BlackRock đóng quỹ ở Việt Nam: Thị trường cổ phiếu chịu ảnh hưởng như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường tài chính Việt Nam đón nhận tin không vui là Tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu - BlackRock - quyết định đóng quỹ tại Việt Nam. Hiện tại, quỹ iShares của Tập đoàn nắm khoảng 14% tỷ trọng cổ phiếu Việt trong tổng tài sản.

Không hiệu quả

BlackRock là một tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu, hiện diện tại Việt Nam thông qua quỹ đầu tư ETF có tên iShares Frontier and Select EM.

ETF (Exchange Traded Fund) là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán tương tự như cổ phiếu. Đây được xem là một cách đầu tư chứng khoán thụ động.

Vào ngày 7/6/2024, Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock cho biết quỹ iShares Frontier and Seclect EM ETF (gọi tắt là quỹ iShares), nơi có các cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam chiếm khoảng 28% tổng quy mô đầu tư, sẽ ngừng giao dịch và không chấp nhận các lệnh mua bán sau khi thị trường đóng cửa vào ngày 31/3/2025. Như vậy, quỹ iShares sẽ dành thời hạn 9 tháng tới để bán hết tài sản đã đầu tư và đóng quỹ.

Giải thích cho quyết định này, BlackRock cho biết quỹ hoạt động không hiệu quả, iShares chỉ là một trong những hoạt động đầu tư kém hiệu quả cần phải bị đóng cửa của hãng này. Theo Bloomberg, hiệu suất của iShares không hiệu quả so với ETF tham chiếu chỉ số S&P 500 và VN30. Ước tính năm 2024, tỷ suất lợi nhuận của iShares chỉ đạt 5,08% trong khi S&P500 tăng tới 34,27%, cũng theo Bloomberg. Điều này khiến quỹ khó huy động thêm vốn khi nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hiệu quả hơn.

Cần nhiều 'người chơi' chuyên nghiệp

Bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng giám đốc khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital cho biết tại thời điểm hiện nay, quy mô các quỹ đầu tư chuyên nghiệp chỉ bằng 1/50 của thị trường tài chính Thái Lan, theo Tin nhanh Chứng khoán (4/2024).

Trên thị trường vốn với các sản phẩm tài chính phức tạp, vốn không phải là sân chơi dành cho các nhà đầu tư cá nhân không chuyên. Bởi vậy, thị trường vốn muốn phát triển bền vững, bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ cũng như thu hút được dòng vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, hộ gia đình, thì sự xuất hiện của các quỹ, tổ chức đầu tư chuyên nghiệp là một trong những điều kiện cần và đủ.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính tới 31/12/2023, tổng tài sản quản lý của ngành đạt 670.500 tỷ đồng (bao gồm quỹ mở, quỹ chỉ số và các tài khoản quản lý riêng lẻ), với số lượng nhà đầu tư tham gia quỹ mở là 247.242. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị tài sản quản lý trung bình trong 10 năm qua là 21%/năm. Mặc dù những con số này rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với quy mô hiện tại của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và tiềm năng phát triển của ngành.

Ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam như thế nào?

Theo số liệu công bố trên TTCK, tính tới giữa tháng 6/2024, khối ngoại đã bán ròng tới 40.500 tỷ đồng, khoảng 1,6 tỷ USD trên sàn HOSE.

Lượng bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay ghi nhận tại cổ phiếu VHM với giá trị xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong danh sách bán ròng của khối ngoại là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị bán ròng gần 5.500 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bluechip khác là VNM và MSN cũng bị bán ròng lần lượt hơn 5.100 tỷ và hơn 3.300 tỷ đồng. Giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại còn ghi nhận tại loạt cổ phiếu khác như VRE của CTCP Vincom Retail (~2.700 tỷ), FUESSVFL (~1.900 tỷ), FPT (~1.900 tỷ), VND (1.800 tỷ đồng).

Các rủi ro liên quan tới lãi suất, tỷ giá được cho là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam ở giai đoạn hiện tại đã khiến khối ngoại triền miên bán ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Trong năm 2022-2023, tài khoản Lỗi và Sai sót và tài khoản Đầu tư ròng khác đã ghi nhận một con số kỷ lục: âm hơn 80 tỷ USD; tức là hơn 80 tỷ USD đã rời khỏi biên giới quốc gia thông qua các hoạt động như buôn lậu, mua sắm không hạch toán chính thức của chính phủ, đầu tư, đầu cơ trên các thị trường tài chính khác ở nước ngoài. Trong quý 1/2024, con số thống kê từ 02 tài khoản này là hơn 8 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, việc một Tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu thế giới đóng quỹ tại Việt Nam, bán hết tài sản trên TTCK Việt Nam mà họ đang nắm giữ sẽ góp phần vào làn sóng bán ròng của khối ngoại. Mặc dù iShares hiện chỉ nắm giữ khoảng 14% cổ phiếu Việt trong quy mô quỹ, nhưng lượng hàng này được bán ra trong bối cảnh các nền tảng vĩ mô còn mất cân đối, điều kiện tài chính trong nước có nguy cơ phải thắt chặt do áp lực tỷ giá và lạm phát nửa cuối năm... có thể làm suy yếu thêm niềm tin đầu tư của thị trường trong nửa cuối năm 2024.

Theo Vietnam Business Insider, từ 07/6 đến 18/6/2024, quỹ iShares đã bán ròng 1.256 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu chứng khoán Việt Nam từ 28% xuống còn 13,77%.

Mặc dù việc BlackRock đóng quỹ tại Việt Nam chỉ là một sự kiện đơn lẻ, là quyết định đơn thuần dựa trên hiệu quả kinh doanh, nhưng các chuyên gia khuyến nghị TTCK Việt Nam cần sớm cải thiện các tiêu chí còn vướng mắc theo nhận định của FTSE và MSCI để hoàn thành mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.

Đàm Linh



BÀI CHỌN LỌC

BlackRock đóng quỹ ở Việt Nam: Thị trường cổ phiếu chịu ảnh hưởng như thế nào?