu rúp (tương đương 159.303 USD), trong đó 2,5 triệu được dùng để cùng Quốc Dân đảng và ĐCSTQ xây dựng trường Hoàng Phố. Ngoài các khoản ngân sách hỗ trợ từ Liên Xô này, trong chiến dịch Đông chinh Bắc phạt, những sĩ quan huấn luyện cũng sử dụng chiến thuật của Liên Xô. Vì vậy, khi xem xét một số ghi chép lịch sử vẻ vang của các Đông chinh Bắc phạt được ghi lại trong Bảo tàng Lịch sử Học viện Lục quân, chúng ta sẽ biết được sự thật, rằng Liên Xô thực sự đứng sau vào thời điểm đó.

Ông Dư Tông Cơ nói rằng, ở Đài Loan, những sinh viên tốt nghiệp trường sĩ quan trẻ tuổi hiện nay, chắc chắn sẽ có quan niệm sâu sắc quốc gia hóa quân đội. Tuy nhiên, quá trình quốc gia hóa quân đội ở Đài Loan thực sự chỉ bắt đầu sau khi Lý Đăng Huy được bầu làm Tổng thống dân cử đầu tiên, khi đó các đảng bộ trong quân đội mới chính thức bị giải thể. Như vậy, quá trình quốc gia hóa quân đội ở Đài Loan chỉ có khoảng trên 20 năm kinh nghiệm.

Trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường Hoàng Phố vừa qua, khi Tổng thống Lại Thanh Đức duyệt binh, đội hình đầu tiên đi qua lễ đài là các cựu học viên Hoàng Phố, nhưng họ không chào Tổng thống. Điều này cho thấy mức độ trung thành của những cựu học viên này vẫn hướng về Quốc Dân đảng như là đảng chính thống, họ chỉ trung thành với Quốc Dân đảng. Ngay cả khi Quốc Dân Đảng không còn nắm quyền nữa, họ vẫn không muốn chuyển sự trung thành của mình sang lãnh đạo quốc gia.

Trường Hoàng Phố được thành lập với mục đích phục vụ cho Quốc Dân đảng, trở thành lực lượng quân sự của Quốc Dân đảng. Ảnh hưởng của Quốc Dân đảng với Hoàng Phố vẫn chưa thể bị xóa mờ đến tận ngày nay. Đây chính là lý do tại sao Tổng thống Lại Thanh Đức đặc biệt nhấn mạnh rằng, Đài Loan và Trung Quốc không có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Ông cũng nhấn mạnh rằng "Trung Hoa Dân Quốc ở đâu, thì ở đó có tinh thần Hoàng Phố". Điều này muốn nói rằng các cựu học viên Hoàng Phố nên trung thành với quốc gia của họ, và hiện nay quốc gia đó là Đài Loan, vì vậy sự trung thành không được nhầm lẫn hay mơ hồ.

Chương trình Diễn đàn Tinh anh do NTDTV và The Epoch Times tổ chức, là một diễn đàn truyền hình cấp cao dành cho người Hoa toàn cầu. Chương trình này bao gồm các chuyên gia và nhân vật tiêu biểu trên toàn cầu, tập trung vào các vấn đề thời sự, phân tích xu hướng lớn của thế giới, cung cấp cho khán giả những quan điểm sâu sắc về các sự kiện xã hội và sự thật lịch sử.

Theo Diễn đàn Tinh anh
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Sự thật về 'Tinh thần Hoàng Phố' và sự hỗ trợ của Liên Xô đối với quân đội Trung Quốc-Đài Loan