Chỉ vì hai câu thơ mà trượt mất trạng nguyên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có người nhờ đôi câu đối mà được phong làm trạng nguyên, lại có người chỉ vì hai câu thơ mà để vuột mất vị trí đứng đầu trên kim bảng.

Vào thời nhà Minh, ở vùng nọ có một vị thư sinh trẻ tuổi, học thức vô cùng uyên bác. Một ngày khi đang tản bộ trong khu rừng vắng, chàng thư sinh thấy trước mặt xuất hiện một dòng suối. Dòng suối không quá sâu, mực nước chỉ vừa tới bắp chân, chỉ cần vén ống quần lên là có thể dễ dàng lội qua.

Chàng thư sinh cởi giày, xắn ống, vừa mới chạm bàn chân xuống nước thì bỗng thấy một cô nương từ xa bước đến, dừng lại ngay bên cạnh anh. Cô gái ấy tuổi chừng mười tám, dung mạo xinh đẹp tú lệ, cử chỉ nhẹ nhàng, phong thái đoan trang như một tiểu thư cành vàng lá ngọc. Vị cô nương ngập ngừng nhìn dòng suối, do dự hồi lâu vẫn chưa dám lội xuống, giống như muốn sang bờ bên kia nhưng lại tiếc vì không có cầu bắc ngang qua vậy.

Chàng thư sinh nói: “Mỹ nhân, nàng muốn qua suối phải không?”.

Cô gái mỉm cười e thẹn, thư sinh lại nói tiếp: “Mỹ nhân, xem ra nàng muốn đi qua nhưng lại không tiện lội xuống nước, vậy phải làm sao đây?”

Cô gái cúi đầu ngầm xác nhận lời chàng nói, đôi má ửng hồng để lộ ra vẻ ngượng ngùng. Chàng thư sinh bật cười: “Lưng của tôi có thể làm thuyền cõng nàng qua suối, nàng thấy thế nào?”

Cô gái khẽ gật đầu với anh.

Sau đó vị cô nương quàng tay bám vào vai thư sinh, còn chàng cũng nhẹ nhàng đỡ lấy chân cô gái, cõng cô xuống nước. Khi lội đến giữa dòng, chàng thư sinh nhìn xuống thấy nước suối trong veo, phản chiếu bóng hình yêu kiều của cô gái. Anh cảm thấy trong lòng xao xuyến, bất giác khe khẽ ngâm đôi câu thơ rằng:

“Ngọc nữ độ ngân hà,
Hồng quần tráo lục ba…”

(Ngọc nữ vượt sông bạc,
Váy đỏ phủ sóng xanh…)

Khi bài thơ vẫn còn dang dở chưa xong thì hai người đã đến bờ bên kia. Cô gái trên lưng chàng nhẹ nhàng trượt xuống, ngâm tiếp hai câu thơ kết bài:

“Chỉ nhân thi lưỡng cú,
Đoạt khước trạng nguyên khoa!”

(Chỉ vì hai câu thơ,
Bị đoạt mất trạng nguyên!)

Cô gái vừa dứt lời liền cười vang một tiếng rồi biến mất.

Chàng thư sinh giật mình kinh ngạc, trong phút chốc đột nhiên hiểu ra tất cả: Cô nương ấy chính là nữ Thần hóa thân để thử thách lòng anh. Anh nhận ra hai câu thơ của mình có phần buông thả, phóng túng, nội dung cợt nhả, có ý trêu hoa ghẹo nguyệt, để lộ ra tư cách thấp kém của người đọc sách Thánh hiền. Càng nghĩ anh lại càng ân hận, anh hiểu rằng nữ Thần không hài lòng về phẩm đức của mình. Nhưng hai câu thơ cuối mà nữ Thần để lại, rốt cuộc là có ý gì? Anh cố suy nghĩ mãi nhưng vẫn chưa thể hiểu được thấu đáo.

Sau này, đến năm Ất Sửu giữa những năm Thiên Thuận thời Minh Anh Tông, chàng thư sinh lên kinh ứng thí và thi đỗ tiến sĩ. Tiến sĩ đứng ở vị trí thứ hai trên bảng vàng, xếp sau trạng nguyên. Lúc này anh mới hiểu ra rằng: Đáng lẽ anh đã có thể làm tân khoa trạng nguyên, đứng đầu kim bảng. Nhưng chỉ vì hai câu thơ dung tục năm xưa mà để lộ ra tâm thái bất chính, do đó Thần đã tước bỏ tư cách Trạng nguyên, giáng anh xuống vị trí thứ hai trên bảng vàng.

Thần luôn ở bên cạnh chúng ta mọi thời mọi khắc, giám sát và theo dõi mỗi từng câu nói, mỗi từng hành vi của chúng ta. Dân gian có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, quả đúng là như vậy.

(Nguồn tư liệu: “Nhĩ Thực Lục” của Lạc Quân, thời nhà Thanh. Bài gốc đăng trên Zhengjian.org và đăng lại trên Epoch Times Hoa ngữ)

Theo Lục Văn - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chỉ vì hai câu thơ mà trượt mất trạng nguyên