Cao Trí Thịnh: Tôi dùng cả đời này để cứu lấy đời sau (1/3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tôi xuất thân rất nghèo, tôi biết cảm giác của người nghèo nên tôi biết mình phải làm gì… Tôi sẽ không coi việc giúp đỡ người khác như bố thí. Tầm nhìn của tôi rất lâu dài, tôi muốn dùng đời này để cứu lấy đời sau!” – Cao Trí Thịnh.

Luật sư nhân quyền

Tháng 8 năm 2017, luật sư bảo vệ nhân quyền Cao Trí Thịnh lại lần nữa mất tích, tính đến nay đã gần 10 năm rồi. Vào ngày 21/9/2020, con gái ông Cao Trí Thịnh là cô Cảnh Cách đã nhận lời mời phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Với vẻ trầm tĩnh, đoan trang, dáng vẻ trang nghiêm và ngữ điệu bình hòa, Cảnh Cách cho biết:

“Cha tôi Cao Trí Thịnh là một luật sư nhân quyền. Ông nổi tiếng vì lên tiếng bảo vệ quyền con người, biện hộ cho quần thể tín ngưỡng và ghi chép tình trạng bức hại nhân quyền tại Trung Quốc. Cũng vì thế mà ông đã nhiều lần bị bắt giam và bị tra tấn khủng khiếp”.

“Chúng ta có trách nhiệm kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc yêu cầu ĐCSTQ phải thả tất cả những nhà hoạt động nhân quyền đã bị bức hại và mất tích. Tôi sẽ mãi mãi không quên: cha tôi cũng là một trong số họ”.

Luật sư Cao Trí Thịnh được ca ngợi là “lương tâm của Trung Quốc”. Ông biện hộ cho quần thể những người yếu thế, cho các tín đồ Cơ Đốc giáo, cho học viên Pháp Luân Công, cho hết thảy những người cần ông đứng lên giúp đỡ. Ông coi sự nghiệp của mình là sứ mệnh cần phải hoàn thành trên thế giới này. Vì sứ mệnh ấy, ông đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh sức khỏe bản thân, hy sinh tương lai đầy hứa hẹn. Trong tâm trí mọi người, ông là một đấng anh hùng, một nhân cách cao thượng hiếm có ở Trung Quốc thời hiện đại.

Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada đặc trách các vấn đề về Á Châu-Thái Bình Dương, từng nói: Cao Trí Thịnh là “một trong những luật sư dũng cảm nhất địa cầu”. Cũng chính vì thế, luật sư Cao đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Hơn mười năm qua, Cảnh Cách và em trai Cao Thiên Vũ vẫn chưa một lần được gặp lại cha. Cao Thiên Vũ cùng chị gái và mẹ rời khỏi Trung Quốc khi mới chỉ 5 tuổi. Tình yêu thương ấm áp cũng như hình tượng cao lớn của cha vẫn còn rất mơ hồ trong tâm trí non nớt của cậu. Những gì cậu bé trải qua trước 5 tuổi là cuộc sống bị kiềm chế mọi mặt, tất cả chỉ là sợ hãi, khủng bố, và những tháng ngày đầy bấp bênh.

Khi đang viết lại câu chuyện này, tôi tìm thấy một bức ảnh cũ của Cao Trí Thịnh. Khi ấy ông mới hơn 40 tuổi, trên thân khoác chiếc áo màu xanh đậm, thần thái bình hòa, tự nhiên, phía sau lưng là con đường đã được dọn sạch tuyết, xa hơn nữa là những ngọn đồi phủ tuyết trắng, đây đó ẩn hiện một số ngôi nhà hang và vài cây lưa thưa đã trụi lá. Lúc ấy là mùa đông giá lạnh, quang cảnh vắng tanh chỉ thấy lác đác một vài người. Rất có thể đây chính là cảnh tượng ở Thiểm Tây quê ông.

Cao Trí Thịnh ở Thiểm Bắc (Ảnh: Diệp Sương)

Cao Trí Thịnh là người huyện Giai, thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây. Ông bước ra khỏi bối cảnh của bức ảnh này, bước ra khỏi những ngôi nhà hang nghèo khó, bước ra khỏi cuộc sống của người nông dân cùng khổ để trở thành một trong những luật sư vĩ đại nhất Trung Quốc thời hiện đại.

Khi tìm kiếm tư liệu liên quan đến Cao Trí Thịnh, tôi không khỏi choáng ngợp trước số lượng đồ sộ bài viết trên internet. Đó là những cuốn sách và bài báo mà ông viết, lại có cả những cuốn sách và bài báo mà người khác viết về ông, đó là chưa kể đến vô số báo cáo tin tức cũng như phim tài liệu và thơ ca về cuộc đời của ông.

Năm 2001, gần 10 năm kể từ khi bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 1996, Cao Trí Thịnh đã được Bộ Tư pháp Trung Quốc bình chọn là một trong “mười luật sư hàng đầu Trung Quốc”. Vụ kiện đầu tiên mà Cao Trí Thịnh đảm nhận là hoàn toàn miễn phí. Sau đó, mỗi năm ông đều dành một phần ba thời gian và sức lực để bào chữa không thù lao cho những người nghèo và người sống dưới đáy xã hội.

Trong khi các luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh có thu nhập lên tới hàng chục triệu Nhân dân tệ mỗi năm thì thu nhập của văn phòng Cao Trí Thịnh chỉ bằng một phần mười con số ấy. Thế nhưng, ông vẫn tình nguyện làm một luật sư miễn phí. Lý do là vì ông không thể thoát ly khỏi người nghèo, đây là kênh trực tiếp nhất giúp ông thấu hiểu tầng đáy xã hội. Hơn nữa, bản thân Cao Trí Thịnh cũng xuất thân từ tầng lớp bần cố nông. Khi thấy những người nghèo ở thế cùng đường đến cầu xin ông trợ giúp, khi nghe họ kể về nỗi oan khuất và thống khổ không bút mực nào tả xiết, đôi mắt Cao Trí Thịnh thường nhạt nhòa rơi lệ.

Bà Cảnh Hòa, vợ của Cao Trí Thịnh nhớ lại: Dịp Giáng Sinh năm ấy bà đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn đợi chồng trở về. Nhưng thấy thấy chồng về nhà mà nét mặt lại âu sầu, Cảnh Hòa liền hỏi: “Hôm nay anh sao thế?”

Cao Trí Thịnh đáp: “Tối nay đi trên đường, thấy những con phố rực rỡ ánh đèn, anh cảm giác như mình đã rời xa khỏi xã hội này, không còn hòa nhập vào xã hội ấy nữa, Bởi vì anh càng kiếm được nhiều tiền thì các đương sự của anh lại càng thêm khổ nạn”.

Cảnh Hòa biết rằng, trong mỗi vụ án mà ông đảm nhận, Cao Trí Thịnh đều dồn hết tâm tư và trách nhiệm vào đó. Đúng vậy, ông thực sự đã nhìn thấy điểm tương phản này. Ngoài ánh đèn hào nhoáng chốn thị thành, những gì ông tiếp xúc đều là những người bần cùng, yếu thế, bất lực và tuyệt vọng. Vậy nên từ đáy lòng mình, ông nguyện đưa tay ra hết lòng giúp đỡ họ.

Có phải vì Cao Trí Thịnh xuất thân từ nghèo khó nên ông mới lựa chọn như vậy? Chuỗi ngày bần cùng khốn khó thời thơ ấu với ông là trải nghiệm khắc cốt ghi tâm. Điều quan trọng hơn là ông có một người mẹ bình thường nhưng vĩ đại. Mẹ đã để lại cho ông một gia tài tinh thần lớn lao – đó là kiên nhẫn, tấm lòng thiện lương và một tâm hồn rộng mở.

Người mẹ vĩ đại

Trong bài báo viết về mẹ, Cao Trí Thịnh kể:

Khi mẹ gả cho cha, gia đình nhà nội nghèo xơ xác. Cuộc hôn nhân bắt đầu từ nghèo khó ấy đã tồn tại được 22 năm, từ đầu đến cuối chỉ có một điều không thay đổi, đó là nghèo. Ước nguyện ấp ủ cả đời của cha là một ngày nào đó sẽ được no bụng. Nhưng sau khi cha qua đời, ước muốn no bụng của ông lại trở thành mục tiêu của mẹ để duy trì sự sống cho cả gia đình. Lúc ấy, mẹ tôi và bảy đứa con thơ đều lâm vào hoàn cảnh cùng đường tuyệt vọng.

Để các con có thể tiếp tục sống sót, mẹ tôi quần quật làm việc bất kể ngày đêm. Ban ngày bà vất vả làm ngoài đồng ruộng, ban đêm lại liên tục quay tơ, đây là điều đảm bảo cho đàn con có đủ áo mặc. Chưa đến nửa năm mẹ tôi đã gầy gò như que củi, nhưng nỗi cực nhọc của bà vẫn không thể đảm bảo cho con cái có thể tiếp tục sống. Vì vậy, như một lẽ tự nhiên tất cả anh em tôi đều tự nguyện dùng hết mọi khả năng để giảm bớt gánh nặng cho mẹ.

Tôi nhớ đêm Giao thừa đầu tiên sau khi bố qua đời, trong nhà lại càng xác xơ không xu dính túi. Buổi sáng ngày 30 tháng Chạp ấy, một người chú từ xa mang đến cho chúng tôi một cân ba lạng thịt lợn, hơn một cân thịt cừu và hai cân mì trắng. Đêm Giao thừa, tất cả anh em tôi ngồi quanh lò nướng. Mẹ đốt lò nóng hừng hực, hầm chín những miếng thịt đã cắt nhỏ. Tất cả anh em tôi không một ai bưng bát cầm đũa, chỉ có mẹ bưng bát và dùng đũa gắp cho mỗi đứa hai miếng.

Có lẽ suốt cuộc đời này Cao Trí Thịnh không bao giờ quên hương vị món thịt ngày ấy. Giao thừa năm đó, ông và các anh chị em được ăn những miếng thịt thơm ngon nhất trên thế giới, sống trong căn nhà hang ấm áp nhất địa cầu.

Buổi sáng mùng 1 khi mặt trời vẫn còn chưa ló rạng, cả gia đình vây quanh chiếc đèn dầu, bận rộn trộn một cân thịt cừu và hai cân mì trắng với củ cải đã thái sợi để làm sủi cảo. Cao Trí Thịnh hồi tưởng lại: Buổi sáng hôm ấy chúng tôi được ăn món sủi cảo ngon nhất thế gian. Mặc dù số lượng có hạn, không thể đủ cho anh em tôi ăn no, nhưng mẹ đã dùng trái tim và tình yêu chứ không phải tiền tài hay của cải để bầy con thơ được sống những năm tháng hạnh phúc nhất mà suốt cả đời này chúng tôi không thể nào quên.

Ông Biden cần học theo một cố Tổng thống Mỹ trong cách đối xử với Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền
Ông Cao Trí Thịnh tại ngôi nhà thời thơ ấu của mình vào năm 2007, trước khi ông bị bắt và tra tấn. (Ảnh: The Epoch Times)

Sau khi cha qua đời, Cao Trí Thịnh và cậu em trai 10 tuổi thường lên núi hái thuốc để đổi lấy hạt cao lương duy trì sự sống cho cả gia đình. Mặc dù cuộc sống khốn khổ là vậy, nhưng người mẹ tần tảo vẫn cố gắng để các con, trừ con trai cả và con gái đầu lòng, được học hết cấp hai. Trong một bài báo Cao Trí Thịnh viết: Mẹ tôi là người có tầm nhìn rất xa.

Trường trung học Cổ Thành nơi Cao Trí Thịnh theo học nằm trên ngọn núi cao cách nhà 10 km. Nhà trường quy định các học sinh ký túc trong trường phải trả 8 xu tiền ăn mỗi ngày, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể trang trải được nên Cao Trí Thịnh phải đi bộ đến trường. Trong ba năm trung học ấy, mẹ ông không có đêm nào được ngon giấc. Lúc ấy cả thôn không có đồng hồ, muốn biết thời gian thì phải nhìn bầu trời. Trong giấc mộng của Cao Trí Thịnh, mỗi đêm mẹ nhiều lần ra cửa ngắm sao trời. Những đêm nhiều mây bà gần như không dám ngủ, chỉ đành dựa vào cảm giác để phán đoán thời gian. Mẹ đã hy sinh giấc ngủ của mình để đảm bảo rằng suốt ba năm học con trai không đến muộn dù chỉ một lần. Sau này lớn lên, ông đã đã báo đáp mẹ theo cách riêng của mình.

Tốt nghiệp cấp 2, Cao Trí Thịnh thi đỗ vào trường cấp 3 trọng điểm của huyện, nhưng vì nghèo khó nên ông đành gác lại sự nghiệp học hành. Thế nhưng ba năm trung học ấy đã đặt định nền móng quan trọng nhất cho cuộc đời của Cao Trí Thịnh, và tất nhiên thành quả ấy là do ông và mẹ cùng sáng tạo nên.

Trong gia đình nghèo khổ ấy, nhờ lòng kiên trì của mẹ mà trong số bảy anh chị em thì có tới năm người được học xong trung học. Đây là một kỳ tích, và tác giả của kỳ tích ấy chính là người mẹ kiên nhẫn và thiện lương của Cao Trí Thịnh.

Mẹ của Cao Trí Thịnh là người kính Thần tín Phật. Mặc dù cả đời sống trong cảnh nghèo túng, bần cùng, nhưng bà đã dùng sức mạnh đạo đức và tình thương để giáo dục những đứa con của mình. Cao Trí Thịnh có rất nhiều ký ức không thể nào quên: Bảy anh chị em quá đói khát nên ăn trộm trái cây của người khác, và lần nào cũng bị mẹ trừng phạt nghiêm khắc.

Mỗi khi có khả năng, mẹ lại mua đồ ăn ngon mời bà nội, lúc ấy tất cả lũ trẻ trong nhà đều bị cấm không được tới gần phòng bà nội nửa bước. Nhưng cho dù con dâu có hiếu thảo đến mấy thì bà nội vẫn không ngừng chửi rủa, lúc duy nhất không có tiếng chửi vào những khi bà nội ăn cơm, ngủ, và khi mẹ vắng nhà. Cho dù mẹ bị nạt nộ đến nước mắt giàn giụa, nhưng mỗi bữa mẹ đều múc bát cháo đầy nhất, đặc nhất bưng lên mời bà nội. Phần cháo loãng ít ỏi còn lại được phân phát cho những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn trong nhà.

Mẹ ông ngày ngày phải chịu đựng tiếng mắng chửi của bà nội, mặc dù rất thương tâm, ủy khuất, nhưng bà vẫn dạy các con rằng: Bà nội hồi trẻ đã phải chịu tang chồng, tuổi già lại phải chịu tang con, sống thật không hề dễ dàng gì. Trong thế giới của bà chỉ có chúng ta là thân nhân, bà nội lại không thể mắng chửi người khác. Nếu mắng chúng ta mà bà có thể giải tỏa nỗi phiền muộn đáng thương của người già, vậy thì nhẫn chịu một chút cũng không vấn đề gì.

Mẫu thân đã sống trong cảnh nghèo khó suốt 60 năm, nhưng không vì bản thân bần cùng mà ảnh hưởng việc giúp đỡ người khác. Việc bà giúp đỡ những người nghèo xin ăn đã được cả vùng biết đến. Cho dù họ đến từ đâu, có bao nhiêu người, bà đều tiếp đãi những vị khách bất đắc dĩ đến nhà mình. Bà không chỉ cho họ ăn mà còn thu xếp cho họ chỗ ngủ tử tế.

Vào một ngày hè nọ, một bà mẹ dẫn con đến ăn xin, nhưng lúc ấy trong nhà không có một hạt gạo. Bà mẹ ăn xin thất vọng toan dẫn con rời đi. Mẹ ông liền bảo họ đợi một lát rồi chạy ra vườn, một lúc sau bà quay lại, trong tay cầm hai bắp ngô non đưa cho bà mẹ ăn xin ấy.

Mỗi năm Cao Trí Thịnh đều về thăm quê nhà vào dịp Tết, khi ấy ông lại thấy trong nhà có một số người lạ mặt, bộ dạng rách rưới đang vui vẻ ngồi ăn cơm với cả gia đình. Mỗi khi hỏi mẹ, bà chỉ cười đáp rằng: “Họ là thân thích của nhà ta”. Đúng vậy, suốt cuộc đời mình, mẹ Cao Trí Thịnh luôn coi những người nghèo khổ là thân nhân của mình.

Hơn 20 năm sau, khi Cao Trí Thịnh trở thành luật sư có tiếng trong tầng lớp bần cố nông yếu thế, rất nhiều người phải chống nạng, ngồi xe lăn, không có khả năng trả phí đã tìm đến văn phòng của ông. Nhớ đến mẫu thân đã từng hết lòng giúp đỡ người nghèo, ông lại nở một nụ cười hiền hậu, giang rộng vòng tay chào đón những khách hàng của mình.

Trong bài viết kể về mẫu thân, Cao Trí Thịnh viết: Mẹ tôi là người có sức mạnh đạo đức, cây bút này trong tay tôi không cách nào mô tả hết sự giàu có về phương diện sức mạnh đạo đức mà mẹ tôi đã tích lũy được. Phẩm cách vĩ đại của mẹ có ảnh hưởng sâu sắc tới chúng tôi, ban cho chúng tôi sự giàu có tinh thần vô tận.

(Còn tiếp)

Theo Tề Ngọc - Epoch Times đăng lại từ SOH
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cao Trí Thịnh: Tôi dùng cả đời này để cứu lấy đời sau (1/3)