Bụng ngày càng to và đau, nữ sinh chờ thi xong lớp 10 mới đi khám, tá hoả khi phát hiện bị ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mấy tháng trước, P.T.N (15 tuổi, quê Bắc Ninh) bị đau bụng. Người thân quan sát thấy bụng to hơn bình thường, cho rằng đó là biểu hiện tăng cân do tẩm bổ nhiều, nên đã xem nhẹ và bỏ qua.

Tuy nhiên theo thời gian, bụng của N. ngày càng to lên, cảm giác đau vẫn không thuyên giảm. Gia đình đợi con thi vào lớp 10 xong, mới đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám.

Hình ảnh siêu âm cho thấy buồng trứng phải bệnh nhân có khối âm vang hỗn hợp, kích thước gần 24cm.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận hình ảnh khối dạng đa nang, đa thùy, các bác sĩ nghĩ đến u quái buồng trứng, nghi ngờ ung thư.

T.N. được đưa vào Khoa Phụ ngoại (A5) để mổ mở và sinh thiết lạnh tại chỗ.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Anh Đào, Trưởng khoa Phụ ngoại (A5), cho biết đây là khối u quái chưa trưởng thành (ung thư). Khối u lớn 24cm đã được cắt bỏ và đưa ra khỏi cơ thể.

Khối u của bệnh nhân thuộc tế bào mầm, ở giai đoạn sớm, cơ hội điều trị bệnh đáp ứng hiệu quả cao, bác sĩ Đào nói hôm 21/6.

Thận trọng với các dấu hiệu của ung thư buồng trứng

Buồng trứng là tuyến sinh dục của nữ, vừa có chức năng nội tiết (tiết ra các hormon sinh dục nữ như estrogen và progesteron), vừa có chức năng ngoại tiết (rụng trứng). Trên cơ thể phụ nữ có hai buồng trứng: một bên phải và một bên trái.

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh thường gặp nhất ở nữ giới, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1200 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh.

Các thể ung thư buồng trứng thường gặp bao gồm:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng là các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng đây là loại hay gặp nhất.
  • Ung thư tế bào mầm là ung thư xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng, loại ung thư này ít gặp hơn ung thư biểu mô.
  • Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng. Loại này cũng ít gặp

Hầu hết trường hợp mắc ung thư xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh (trên 50 tuổi), nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn. Bệnh có xu hướng diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, triệu chứng không rõ rệt nên thường bị xem nhẹ và bỏ qua.

Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong.

Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng.

Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.

Các loại khác hiếm gặp hơn như ung thư tế bào mầm, ung thư mô đệm. Ung thư buồng trứng ở trẻ 15 tuổi như trường hợp nói trên được coi là ít gặp.

Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng vẫn chưa rõ ràng, nhưng bệnh có thể liên quan đến các yếu tố bao gồm:

  • Phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít;
  • Phụ nữ có kinh nguyệt không đều;
  • Phụ nữ dùng thuốc kích thích rụng trứng;
  • Dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh;
  • Người bị ung thư vú;
  • Yếu tố di truyền trong gia đình: Người thân (mẹ hoặc chị gái) đã mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 – 4 lần.

Các dấu hiệu của ung thư buồng trứng dễ bị nhầm lẫn sang các căn bệnh nhẹ khác. Hãy luôn cảnh giác nếu có các biểu hiện dưới đây:

  • Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới;
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón;
  • Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang;
  • Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ;
  • Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt;
  • Đau khi quan hệ.

Ung thư buồng trứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc thậm chí đe doạ đến tính mạng, nhưng bệnh có thể phòng ngừa được, nếu:

  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn quá nhiều protein, calo và mỡ động vật; tăng cường các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật và có chứa các hợp chất như hydrocarbon, vitamin A, vitamin C. chất xơ…
  • Kiểm tra sức khoẻ thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh lý ở buồng trứng hoặc biến chứng của u nang buồng trứng, vốn có thể dẫn đến ung thư. Phụ nữ 45 tuổi trở lên cần khám phụ khoa vùng chậu hoặc siêu âm định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Nếu có các triệu chứng như đau chướng bụng, chảy máu âm đạo thì cần khám ngay để điều trị kịp thời.
  • Thận trọng khi sử dụng các thuốc chứa hormon. Nghiên cứu cho thấy nếu dùng thuốc điều kinh kéo dài, hoặc việc kinh nguyệt không đều quá lâu, cũng làm tăng cao nguy cơ phát bệnh ung thư buồng trứng.
  • Tập thể dục đều đặn vừa sức không những khiến cơ thể thoải mái, tinh thần vui vẻ, mà còn tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể chống lại được sự tấn công của bệnh tật.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Bụng ngày càng to và đau, nữ sinh chờ thi xong lớp 10 mới đi khám, tá hoả khi phát hiện bị ung thư