Cholesterol cao - Có cần dùng thuốc? Cẩn trọng với các tác dụng phụ của Statin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới đây là một số tình huống cần cân nhắc trước khi quyết định sử dụng thuốc statin để giảm cholesterol.

Bạn tôi gần đây cho biết rằng kiểm tra sức khỏe cho thấy mức cholesterol của anh ấy tăng cao. Bác sĩ giải thích rằng cholesterol quá cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đề nghị sử dụng thuốc hạ cholesterol. Tuy nhiên, bạn tôi không thừa cân cũng không có tiền sử bệnh tim. Trong trường hợp này, anh ấy có nên cân nhắc dùng thuốc không? Các loại thuốc statin hạ cholesterol có tác dụng phụ tiềm ẩn nào? Bài viết này sẽ đi sâu vào các chủ đề này.

Khi nào cần dùng thuốc giảm cholesterol

Cholesterol là một chất giống như sáp trong máu, nó đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển chất béo đến các bộ phận khác nhau của cơ thể và đưa chất béo dư thừa trở lại gan để lưu trữ. Nó cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào và cho sản xuất hormone.

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, vì cholesterol cần thiết cho cơ thể như vậy, nhưng quá nhiều cholesterol lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Cá nhân tôi không khuyên dùng thuốc hạ cholesterol mà thay vào đó, tôi ủng hộ việc sử dụng các phương pháp không dùng thuốc để hạ cholesterol. Vậy khi nào thì nên cân nhắc dùng thuốc hạ cholesterol?

Nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc hạ cholesterol có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim ở những người mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch. Khi cholesterol, chất béo và các chất khác tích tụ trong thành động mạch, chúng tạo thành mảng bám. Cholesterol có thể tích tụ ở lớp áo giữa của thành mạch máu (intima-media), gây ra viêm. Theo thời gian, các mảng viêm này có thể phát triển lớn lên, cuối cùng bong ra, vỡ vào trong lòng mạch máu, có thể gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Trong những trường hợp như vậy, nếu bệnh nhân dùng thuốc hạ cholesterol, sẽ có thể làm giảm tốc độ phát triển của mảng bám và giảm nhẹ phản ứng viêm do mảng bám gây ra.

Do đó, không nhất thiết là chỉ bắt đầu dùng thuốc hạ cholesterol khi có mức lipid máu cao. Những người được chẩn đoán mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch, hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh này trong 10 năm tới, cũng nên cân nhắc dùng thuốc hạ cholesterol.

Ủy ban Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ (USPSTF) đã đưa ra tuyên bố khuyến nghị vào năm 2022, nhấn mạnh rằng những người lớn tuổi từ 40 đến 75 tuổi, có các yếu tố nguy cơ tim mạch (chẳng hạn như rối loạn lipid máu, huyết áp cao, tiểu đường hoặc hút thuốc), và có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới ước tính ở mức từ 7,5% đến 10% (dựa trên Bảng tính rủi ro bệnh tim mạch) có thể sẽ được hưởng lợi ít hơn từ liệu pháp statin. Với những trường hợp như vậy, liệu pháp statin chỉ nên được cung cấp một cách chọn lọc. Còn với những ai ước tính có 10% trở lên nguy cơ mắc bệnh trong 10 năm tới, thì nên bắt đầu dùng statin với liều vừa phải. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi từ 76 trở lên, hiện không có đủ bằng chứng để ủng hộ hoặc phản đối việc bắt đầu sử dụng statin.

Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch và những người có mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) vượt quá 190 miligam/100ml máu, cũng nên cân nhắc dùng thuốc statin.

Xét nghiệm Cholesterol

Xét nghiệm để xác định lượng cholesterol trong máu, thường được thực hiện sau khi nhịn ăn từ 8 đến 12 tiếng

Xét nghiệm máu sẽ đo lường cả hai loại cholesterol. Một loại là cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), loại cholesterol này vận chuyển cholesterol dư thừa từ máu đến gan, nơi chúng được phân hủy và đào thải. Mức tối ưu cho cholesterol HDL là 60 mg/dL trở lên.

Loại thứ hai là cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), thường được gọi là cholesterol "xấu", mặc dù thuật ngữ này không hoàn toàn chính xác, bởi vì cơ thể cần cả hai loại cholesterol. Cholesterol LDL vận chuyển chất béo đến nơi cần thiết trong cơ thể. Tuy nhiên, nồng độ LDL cao có thể làm tăng tích tụ mảng bám trong thành động mạch. Đối với người khỏe mạnh, mức tối ưu là dưới 100 mg/100ml.

Một chỉ số quan trọng khác là mức triglyceride trong máu. Bệnh nhân mắc bệnh tim, béo phì hoặc tiểu đường thường có mức triglyceride cao. Thông thường, mức triglyceride nên ở dưới mức 150 mg/100ml.

Vai trò của thuốc Statin

Cholesterol trong máu đến từ hai nguồn: Một nguồn là được gan tạo ra, giúp tiêu hóa các thức ăn nhiều chất béo và sản xuất hormone, nguồn cung thứ hai là từ chế độ ăn, trong đó chủ yếu là các sản phẩm động vật như sữa, trứng, thịt và gia cầm. Giảm cholesterol trong chế độ ăn có thể giúp hạ thấp mức cholesterol trong máu. Tuy nhiên, một số cá nhân, do yếu tố di truyền, tạo ra nhiều cholesterol hơn và một số khác thì lại có thể hấp thụ nhiều hơn từ hệ tiêu hóa.

Chế độ ăn lành mạnh, các biện pháp chống viêm và tập thể dục thường xuyên là những yếu tố quan trọng giúp hạ cholesterol. Nên thực hiện những cải thiện về lối sống này trước khi tìm đến thuốc hạ cholesterol.

Sau khi xét nghiệm máu thấy có cholesterol cao, bệnh nhân có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và kết hợp tập thể dục thường xuyên để giảm cholesterol. Nếu những biện pháp này không đủ để làm giảm cholesterol như mong muốn, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc statin. Một nghiên cứu cho thấy liệu pháp statin cường độ trung bình và cao có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch lần lượt là 30% và 50%.

Thuốc statin hoạt động chủ yếu theo những cách sau:

  • Giảm LDL: Cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) có thể tích tụ trong động mạch. Thuốc statin giúp giảm mức LDL cholesterol trong máu.
  • Ổn định mảng bám: Mảng bám thường gặp trong động mạch của hầu hết mọi người. Thuốc statin có thể làm ổn định các mảng bám, giảm khả năng bị bóc tách.
  • Điều hòa cholesterol trong màng tế bào: Thuốc statin có thể giúp điều hòa cholesterol trong màng tế bào.
  • Chống viêm và chống oxy hóa: Thuốc statin cũng có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

Do đó, đối với những bệnh nhân đã mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não do xơ vữa động mạch, thuốc statin có thể đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị.

Tác dụng phụ của Statin

Thuốc men, là những chất hóa học ngoại lai, hoạt động bằng cách can thiệp hoặc thậm chí chặn các quá trình sinh lý và sinh hóa bình thường của cơ thể. Ví dụ, thuốc statin hoạt động bằng cách ức chế một enzyme trong gan có chức năng tạo ra cholesterol. Sự ức chế này làm gián đoạn phản ứng sinh lý và sinh hóa bình thường của cơ thể, có khả năng dẫn đến tác dụng phụ.

Sau khi dùng thuốc statin, có tới 15% người dùng có thể gặp phải tình trạng đau nhức và yếu cơ, một số người có thể bị tăng đường huyết. Do đó, đối với những người đang trong giai đoạn tiền tiểu đường muốn dùng thuốc hạ cholesterol, cần phải cân nhắc đến các tác dụng phụ tiềm ẩn. Ngoài ra, bản thân bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài việc gây đau nhức cơ, tổn thương gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2, thuốc statin còn có thể gây ra các tác dụng phụ thần kinh. Não cần chất béo để hoạt động, do đó sự gián đoạn của quá trình sản xuất và vận chuyển chất béo có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh. Đặc biệt, thuốc statin có thể gây ra các vấn đề về nhận thức như lú lẫn và mất trí nhớ.

Nếu các triệu chứng chỉ được kiểm soát bằng thuốc, việc ngừng sử dụng thuốc thường không được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu thuốc được sử dụng như một liệu pháp tạm thời, trong khi đồng thời cải thiện lối sống, chế độ ăn uống, tập thể dục và giảm căng thẳng, thì có thể giảm dần hoặc thậm chí ngừng thuốc theo thời gian. Nếu không thay đổi lối sống, các triệu chứng có khả năng tái phát sau khi ngừng thuốc. Thuốc chủ yếu giúp che giấu và giảm nhẹ các triệu chứng chứ không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh.

Cải thiện toàn diện lối sống là điều cần thiết để kiểm soát cholesterol máu cao. Điều này có thể bao gồm áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, tập trung vào các loại trái cây ít đường, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, cá và gia cầm, hoặc theo chế độ ăn Địa Trung Hải, hoặc chế độ ăn chủ yếu là thực vật. Ngoài ra, nên tăng cường hoạt động thể chất, tránh hút thuốc, tránh rượu bia, kiểm soát cân nặng và bệnh tiểu đường. Bằng cách thực hiện những thay đổi này, thuốc có thể trở nên không còn cần thiết hoặc có thể giảm liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

Tóm lại, những người bị cholesterol cao nên có kế hoạch thay đổi toàn diện lối sống dựa trên hoàn cảnh cá nhân của họ thay vì chỉ dựa vào thuốc.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên môn và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo những hướng dẫn này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây

Theo Jingduan Yang, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch

Jingduan Yang, M.D. F.A.P.A. là bác sĩ tâm thần có chứng nhận của hội đồng, chuyên về y học tổng hợp và cổ truyền Trung Quốc để điều trị các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp", "Vấn đề y học" và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư". Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết làm đẹp + sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và y học cổ truyền Trung Quốc" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ,đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Miền Bắc, Middletown, New York, kể từ tháng 7 năm 2022.

 



BÀI CHỌN LỌC

Cholesterol cao - Có cần dùng thuốc? Cẩn trọng với các tác dụng phụ của Statin