Câu chuyện tu luyện của Phật Mật Lặc Nhật Ba (3): Gia đình Mật Lặc phát đạt, phụ thân qua đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phật Mật Lặc Nhật Ba tiếp tục kể:

Ông nội Kim Cang Sư Tử của ta chưa bao giờ bị thất bại thảm hại như thế này, nên trong tâm vô cùng không phục, bèn hẹn tay cờ bạc bịp đó tái đấu. Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, không biết tay cờ bạc bịp đó cố ý hay vận đen, 3 ngày liền đều thua Kim Cương Sư Tử. Thế là tay cờ bạc bịp đưa ra lời thách thức quyết định cuối cùng với Kim Cang Sư Tử: “Kim Cang Sư Tử, mấy hôm nay ngày nào ta cũng thua, ta muốn ngày mai chúng ta dốc hết tiền của tài ra ra, ngựa, bò, ruộng đất, lông cừu, của cải, quần áo, đồ trang sức, bỏ hết ra để đặt cược, mời người làng làm chứng, ký giao ước, rồi đấu với nhau trận cuối cùng. Thắng hay thua đều không được hối hận thay đổi. Không biết anh có đồng ý với ta quyết chiến trận cuối cùng tranh cao thấp không?”

Kim Cang Sư Tử không hề do dự đồng ý ngay.

Ngày hôm sau, người trong làng vây quanh chứng kiến cuộc đánh bạc của hai người. Hai người căng thẳng lắc xóc đĩa. Kết cuộc, Kim Cang Sư Tử bị thua sạch không còn thứ gì.

Trong tình hình này, ông nội Kim Cang Sư Tử của ta đành phải rời khỏi gia tộc và quê hương, đi lưu lạc. Phụ thân của ông nội, cụ Đa Đốn Sinh Cấp, đưa ông nội đến một nơi là Gia Nga Trạch ở giữa Mang Địa và Cống Thông, và sinh sống ở đó. Cụ Đa Đốn Sinh Cấp tinh thông chú thuật, có thể hàng yêu, lại giỏi chữa bệnh, cụ liền dựa vào những thuật này mưu sinh, thu nhập rất cao.

Kim Cang Sư Tử cũng cải tà quy chính, từ bỏ thói xấu cờ bạc, một lòng một dạ làm ăn. Mùa đông, ông vận chuyển lông cừu đến miền nam để bán, mùa hạ, ông đến các bãi chăn thả ở phương bắc để mua bò, cừu. Ngoài ra, ông còn qua lại giữa Cống Thông và Mang Địa kinh doanh một số món buôn bán nhỏ. Kết quả của sự cần cù chịu khó là ông đã tích lũy được rất nhiều tài sản.

Kim Cang Sư Tử sau này kết hôn với một cô gái xinh đẹp ở địa phương, sinh một con trai, đặt tên là Mật Lặc Tưởng Thái.

Lúc này cụ tằng tổ Đa Đốn Sinh Cấp của ta đã rất già, và sau đó đã qua đời vì bệnh tật rồi. Sự chăm chỉ chịu khó của ông nội Kim Cang Sư Tử trong nhiều năm, khiến ông dần dần trở nên giàu có. Ông dùng lượng lớn tiền bạc đổi được mảnh ruộng tốt phì nhiêu hình tam giác. Vì mảnh ruộng đó hình tam giác nên ông đặt tên là Ruộng Tam giác Nga Mã. Ngoài ra, ông còn mua một ngôi nhà lớn ở gần đó.

Người cha Mật Lặc Tưởng Thái của ta đến năm 20 tuổi kết hôn với Bạch Trang Nghiêm Mẫu. Bạch Trang Nghiêm Mẫu là con gái của một phú hào địa phương, bà là người thông minh, tài giỏi. Cả nhà sống những ngày hạnh phúc trong cảnh giàu có mỹ mãn,

Sau một thời gian, họ xây một ngôi nhà lớn 3 tầng ở bên ruộng Tam giác Nga Mã, bên cạnh nhà lại xây một nhà kho và một nhà bếp lớn. Giống như mảnh ruộng hình tam giác, phụ thân ta đã đặt tên ngôi nhà theo hình dáng của nó, do ngôi nhà có 4 cột trụ lớn và 8 chiếc dầm lớn, nên gọi nó là Nhà Tứ trụ Bát lương (4 trụ 8 dầm).

Lúc này, những người thân thích họ hàng ở quê của cụ tằng tổ Mật Lặc Đa Đốn Sinh Cấp, nghe nói Kim Cương Sư Tử ở Gia Nga Trạch vô cùng giàu có, vô cùng may mắn, thế là người anh họ của Mật Lặc Tưởng Thái là Ung Trọng Tưởng Thái, và em gái của ông ấy là Quỳnh Sát Ba Chính cũng di cư đến Gia Nga Trạch.

Phụ thân Mật Lặc Tưởng Thái của ta rất yêu thương và bảo vệ những người họ hàng, dốc hết sức trợ giúp họ, cho họ mượn tiền, dạy họ buôn bán. Chẳng bao lâu họ cũng trở nên giàu có.

Thời gian trôi đi rất nhanh, mấy năm sau, Bạch Trang Nghiêm Mẫu có thai. Lúc này Mật Lặc Tưởng Thái đang ở miền nam buôn một lô hàng lớn đem đến bãi chăn thả ở thảo nguyên miền bắc.

Ngày lành ngày 25 tháng 8 mùa thu năm đó, mẫu thân Bạch Trang Nghiêm Mẫu của ta đã sinh ra ta. Mẫu thân lập tức sai người đưa thư đến phụ thân Mật Lặc Tưởng Thái. Trong thư có viết rằng: “Thiếp đã sinh một bé trai, chàng nên nhanh chóng trở về để đặt tên, và chuẩn bị tiệc mừng thết đãi bạn bè thân thích. Mùa thu hoạch cũng đã đến gần, mong chàng lập tức trở về”.

Người đưa thư đã chuyển bức thư đến cho phụ thân ta. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Rất nhanh chóng, người đưa thư đã chuyển bức thư đến, đồng thời người đưa thư còn kể lại chi tiết miêu tả em bé mới sinh, và tình hình trong gia đình, thúc giục phụ thân ta sớm trở về, đặt tên và chúc mừng cho ta. Trong tâm phụ thân vô cùng vui mừng, cười và nói: “Tốt quá rồi, tốt quá rồi. Tên đứa trẻ đã có rồi. Gia đình Mật Lặc chúng ta, mỗi đời chỉ sinh 1 con trai. Nghe tin sinh được con trai, ta vui mừng lắm, vậy nên đặt tên cho nó là Văn Hỉ đi”.

Thế là phụ thân vội vàng kết thúc buôn bán, nhanh chóng trở về nhà, đặt tên cho ta là Văn Hỉ.

Sau này ta lớn lên, thích hát. Những người từng nghe ta hát, không ai là không yêu thích giọng hát của ta, do đó mọi người đều nói: “Văn Hỉ, hễ nghe thấy giọng hát của cậu thì chúng tôi đều vui mừng. Cái tên này quả thực được đặt rất đúng”.

Năm ta 4 tuổi, mẫu thân lại sinh ra một tiểu muội. Trước đó mẫu thân đã nói: “Nếu là con trai, thì đặt tên là Cống Mạc, nếu là con gái, thì đặt tên là Tì Đạt”.

Vì sinh ra con gái, nên đã đặt tên là Tì Đạt.

Ta vẫn nhớ tiểu muội và ta khi còn nhỏ mặc quần áo đều là lụa tốt nhất, trên đầu đeo đầy các đồ trang sức châu báu. Người ra vào trong nhà đều là những người có tiền có thế, người hầu cũng một đám lớn. Khi đó những người ở Gia Nga Trạch thường tự nói: “Những kẻ lưu lạc từ xa đến, giờ đây lại giàu sang như thế này. Ngựa bò ruộng đất bên ngoài, lương thực của cải bên trong, ăn không hết, mặc không hết, thực sự là gặp vận may lớn quá rồi”.

Mọi người đều rất ngưỡng mộ nhưng cũng đố kỵ với nhà ta. Nhưng cảnh đẹp không được lâu, cuộc sống mỹ mãn này chưa được bao lâu thì phụ thân Mật Lặc Tưởng Thái đã qua đời rồi.

Nhạ Quỳnh Ba lại hỏi: “Thượng sư, phụ thân của thầy sau khi qua đời, thì thầy có phải chịu nỗi thống khổ rất lớn không? Nghe nói cảnh ngộ của thầy là khốn khổ nhất. Thầy có thể kể lại cho chúng con được không ạ?”

Phật Mật Lặc Nhật Ba mỉm cười và nói:

Được rồi, ta sẽ kể cho các con nghe. Khi ta 7 tuổi thì phụ thân bị bệnh nặng, các thầy thuốc đều bó tay hết cách. Các thầy toán mệnh cũng nói, bệnh của phụ thân là không có hy vọng rồi. Bạn bè thân thích đều biết phụ thân bệnh nặng không ngồi dậy nổi. Bản thân phụ thân cũng biết mình đã bị bệnh nguy hiểm rồi, bèn quyết định trước khi qua đời, sắp xếp cho 3 mẹ con nhà ta và xử lý gia sản.

Phụ thân cho mời bá phụ bá mẫu, bạn bè thân thích gần xa, và hàng xóm láng giềng của nhà ta đến, tập trung ở trong nhà, rồi đọc di chúc mà ông đã chuẩn bị trước cho mọi người nghe. Trong di chúc đã nói rõ ràng: Toàn bộ tài sản đều do con trai trưởng kế thừa.

Sau khi đọc xong di chúc, phụ thân chậm rãi nói: “Sau khi tôi chết, dùng một phần tài sản của tôi để an trí cho hậu sự của tôi. Số tài sản còn lại, muốn nhờ các vị có mặt ở đây, đặc biệt là bác và cô giúp 3 mẹ con Bạch Trang Nghiêm Mẫu trông coi. Đợi đến khi Văn Hỉ trưởng thành, lấy vợ, thì nghênh đón cô nương Kết Trại - người đã được ước hẹn đính hôn từ trước rồi, cưới về nhà. Đến lúc đó, thì tài sản của tôi sẽ do Văn Hỉ thừa kế quản lý. Cuộc sống của 3 mẹ con họ, xin bác và cô chăm sóc giúp. Xin các vị hãy quan tâm, đừng để 3 mẹ con họ chịu khổ. Sau khi tôi chết, tôi cũng sẽ quan sát họ từ khe hở của quan tài”.

Sau khi nói xong, ông bỏ lại mẹ con ta ra đi.

(Còn tiếp)

Jing Di Academy
Tường Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện tu luyện của Phật Mật Lặc Nhật Ba (3): Gia đình Mật Lặc phát đạt, phụ thân qua đời