Chính quyền thành phố New York: Mạng xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trưởng New York, ông Eric Adams và Giám đốc Sở Y tế New York (DOHMH), Tiến sĩ Ashwin Vasan đã công bố "Báo cáo Đặc biệt về Mạng xã hội và Sức khỏe Tâm thần" vào ngày 20/6. Báo cáo khẳng định rằng mạng xã hội gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của người dùng, đặc biệt là giới trẻ, và cần phải nhanh chóng có biện pháp can thiệp và phòng ngừa.

Đây là báo cáo đầu tiên trên toàn quốc do một cơ quan y tế công cộng phát hành. Báo cáo bao gồm kết quả của hai cuộc khảo sát mới nhất, khảo sát 22.484 trẻ em từ 5 đến 17 tuổi sinh sống tại thành phố New York, cùng với các bậc cha mẹ hoặc người giám hộ, để tìm hiểu về thói quen sử dụng mạng xã hội của cha mẹ và trẻ em, cũng như ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tâm thần.

Thị trưởng Adams cho biết, kết quả của cuộc khảo sát một lần nữa khẳng định điều mà mọi người đã biết - môi trường độc hại trên các nền tảng mạng xã hội gây hại cho thanh thiếu niên. Cần phải nhanh chóng có hành động để giải quyết vấn đề này và không thể để trẻ em tiếp tục bị ảnh hưởng.

Kết quả khảo sát trong báo cáo cho thấy:

(1) Hầu hết trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn đều sử dụng mạng xã hội. Hơn 40% bậc cha mẹ được phỏng vấn cho rằng con họ sử dụng mạng xã hội "quá mức", và 78% bậc cha mẹ cho rằng chính phủ nên hạn chế loại mạng xã hội mà thanh thiếu niên có thể sử dụng.

(2) Theo báo cáo, tỷ lệ phụ huynh của thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội tại New York cho rằng con họ mắc chứng lo âu cao hơn 27% so với phụ huynh của thanh thiếu niên không sử dụng mạng xã hội. Tỷ lệ phụ huynh cho rằng con họ mắc chứng trầm cảm cũng cao hơn 14%. Ngoài ra, những bậc cha mẹ sử dụng mạng xã hội cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm hoặc lo lắng hơn những bậc cha mẹ không sử dụng mạng xã hội.

(3) Tần suất sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên tỷ lệ thuận với tỷ lệ các vấn đề hoặc triệu chứng về sức khỏe tâm thần. Trong số thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội hàng ngày, 90% cho biết cảm thấy lo lắng và 56% cho biết có triệu chứng trầm cảm.

(4) Hầu hết thanh thiếu niên được phỏng vấn đều nói rằng họ lên mạng xã hội để giải trí, để học hỏi những điều mới hoặc vì buồn chán. Những thanh thiếu niên cho rằng sự nhàm chán là lý do hàng đầu để sử dụng mạng xã hội, họ lo lắng về tương lai hơn những bạn sử dụng mạng xã hội vì những lý do khác.

(5) Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội và các tác động của nó khác nhau tùy theo mức độ giàu nghèo của cộng đồng và loại trường học mà người dùng mạng xã hội đang theo học. Thanh thiếu niên sống ở những khu vực cực kỳ nghèo đói sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn, khoảng 10% so với thanh thiếu niên sống ở các cộng đồng giàu có.

(6) Học sinh trường công hoặc trường bán công sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn học sinh trường tư.

Mở rộng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về các rủi ro khi sử dụng mạng xã hội; Triển khai các chương trình về an toàn mạng xã hội và nâng cao kỹ năng số (digital literacy) để giúp thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội một cách có kiểm soát; Mở rộng các nguồn lực cộng đồng, cung cấp các lựa chọn giao tiếp xã hội ngoài môi trường trực tuyến; Xây dựng và thực thi các quy định quản lý, yêu cầu các công ty mạng xã hội tăng cường kiểm duyệt nội dung, cải thiện các tính năng và bảo vệ quyền riêng tư; Tiếp tục nghiên cứu về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên.

Việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội đã gần như trở thành một nhận định chung của toàn xã hội. Ngay trong cùng ngày báo cáo được công bố, Thống đốc New York đã thông qua Đạo luật "Ngăn chặn Khai thác Thông tin Gây Nghiện cho Trẻ em" (Stop Addictive Feeds Exploitation for Kids Act) và "Đạo luật Bảo Vệ Dữ Liệu Trẻ Em New York" (The New York Child Data Protection Act), nhằm ngăn ngừa những tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền thành phố New York: Mạng xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ