Brazil tham gia cuộc đua thách thức sự thống trị đất hiếm của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với tầm quan trọng chiến lược của đất hiếm, việc Brazil mở mỏ khai thác đất hiếm đầu tiên theo kế hoạch có thể có ý nghĩa lớn, đặc biệt là giữa lúc mối quan hệ của phương Tây và Trung Quốc đang căng thẳng.

Được hỗ trợ bởi nguồn đầu tư và chuyên môn của phương Tây, Brazil đã trở thành quốc gia mới nhất tham gia nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực nguyên tố đất hiếm trên toàn cầu. Brazil đã mở ra mỏ đầu tiên trong số nhiều mỏ được lên kế hoạch nhằm khai thác trữ lượng nguyên tố đất hiếm của nước này.

Cùng với việc mở rộng đầu tư và hợp tác trong việc thăm dò và phát triển nguyên tố đất hiếm của các quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia khác, các nhà quan sát tình hình Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang mất đi đòn bẩy về địa chính trị và trong cuộc cạnh tranh với phương Tây.

Vào tháng 3, chính phủ Úc đã công bố khoản đầu tư 840 triệu AUD (đô-la Úc) (khoảng 560 triệu USD) vào cơ sở kết hợp đầu tiên của mỏ khai thác và nhà máy tinh chế nguyên tố đất hiếm do Arafura Rare Earths vận hành ở miền bắc Úc.

Việt Nam đã có kế hoạch khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất của mình vào cuối năm 2024 với sự hợp tác của các công ty phương Tây, chẳng hạn như Blackstone Minerals Ltd. của Úc, để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Vào tháng 3/2023, Sojitz, một công ty Nhật Bản, cùng với Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản đã công bố khoản đầu tư 200 triệu AUD vào công ty Lynas Rare Earths của Úc để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mỏ đất hiếm đầu tiên của Brazil, Serra Verde, đã bắt đầu việc sản xuất trong năm nay, gia nhập cuộc đua và nỗ lực của phương Tây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược này.

Các nguyên tố đất hiếm là 17 nguyên tố được sử dụng trong pin, chip máy tính và xe điện. Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này, Hoa Kỳ đứng thứ hai và Myanmar đứng thứ ba.

Trữ lượng đất hiếm lớn thứ 3 thế giới nằm ở Brazil, vốn đang tìm cách tận dụng chi phí lao động thấp, năng lượng sạch, các quy định đã được thiết lập và vị trí gần với người mua ở Hoa Kỳ để xây dựng một ngành công nghiệp đất hiếm có ảnh hưởng. Quốc gia này cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy nam châm đầu tiên của Mỹ Latinh vào cuối năm nay.

Phải mất 15 năm để Serra Verde bắt đầu sản xuất, với sự đầu tư và ưu đãi từ các nước phương Tây. Theo công ty, dự kiến ​​sản lượng sẽ đạt 5.000 tấn trong năm nay và có thể tăng gấp đôi vào năm 2030.

"Serra Verde và Brazil có những lợi thế cạnh tranh đáng kể có thể làm nền tảng cho sự phát triển của một ngành công nghiệp đất hiếm đáng kể tầm toàn cầu trong dài hạn", ông Thras Moraitis, CEO của Serra Verde cho biết. Những lợi thế đó bao gồm nền địa chất hấp dẫn, khả năng tiếp cận thủy điện, các quy định đã được thiết lập và lực lượng lao động lành nghề.

"Đây vẫn là một lĩnh vực mới mẻ và sẽ cần sự hỗ trợ liên tục để khẳng định vị thế trên một thị trường cạnh tranh cao. Các công nghệ chế biến then chốt được kiểm soát bởi một số ít công ty", ông cho biết. Các nhà phân tích trong ngành dự đoán rằng Brazil có thể có thêm hai hoặc ba mỏ nguyên tố đất hiếm vào năm 2030.

Theo dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc đã sản xuất 240.000 tấn đất hiếm vào năm 2023, gấp hơn 5 lần sản lượng của Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng chế biến khoảng 90% đất hiếm trên thế giới thành nam châm vĩnh cửu, được sử dụng trong một loạt sản phẩm công nghệ, từ tua-bin gió đến ô-tô điện và tên lửa.

Khi căng thẳng với phương Tây gia tăng, chính quyền Trung Quốc đã vũ khí hóa đất hiếm thành một công cụ cạnh tranh địa chính trị. Vào tháng 7/2023, Bắc Kinh đã hạn chế việc xuất khẩu gali và germani được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn nhằm trả đũa lệnh trừng phạt chip của phương Tây đối với Trung Quốc.

Để đáp trả, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản đã bắt đầu triển khai hoặc cập nhật các chiến lược cung cấp khoáng sản quan trọng cấp quốc gia trong hai năm qua và phát triển các kế hoạch có phạm vi rộng để đầu tư vào các chuỗi cung ứng đa dạng hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Vào ngày 18/6, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố thành lập Nhóm Công tác Chính sách của Ủy ban Tuyển chọn, sẽ tập trung vào việc "chống lại sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng".

Trong khi đó, nhiều quốc gia đã tham gia cuộc đua thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này, đẩy nhanh việc thăm dò tài nguyên nguyên tố đất hiếm và phát triển công nghiệp. Một mô hình cung ứng nguyên tố đất hiếm quốc tế đa dạng hơn đã bắt đầu hình thành với những nỗ lực chung của Hoa Kỳ, Úc, Lào, Myanmar, Châu Phi và các khu vực và quốc gia khác.

Trong 2 năm qua, giá nguyên tố đất hiếm đã giảm mạnh tới 70%.

Ngành công nghiệp nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc đang gặp khó khăn. Theo dữ liệu tài chính được công bố vào ngày 30/4, các công ty nguyên tố đất hiếm lớn được niêm yết của Trung Quốc có lãi vào năm ngoái đã chứng kiến ​​thâm hụt trong quý đầu tiên của năm nay do giá nguyên tố đất hiếm giảm và các nỗ lực của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

China Rare Earth lỗ khoảng 289 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 39,8 triệu USD), Guangsheng Nonferrous Metals lỗ 304 triệu CNY và Shenghe Resources lỗ 216 triệu CNY. Ngoại lệ duy nhất - Northern Rare Earth - đã thu được khoản lợi nhuận nhỏ là 52,05 triệu CNY.

Tầm quan trọng chiến lược của đất hiếm

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), nhà nghiên cứu và giám đốc của Bộ phận Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, đã nói với The Epoch Times vào ngày 18/6 rằng "việc chế tạo một máy bay chiến đấu F-35 cần 122 kg đất hiếm để sản xuất vật liệu được sử dụng trong radar, máy tính, động cơ và thân máy bay".

Brazil tham gia cuộc đua thách thức sự thống trị đất hiếm của Trung Quốc
Một thủy thủ đi ngang qua máy bay chiến đấu đa năng F-35B Lightning trên boong tàu sân bay HMS Queen Elizabeth khi neo đậu tại Đảo Síp vào ngày 1/7/2021. (Ảnh: Roy Issa/AFP qua Getty Images)

Ông cho biết Bắc Kinh đã cố gắng sử dụng sự thống trị của các nguồn tài nguyên đất hiếm như một đòn bẩy chiến lược và rằng "khi mối quan hệ với phương Tây bị trầm trọng hóa, Bắc Kinh cố tình cấm xuất khẩu nó".

Ông nói, "Khi đó, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và nền kinh tế ở phương Tây, điều này có tác động chính trị". Ông cho rằng, đó là lý do tại sao nhiều quốc gia đã cố gắng tránh xa chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), giáo sư về quan hệ quốc tế và kinh doanh tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, cho biết việc sản xuất nguyên tố đất hiếm của Brazil "có tác động dây chuyền ngắn, nghĩa là [phương Tây] không cần phải đến Trung Quốc để mua đất hiếm".

"Họ có thể nhập khẩu đất hiếm trực tiếp từ Brazil", ông nói với The Epoch Times vào ngày 18/6. "Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc sản xuất đất hiếm của Brazil đóng vai trò có thể thay thế Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị hiện nay giữa Bắc Kinh và phương Tây. Nói cách khác, nếu Trung Quốc vẫn cố gắng sử dụng đất hiếm như một công cụ chiến lược cho địa chính trị và kinh tế, thì họ sẽ không còn có thể làm như vậy nữa".

Ông Tôn cho biết vì các quốc gia như Brazil là các nước đang phát triển, "nếu các công ty khai thác ở các nước phát triển có thể đầu tư vào họ, thì các kết quả của việc phát triển đất hiếm được đa dạng hóa có thể đạt được nhanh hơn".

"Khi đó, chúng ta có thể thấy rằng các quốc gia dân chủ và tự do có thể bắt đầu tránh được mối đe dọa từ Trung Quốc dựa trên nguồn cung cấp đất hiếm", ông nói. "Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể diễn ra rộng hơn và lâu dài hơn mà không bị ảnh hưởng bởi đòn bẩy mà Trung Quốc có. Nó cung cấp cho Hoa Kỳ nền tảng cơ bản cho loại hình cạnh tranh công nghệ này với Bắc Kinh và để thực hiện các chiến lược như kế hoạch của nước này ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Brazil tham gia cuộc đua thách thức sự thống trị đất hiếm của Trung Quốc