Cảnh giác với căn bệnh biến chứng cao, đang âm thầm ‘gặm nhấm’ sức khoẻ người Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thống kê (tính đến năm 2022), dân số toàn cầu tăng khoảng 20%, nhưng số người mắc bệnh đái tháo đường lại tăng đến 46%.

Trên phạm vi toàn thế giới, hiện có khoảng 537 triệu người từ 20 – 79 tuổi mắc bệnh tiểu đường, chiếm 10,5% người dân trong độ tuổi này, theo South China Morning Post.

Trích dẫn từ tài liệu của Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế năm 2021, Tiến sĩ William Cefalu tại Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Quốc gia Hoa Kỳ (NIDDK), cho biết trong vòng 6 năm tới, sẽ có khoảng 643 triệu bệnh nhân tiểu đường từ 20 – 79 tuổi; đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 783 triệu.

Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy có khoảng 7 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường.

Mặc dù đái tháo đường là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc đái tháo đường đang gia tăng chóng mặt.

Rất nhiều người ở độ tuổi 25 – 30, thậm chí là tuổi vị thành niên đã mắc đái tháo đường.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương thậm chí từng tiếp nhận một trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2 khi mới 16 tuổi.

Bệnh nhân tên là P.T.T (ở Hà Nội) có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày.

Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân được cho thuốc uống 7 ngày nhưng đường huyết chưa ổn định nên đã chuyển lên tuyến trên.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được thăm khám và kết luận mắc đái tháo đường - rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (bệnh nhân cao 1m70 và nặng 90kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang.

Tiền sử gia đình bệnh nhân có bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường.

Qua tìm hiểu, bệnh nhân thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, chiên rán, ít vận động và ngồi lâu hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.

Các chuyên gia cho rằng phần lớn những người bị đái tháo đường thiếu kiến thức để chăm sóc bệnh, dẫn đến khâu kiểm soát chưa hiệu quả, từ đó làm tăng tỷ lệ biến chứng, lên tới 55%. Các biến chứng chủ yếu là biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và thận.

Ở Mỹ, bệnh tiểu đường và các biến chứng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 7.

Mỗi năm, ước tính khoảng 130.000 người Mỹ bị cắt bỏ chi vì căn bệnh này. Không chỉ đi kèm một loạt vấn đề, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn nhiều ở các nước thu nhập thấp, theo NIDDK.

Có 3 loại tiểu đường: type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ.

  • Tiểu đường type 1: Tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.

Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10 – 14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau.

Dạng này chiếm khoảng 5 – 10% tổng số người mắc bệnh tiểu đường. 95% trường hợp là do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân.

Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc tiếp xúc quá sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.

Một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.

  • Tiểu đường type 2: Cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách, thường được gọi là kháng insulin.

Theo Tiến sĩ Lâm Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, mặc dù là đái tháo đường là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở người trẻ cũng đang tăng lên, chiếm từ 20 – 30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.

Người trẻ mắc bệnh đái tháo đường nhiều vì thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc và béo phì. Tỷ lệ chiếm tới 90 – 95%.

Gia đình có thành viên trong nhà như bố, mẹ, anh em mắc đái tháo đường cũng có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh.

  • Tiểu đường thai kỳ: phát triển ở một số phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Bệnh thường biến mất sau khi sinh con; tuy nhiên, phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn.

Đối với nữ giới trẻ tuổi, nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

Hiện nay, có rất nhiều người tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào nhiều nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Tuy vậy, các bác sĩ đều khẳng định, hiện chưa có bất kỳ biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường.

Do đó, để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra, bác sĩ Hoàng Văn Kết khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn thì nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều trị đúng cách tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra.

Người mắc bệnh tiểu đường phải tìm hiểu kỹ các triệu chứng, đồng thời trao đổi với chuyên gia để nhận được hỗ trợ khi cần. Với những người có nguy cơ cao mắc bệnh, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược phòng ngừa, ngăn chặn biến chứng, tiến sĩ Cefalu lưu ý.

Thay đổi lối sống là giải pháp đã được Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể giúp kiểm soát 2 chỉ số quan trọng là HbA1c (chỉ số phản ánh tình trạng kiểm soát đường trong 3 tháng) và cân nặng, tuy nhiên chưa được người bị đái tháo đường quan tâm đúng mức.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác với căn bệnh biến chứng cao, đang âm thầm ‘gặm nhấm’ sức khoẻ người Việt