Chuyên gia: Chỉ thị mới của Trung Quốc mâu thuẫn với mục tiêu kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những chỉ thị mới nhằm thúc đẩy kinh tế có mang tính tự mâu thuẫn. Trong khi đó, cơ hội để chính quyền Trung Quốc thu hút đầu tư và các công ty nước ngoài đang ngày càng hẹp lại.

Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã ban hành các chỉ thị nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế đang trì trệ. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát tình hình Trung Quốc, những chỉ thị này có vẻ mâu thuẫn và có tác động thắt chặt việc kiểm soát của chính quyền đối với các doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về Cải cách toàn diện vào ngày 11/6, người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tăng cường sự lãnh đạo" của chính quyền đối với cả các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và khu vực doanh nghiệp tư nhân, theo cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã.

Tuy nhiên, theo ông Ngu Bình (Yu Ping), một chuyên gia pháp lý và nhà bình luận hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, sự lãnh đạo của chính quyền về cơ bản là mâu thuẫn với mục tiêu thúc đẩy sức sống kinh tế.

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc đang cư trú tại Hoa Kỳ, cho biết những phát biểu có vẻ mâu thuẫn của người lãnh đạo Trung Quốc là một hình thức lừa dối được sử dụng để xoa dịu các phe phái của chính quyền Trung Quốc vốn ủng hộ chính sách cải cách kinh tế và mở cửa của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Đường nói rằng, chính quyền Trung Quốc hiện tại đã quay trở lại con đường kinh tế kế hoạch cũ.

Ông Ngu Bình tin rằng bài phát biểu gần đây của ông Tập có thể sẽ định hình giọng điệu cho phiên họp toàn thể lần thứ 3 sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Phiên họp dự kiến ​​sẽ được được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 7.

Trong khi nói về việc tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền trong các doanh nghiệp, người lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết các chức năng quản lý của chính quyền nên được tách biệt khỏi hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Bài phát biểu của ông Tập diễn ra sau những kết quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước và các biện pháp phong tỏa zero-COVID-19 khắc nghiệt trong đại dịch, cả hai đều góp phần làm suy thoái thêm nền kinh tế Trung Quốc.

Chuyên gia: Chỉ thị mới của Trung Quốc mâu thuẫn với mục tiêu kinh tế
Một công nhân đang hàn kim loại tại một nhà máy ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 15/7/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

‘Đi ra toàn cầu'

Theo Tân Hoa Xã, cuộc họp của chính quyền Trung Quốc cũng yêu cầu thiết lập "một môi trường mở cho đổi mới khoa học và công nghệ có khả năng cạnh tranh toàn cầu" và Trung Quốc nên "đi ra toàn cầu" và "mang lại" đầu tư và công nghệ nước ngoài.

Các chuyên gia về Trung Quốc cho biết việc xuất khẩu sản phẩm và thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài của chính quyền Trung Quốc được coi là vấn đề đáng lo ngại đối với các nền dân chủ phương Tây.

Châu Âu, nơi đã chứng kiến ​​một làn sóng xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc, mới áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng tới, để đáp trả những gì mà khối này gọi là trợ cấp không công bằng của chính quyền Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã hối thúc Trung Quốc giải quyết "tình trạng dư thừa công suất mang tính cơ cấu" vì chính quyền Trung Quốc "tiếp tục hỗ trợ trên quy mô lớn cho lĩnh vực sản xuất của họ" trong thời điểm nhu cầu trong nước yếu và lúc "thế giới không thể hấp thụ sản lượng dư thừa của Trung Quốc".

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng cảnh báo rằng "các chuỗi cung ứng quá tập trung" của Trung Quốc đe dọa đến việc làm của Hoa Kỳ và các khoản đầu tư khổng lồ của chính quyền Mỹ hiện tại vào ngành năng lượng xanh của Mỹ. Bà Yellen cho biết vào ngày 11/6 rằng các chính sách thương mại của Bắc Kinh "có thể can thiệp đáng kể vào những nỗ lực của chúng tôi nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế lành mạnh".

Ông Ngu Bình cho biết những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm thu hút đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài cũng là vô ích. Ông cho biết họ rời khỏi thị trường Trung Quốc không phải vì người tiêu dùng thiếu sức mua mà là do "môi trường kinh doanh quá bất ổn".

Rủi ro đối với các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đang ngày càng cao, đặc biệt là sau khi luật chống gián điệp của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 7/2023. Hai công ty Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng trước cả khi luật được thực thi.

Văn phòng của công ty thẩm định Mintz Group của Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã bị cảnh sát Trung Quốc đột kích vào tháng 3/2023. Chính quyền đã bắt giữ 5 công dân Trung Quốc làm việc cho công ty.

Chuyên gia: Chỉ thị mới của Trung Quốc mâu thuẫn với mục tiêu kinh tế
Văn phòng đóng cửa của Tập đoàn Mintz được nhìn thấy trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/03/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Cảnh sát Trung Quốc cũng đã đến văn phòng Thượng Hải của Bain & Co. vào tháng 4/2023, thẩm vấn nhân viên của công ty này và tịch thu máy tính và điện thoại, nhưng họ không bắt giữ bất kỳ nhân viên nào.

Ông Ngu Bình cho biết rằng, cơ hội để chính quyền Trung Quốc thu hút đầu tư và các công ty nước ngoài đang ngày càng hẹp lại.

Ông Đường cũng tin rằng lời kêu gọi “đi ra toàn cầu” của ông Tập Cận Bình không thực sự có nghĩa là hòa nhập với cộng đồng quốc tế hay trở nên phù hợp với cộng đồng này. Thay vào đó, nó biểu thị tham vọng của chính quyền Trung Quốc là mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài và thay thế trật tự quốc tế hiện tại bằng cái gọi là trật tự mới của riêng mình, theo ông Đường.

“Cái gọi là ‘mang lại’ [công nghệ] ám chỉ việc có được sở hữu trí tuệ và công nghệ nước ngoài thông qua nhiều cách thức bất hợp pháp. Hành động này là lý do chính khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những người trong lĩnh vực công nghệ cao, ngày càng cảnh giác với ĐCSTQ, dẫn đến việc dần dần tách ra và cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ”, ông Đường nói.

Đầu tư nước ngoài giảm liên tục

Dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố vào thứ 6 (21/6) cho thấy "lượng vốn nước ngoài thực tế được sử dụng", một chỉ số đo lường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc, đã giảm trong 12 tháng liên tiếp.

Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào thứ 6, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2024, FDI vào Trung Quốc đã giảm 28,2% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 412,51 tỷ CNY (nhân dân tệ) (56,8 tỷ USD).

Bloomberg cho biết dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài mới nhất đã kéo dài xu hướng giảm liên tục kể từ tháng 6/2023.

Dòng vốn nước ngoài đổ vào Trung Quốc đã giảm mạnh trong bối cảnh môi trường kinh doanh bất ổn và triển vọng kinh tế ảm đạm. Chính quyền Trung Quốc đã tìm cách tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài lại cho rằng Bắc Kinh nói một đằng làm một nẻo.

Vào tháng 3, Trung Quốc đã cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng ông Sean Stein, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chìa khóa nằm ở hành động của chính quyền.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết hôm 14/3 rằng các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đang do dự trong việc tăng cường đầu tư vào Trung Quốc vì những tín hiệu mâu thuẫn từ phía chính quyền Trung Quốc.

“Một số quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc nói rằng đầu tư của khu vực tư nhân được chào đón ở Trung Quốc, khoản đầu tư của bạn sẽ được bảo vệ. Nhưng sau đó, các công ty này cũng đang nghe thấy một thông điệp khác”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, đồng thời chỉ ra một loạt động thái gây lo ngại của Bắc Kinh như các cuộc đột kích vào các công ty nước ngoài và việc sửa đổi luật chống gián điệp.

Ông nói: “Tôi nghĩ những tiếng nói mà họ đang nghe từ chính quyền Trung Quốc về an ninh quốc gia - chúng là những tiếng nói mạnh mẽ và lớn nhất hiện nay”.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết các công ty Hoa Kỳ đã nói với bà rằng Trung Quốc "không phù hợp để đầu tư vì rủi ro quá cao" trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm ngoái.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Chỉ thị mới của Trung Quốc mâu thuẫn với mục tiêu kinh tế