Cải cách của Thương Ưởng (1): Thương Ưởng luận bá đạo làm nước giàu binh mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 362 TCN, Tần Hiếu Công lên ngôi. Lúc đó nước Tần chưa được coi là nước văn minh khai hóa. Tần Hiếu Công cho rằng nước Tần cần tuyển gấp nhân tài để nhanh chóng làm nước giàu binh mạnh, nên ông xuống chiếu: “Trong các quan khách quần thần, nếu ai dâng kế hay giúp nước Tần cường thịnh, thì ta sẽ ban quan tước, phong đất cho cai quản.”

Đó không chỉ là phong làm cao quan mà còn ban cho một vùng đất. Sau khi biết tin, Thương Ưởng đi về phía tây vào nước Tần và nói với Tần Hiếu Công kế sách làm cho đất nước trở nên hùng mạnh. Hậu thế suy ngẫm về lịch sử tiêu diệt sáu nước của nhà Tần, họ đều công nhận rằng những cuộc cải cách của Thương Ưởng là điểm khởi đầu cho sự thịnh vượng và sức mạnh quân sự của nhà Tần. Vậy Thương Ưởng là người như thế nào? Ông có ảnh hưởng gì cho nhà Tần và lịch sử Trung Quốc sau này?

Thương Ưởng ở nước Ngụy

Tên nguyên gốc của ông không phải là Thương Ưởng. Ông là thứ nghiệt công tử của nước Vệ, tức là con của phi tần của vua chứ không phải là con của chính phi. Bởi vì ông ở nước Vệ nên mọi người gọi ông là Vệ Ưởng. Ông còn có một tên khác là Công Tôn Ưởng, Công Tôn là họ . Vào thời nhà Chu, con trai của các chư hầu được gọi là Công tử, còn cháu trai của chư hầu được gọi là Công tôn. Vì vậy, họ Công tôn thực chất là biểu tượng của thân phận, hoặc tượng trưng của tước vị. Sau này nó trở thành họ nên Vệ Ưởng còn được gọi là Công Tôn Ưởng.

Công Tôn Ưởng đặc biệt thích học về hình luật từ khi còn nhỏ, nhưng ông cảm thấy nước Vệ quá bé để thể hiện tài năng của mình nên rời Vệ đến Ngụy, đến chỗ Ngụy Văn Hầu.

Đánh giá của tôi về Vệ Ưởng khá tiêu cực, cũng như đánh giá của tôi về Pháp gia rất tiêu cực. Ông ta độc đoán ngang ngược, bạc bẽo vô ơn, không biết tiến lùi, cuối cùng bị mắc kẹt trong kén của chính mình, ông ta là một nhân vật đại diện của Pháp gia. Không chỉ tôi nói ông ta khắc bạc vô ơn, mà Tư Mã Thiên còn ghi trong "Sử ký: Thương quân liệt truyện" rằng "Thương quân, kỳ thiên tư khắc bạc nhân dã”, tức là Thương Ưởng có tính hà khắc bạc bẽo bẩm sinh.

Vệ Ưởng sinh năm 395 TCN, tức năm thứ hai sau khi Ngụy Văn Hầu qua đời. Sau cái chết của Ngụy Văn Hầu, thái tử Kích lên ngôi và trở thành Ngụy Vũ Hầu. Ngụy Vũ Hầu trị vì tổng cộng 26 năm. Sau khi ông qua đời, vì không chỉ định người kế vị, nên hai Công tử Ngụy Oanh và Ngụy Hoãn tranh giành ngôi vua và một cuộc chiến nổ ra giữa họ. Cuộc chiến này suýt khiến nước Ngụy mất nước.

Sau này Ngụy Oanh thắng trận, trở thành Ngụy Huệ Văn Vương. Mạnh Tử gọi ông là Lương Huệ Vương vì trong thời gian trị vì, ông đã dời đô nước Ngụy từ ấp An (nay là huyện Hạ, tỉnh Sơn Tây) đến Đại Lương (nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam). Ông trị vì tổng cộng 50 năm. Theo "Sử ký", ông đã trị vì tổng cộng 38 năm, nhưng theo nghiên cứu của người khác, ông trị vì tổng cộng 50 năm. Ông có ảnh hưởng lớn đến nước Ngụy, sự suy tàn của nước Ngụy cũng bắt đầu từ đây.

Vua Ngụy Huệ Văn Vương có một đại thần tên là Công Thúc Tọa, làm tướng dưới trướng. Sau khi Vệ Ưởng đến nước Ngụy, đầu tiên ông ta làm môn khách trong nhà Công Thúc Tọa, và được cho làm chức quan Trung thứ tử. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do chức vụ này phụ trách việc dạy dỗ cho con phi tần (thứ tử) của hàng khanh tướng, đại phu. Vì Vệ Ưởng thường xuyên dạy học cho lũ trẻ nên ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với Công Thúc Tọa. Vệ Ưởng khi đàm luận quốc sự thường có những tiên đoán trước sự việc, nên Công Thúc Tọa cho rằng đây là một người rất có tài năng.

Sau này, Công Thúc Tọa bị bệnh rất nặng. Vua Ngụy Huệ Văn Vương đích thân đến nhà thăm, ngồi bên giường bệnh rơi nước mắt hỏi: “Nhỡ khanh bị bệnh không dậy nổi, trẫm nên giao quốc chính cho ai?”

Công Thúc Tọa nói: "Nhà hạ thần có một Trung thứ tử tên là Vệ Ưởng, tuy còn trẻ nhưng rất tài năng, hạ thần hy vọng bệ hạ có thể giao phó toàn bộ công việc quốc gia cho anh ta".

Khi đó, vua Huệ Văn Vương không nói gì, Công Thúc Tọa liền nói tiếp một câu, nếu bệ hạ không thể sử dụng anh ta, thì hãy giết ngay đi. Vua Huệ Văn Vương nói một từ "được".

Khi Ngụy Huệ Văn Vương rời nhà Công Thúc Tọa, nhà vua nói: "Ồ, Tể tướng vì bệnh tật mà hồ đồ mất rồi. Đầu tiên ông ấy yêu cầu ta giao phó quốc sự cho một gã trẻ vô danh, giao toàn bộ đất nước cho anh ta; rồi sau đó lại bảo, nếu không giao cho hắn thì giết hắn đi, thật sự rất lẫn lộn”.

Nhà vua lắc đầu thở dài bước đi.

Sau khi Ngụy Huệ Văn Vương rời đi, Công Thúc Tọa gọi Vệ Ưởng đến bên giường nói: Ta vừa xin quốc vương dùng ngươi, nhưng nếu không dùng , thì sẽ giết ngươi.

Công Thúc Tọa nói tiếp: Bởi vì làm tướng quốc, nên ta đặt quốc gia và quốc vương lên hàng đầu, nhưng ta nghĩ quốc vương sẽ không dùng ngươi, mà có thể sẽ giết ngươi. Vì vậy, do tình nghĩa bằng hữu, ta khuyên anh nên tránh xa ta càng sớm càng tốt.

Vệ Ưởng nghe xong liền nói: Nếu quốc vương không nghe lời ngài là dùng tôi, thì cũng sẽ không thể nghe lời ngài là giết tôi, vì quốc vương vẫn chưa biết năng lực của tôi.

Thương Ưởng. (Phạm vi công cộng)

Tại sao Công Thúc Tọa lại nói với Ngụy Vương như vậy? Thực ra lý do rất đơn giản, đương nhiên ông không muốn Ngụy Vương giết Vệ Ưởng, ông chỉ muốn dùng cách nói cực đoan gửi đến Ngụy Vương một tín hiệu rõ ràng, tức là nếu dùng Công Tôn Ưởng, hắn có thể làm cho nước Ngụy rất giàu mạnh ; Nhưng nếu hắn muốn gây hại, thì có thể gây tác hại rất lớn.

Cho nên nếu không thể để hắn giúp ngài, thì tuyệt đối không được để hắn làm hại, nhất định phải giết hắn, nhưng Ngụy Huệ Văn Vương lại không nghe theo.

Một thời gian sau, Công Thúc Tọa chết vì bạo bệnh. Sau này, có một thiếu gia khác của nước Ngụy tên là Công tử Ngang, người này cũng tiến cử Vệ Ưởng, nhưng vua nước Ngụy vẫn không trọng dụng.

Lúc này, Vệ Ưởng cảm thấy mình không thể sống được ở nước Ngụy được nữa, thì thấy thông cáo của Tần Hiếu Công. Ông biết rằng, đến Tần và giúp Tần trở nên giàu mạnh thì không chỉ giàu có quyền lực mà còn có thái ấp rất rộng lớn nên Vệ Ưởng đã rời Ngụy đến Tần.

Thương Ưởng luận bá đạo làm nước giàu binh mạnh

Nói chung, sau khi đến nước Tần, lẽ ra phải đến gặp người phụ trách thông cáo và nói: "Sau khi xem cáo thị, tôi đến đây. Làm sao có thể gặp được vua Tần?", hoặc đi tìm người phụ trách ngoại giao và lễ tân. Nhưng Vệ Ưởng thì không, ông đến gặp Cảnh Giám, một thái giám được Hiếu Công sủng ái, nhờ Cảnh Giám tiến cử. Tần Hiếu Công và Vệ Ưởng tổng cộng có bốn cuộc trò chuyện, ba cuộc trò chuyện đầu tiên có thể nói là không dễ chịu gì.

Lần đầu tiên Vệ Ưởng gặp Tần Hiếu Công, ông đã nói rất nhiều với Tần Hiếu Công, phản ứng của Tần Hiếu Công là gì?

Trong "Sử ký: Thương Quân liệt truyện" có viết: "Khi Hiếu Công gặp Vệ Ưởng, ông ấy đã nói chuyện với Hiếu Công rất lâu, Hiếu Công ngủ gật, chẳng nghe".

Ý tứ là Vệ Ưởng cùng Hiếu Công nói chuyện hồi lâu, Hiếu Công nghe xong liền ngủ gật, tỉnh dậy phát hiện Vệ Ưởng vẫn còn đang nói nói, lại ngủ mất. Có thể thấy lời của Vệ Ưởng rất kém hấp dẫn, khiến người ta buồn ngủ.

Nhưng Tần Hiếu Công tính tình rất tốt, mặc dù ngủ gật, nhưng sau khi Vệ Ưởng nói xong để Vệ Ưởng rời đi. Nếu đây là Chu Nguyên Chương thì Vệ Ưởng đã bị một trận đòn đau rồi.

Sau khi Vệ Ưởng rời đi, Hiếu Công nói với Cảnh Giám rằng người được ngươi tiến cử là một kẻ khoác lác, nói lời sáo rỗng không có ích lợi gì, gọi là "kẻ vọng tưởng". Hiếu Công nói: Làm sao có thể giới thiệu một người như vậy cho ta? Hiếu Công rất không vui.

Khi Cảnh Giám trở về nhà, ông trách Vệ Ưởng: "Sao ngươi có thể nói những điều ba hoa vô nghĩa như vậy với nhà vua?"

Vệ Ưởng nói: “Tôi nghĩ là chí hướng của nhà vua quá lớn, nên mới nói về đạo làm ‘Đế’ của các bậc đế vương xưa như Phục Hi, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, v.v. Những người này cai trị đất nước như thế nào, nhưng nhà vua nghe không lọt tai”.

Vệ Ưởng nói: Tôi có kế sách thứ hai, vua không nghe kế sách thứ nhất cũng không sao, xin hãy cho tôi một cơ hội nữa.

Cảnh Giám thương tình, lại đi bẩm tấu với Tần Hiếu Công, nói rằng vị khách của tôi còn chưa nói hết nhẽ, có thể cho anh ta một cơ hội nữa được không? Tần Hiếu Công lại đồng ý.

Vệ Ưởng được triệu vào cung lần thứ hai, ông bắt đầu kể về việc Thành Thang phạt Kiệt và Võ Vương phạt Trụ, nói về cách trị lý quốc gia của Đại Vũ Vương, Thương Thang Vương và Chu Vũ Vương, toàn là vương đạo. Kết quả Tần Hiếu Công nghe không lọt tai nên lại trách Cảnh Giám, Cảnh Giám lại quay lại trách Thương Ưởng.

Thương Ưởng nói: Ồ, xem ra chí hướng của nhà vua không cao xa lắm! Lần đầu tiên tôi nói về đạo làm đế như Nghiêu, Thuấn, vua không nghe; lần thứ hai tôi bàn về đạo làm vương như Thành Thang, Chu Vũ, vua cũng không nghe. Được rồi, tôi vẫn còn kế sách thứ ba, tôi sẽ thuyết giáo về cách xưng bá thiên hạ.

Cảnh Giám nói: Ngài nên nghỉ ngơi một lát, ta không dám tâu với Hiếu Công nữa, bởi vì nhà vua đang rất không vui.

Một ngày nọ, Tần Hiếu Công đang ăn, đột nhiên đặt đũa xuống và nói: “Ôi, nhân sinh ngắn ngủi, giống như cánh chim bay qua khe cửa, trong chớp mắt sẽ biến mất. Ta đã chiêu mộ nhân tài đã lâu rồi, sao tận hôm nay vẫn chưa tìm được một đại hiền tài nhỉ?”

Thực ra, Tần Hiếu Công không hiểu một đạo lý là bậc đại hiền tài luôn cực kỳ hiếm gặp, mà nhà vua mới treo bảng chiêu hiền được mấy tháng. Lúc này Cảnh Giám nhân cơ hội lại tâu lên, nói rằng khách của hạ thần Thương Ưởng có ba phương pháp trị nước khác nhau, đó là đế, vương, bá. Lần đầu tiên ông ấy nói với vua cách làm đế, lần thứ hai nói về cách làm vương, ông ấy nói vẫn còn kế sách xưng bá thiên hạ.

Hiếu Công ngay khi nghe điều này trở lên có hứng thú, nói cho vời tiếp kiến một lần nữa. Lần thứ ba này, Vệ Ưởng nói với Tần Hiếu Công về ngũ bá thời Xuân Thu đã làm thế nào để xưng bá. Lần này Tần Hiếu Công nghe lọt tai, nhưng vẫn không cảm thấy cao hứng, không cho là lời của Vệ Ưởng có thế giải quyết ngay các vấn đề của nước Tần.

Nhưng sau khi Vệ Ưởng rời đi, Hiếu Công nói với Cảnh Giám rằng, lời nói của vị khách lần này khiến ta cảm thấy có thể cùng hắn trò chuyện đôi chút. Thế là Cảnh Giám quay lại báo tin, Vệ Ưởng nói: “Ta cuối cùng cũng biết quốc vương muốn nghe điều gì.”

Vì thế Vệ Ưởng đến gặp Hiếu Công lần thứ tư, lần này ông chỉ nói về bá đạo, làm sao để nước giàu binh mạnh.

Thực ra, bạn cho rằng Vệ Ưởng có biết Tần Hiếu Công không muốn nghe thuyết về đế đạo và vương đạo? Tất nhiên là ông ta biết. Nhưng tại sao ông ấy lại làm như vậy? ông ta chỉ muốn trước mặt vua nói xấu về đế đạo và vương đạo, làm cho Hiếu Công khó chịu và buồn ngủ, để ngăn cản Tần Hiếu Công theo đạo đế vương.

Đây không phải là điều tôi nói, khi Tư Mã Thiên viết đánh giá cuối cùng về Thương Ưởng trong "Thương Quân liệt truyện", Tư Mã Thiên cũng nói rằng, khi ấy Vệ Ưởng nói về đế đạo và vương đạo là ‘Phi kỳ chất dã’ tức đó là lời giả dối, không phải thực chất.

Còn lần này, khi Vệ Ưởng đưa kế sách làm nước giàu binh mạnh, Tần Hiếu Công phản ứng thế nào? “công dữ ngôn, bất tự tri tất chi tiền vu tịch dã, ngữ sổ nhật bất yếm.” nghĩa là Tần Hiếu Công nói chuyện với Vệ Ưởng, không tự biết mà dịch chuyển chiếu ngồi về phía Vệ Ưởng, liên tục mấy ngày đàm thoại mà không biết chán. Vậy là Vệ Ưởng đã nắm bắt được mạch của Tần Hiếu Công.

Những gì Vệ Ưởng thảo luận với Tần Hiếu Công không được ghi trong "Sử ký", nhưng tôi nghĩ đó là những tư tưởng trong cuốn "Thương Quân thư", là cuốn sách do Thương Ưởng viết, có tổng cộng 26 chương, quy nạp một cách có hệ thống những lý giải của Thương Ưởng về chính trị, luật pháp trong suốt cuộc đời ông.

Vệ Ưởng đã có tóm tắt rất cô đọng về điều này trong cuốn “Đông Chu liệt quốc chí” rằng: “Dục phú quốc mạc như lực điền, dục cường binh mạc như khuyến chiến, dụ chi dĩ trọng thưởng nhi hậu dân chi sở xu, hiếp chi dĩ trọng phạt nhi hậu dân chi sở úy”.

Nghĩa là: Muốn nước giàu thì phải ra sức canh trồng, muốn quân đội mạnh, không có cách nào tốt hơn là khuyến khích bách tính tham gia chiến đấu; dụ dỗ bằng những phần thưởng lớn, thì người dân sẽ theo, đe dọa bằng những hình phạt nặng thì dân sẽ sợ.

Học vấn cả đời của Thương Ưởng là những câu này. Một từ là “Canh”, nghĩa là làm nông nghiệp, một từ là “Chiến”, nghĩa là chiến đấu. Vì vậy, có người gọi chúng là “Canh chiến chi thuật”, tức là thủ thuật để phát triển nông nghiệp và chiến tranh. Để thúc đẩy nông nghiệp và chiến tranh là phải dựa vào việc “Dùng mức thưởng lớn để dụ dỗ, dùng hình phạt nặng để uy hiếp”.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 11 - Cải cách của Thương Ưởng(1)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Cải cách của Thương Ưởng (1): Thương Ưởng luận bá đạo làm nước giàu binh mạnh