'Chớ mưu cầu hư vinh' - cách giáo dục con của danh tướng xưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao những người hiển đạt, có người thì con cái ăn chơi hưởng lạc, phá tan sự nghiệp của cha ông, nhưng có người lại kế thừa được sự nghiệp tiền nhân, vinh danh tiên tổ? Sự khác biệt này chính là sự khác biệt trong việc giáo dục con cái khi còn nhỏ.

Danh tướng Thích Cảnh Thông triều Minh đến khi tuổi tác đã cao mới có con trai, năm ông 56 tuổi mới có con trai Thích Kế Quang, nên ông vô cùng yêu thương con. Ông đích thân dạy con đọc sách luyện võ. Ông yêu cầu vô cùng nghiêm khắc về việc tu dưỡng phẩm hạnh của Thích Kế Quang.

Năm Thích Kế Quang 13 tuổi, một ngày nọ cậu đi đôi giày lụa rất cầu kỳ, trong lòng cảm thấy rất thoải mái dễ chịu, nên đi vài vòng quanh sân trước. Thế là bị phụ thân trông thấy. Thích Cảnh Thông gọi con vào thư phòng, tức giận giáo huấn con rằng: “Đi giày thượng hảo, ắt sẽ còn muốn mặc y phục đẹp. Mặc y phục đẹp ắt sẽ còn muốn ăn đồ ăn ngon. Con tuổi còn nhỏ mà đã muốn ăn ngon mặc đẹp, thì sau này sẽ lòng tham vô đáy, lớn lên sẽ truy cầu lụa là gấm vóc, sơn hào hải vị. Nếu làm võ quan, không chừng còn ăn bớt lương bổng của binh sĩ. Nếu tiếp tục như thế, con khó mà kế thừa sự nghiệp của cha được”.

Sau đó tuy biết đôi giày lụa này là do ông ngoại của Thích Kế Quang tặng cháu, nhưng Thích Cảnh Thông vẫn bảo con tháo ra và xé ngay tại chỗ, để tránh cho con trai từ nhỏ đã hình thành thói quen xấu xa xỉ.

Một năm nọ, hơn chục gian nhà tranh của nhà họ Thích do đã nhiều năm không được tu sửa, đã hư hại xuống cấp lắm rồi. Thích Cảnh Thông mời mấy người thợ đến để sửa chữa. Vì để có một nơi tiếp đãi các mệnh quan triều đình, ông bảo thợ lắp 4 cánh cửa điêu khắc hoa văn ở sảnh chính, sai Thích Kế Quang giám sát.

Những người thợ cho rằng, nhà họ Thích là danh da vọng tộc, mà chỉ lắp 4 cánh cửa điêu khắc hoa văn, thì có vẻ nhỏ mọn quá, nên họ nói với Thích Kế Quang rằng: “Nhà công tử là nhà tướng, gia tộc lớn sự nghiệp lớn, nên tất cả các cửa trong ngoài đều lắp cửa điêu khắc hoa văn, tổng cộng là 12 cánh cửa, như thế mới tương xứng với danh vọng nhà công tử”.

Thích Kế Quang cảm thấy có lý, nên đã đưa ra đề nghị này với phụ thân. Kế Cảnh Thông nghiêm khắc trách mắng con về ý tưởng thích hư vinh, thích hoành tráng này, và răn dạy con rằng: “Từ nhỏ ham muốn hư vinh, lớn lên sẽ không thể làm được việc lớn”.

Thích Kế Quang tiếp nhận lời phê bình của cha, dẫn thợ lắp 4 cánh cửa điêu khắc hoa văn.

Thích Cảnh Thông còn giáo dục Thích Kế Quang rằng, mục đích của đọc sách luyện võ không phải là truy cầu công danh phú quý cá nhân, mà là để làm lợi cho nước lợi cho dân. Do đó cần học tập tu dưỡng những phẩm hạnh đạo đức như Trung (trung thành) Hiếu (hiếu kính) Liêm (liêm khiết) Tiết (tiết kiệm)”.

Dưới sự dạy bảo và bản thân làm gương của phụ thân, Thích Kế Quang an bần lạc đạo, dốc chí học tập, khổ luyện võ nghệ, sau này trở thành một danh tiếng lưu danh sử sách.

Truy cầu hư vinh sẽ mài mòn ý chí của con người, cuối cùng khiến người ta cả đời chẳng làm nên nổi việc gì. Cách giáo dục của Thích Cảnh Thông đáng để người hiện nay ngẫm nghĩ.

Jing Di - NTDTV
Trung Hòa biên dịch

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

'Chớ mưu cầu hư vinh' - cách giáo dục con của danh tướng xưa