Chuyên gia: Trung Quốc đang có một nền kinh tế xác sống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Trung Quốc được ví với một xác sống, chỉ có thể chuyển động khi được nhà nước thúc ép.

Dữ liệu chính thức mới công bố từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trong tháng 5 đã tiết lộ rằng tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc đã chậm lại và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất và bất động sản đã đồng loạt giảm từ tháng 1 đến tháng 5.

Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng mô tả triển vọng tích cực của nền kinh tế bằng những con số mới và cho rằng đó là nhờ vào thành công của việc kế hoạch hóa tập trung của chính quyền.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc, với sự can thiệp mạnh của nhà nước, đang thể hiện những đặc điểm của một "nền kinh tế xác sống".

Sau báo cáo, một phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia đã nói vào ngày 17/6 tại một cuộc họp báo rằng nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đã "tiếp tục phục hồi và cải thiện" nhờ các chính sách hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc, việc phân bổ đầu tư từ ngân sách của chính quyền trung ương và việc đẩy nhanh phát hành trái phiếu đặc biệt.

Ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc là một "nền kinh tế xác sống", vốn chỉ chuyển động khi bị quyền lực nhà nước thúc đẩy.

"Khi quyền lực của chính phủ ép xuống, thì nền kinh tế xác sống sẽ nhảy một chút. Nhưng khi sự can thiệp của chính phủ biến mất, nó sẽ ngừng chuyển động".

Ông giải thích rằng "nền kinh tế xác sống" là một thuật ngữ kinh tế thường ám chỉ tình huống mà các doanh nghiệp hoặc khu vực kinh tế không có lợi nhuận hoặc gần phá sản có thể duy trì hoạt động nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, lãi suất thấp và các khoản vay liên tục.

Ông Vương cho rằng, ngay khi tiền của chính quyền Trung Quốc không đổ vào, đầu tư sẽ giảm và giá trị gia tăng công nghiệp cũng sẽ giảm, và PMI [Chỉ số Quản lý Mua hàng] cũng sẽ giảm.

PMI là chỉ số báo hiệu về hướng đi chủ đạo của các xu hướng kinh tế trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Một chỉ số dưới 50 cho thấy sự suy giảm kinh tế.

PMI của Trung Quốc hiện ở mức 49,50, giảm so với mức 50,40 của tháng trước và tăng so với mức 48,80 của một năm trước.

Dữ liệu chính thức của chính quyền

Theo dữ liệu mới, tăng trưởng ở ba lĩnh vực chính của nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại. Đầu tư phát triển bất động sản trên toàn quốc đã giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 5 và giảm 0,3% trăm so với 4 tháng trước. Trong khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng đã giảm 0,3% so với 4 tháng trước nhưng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái và đầu tư sản xuất đã giảm 0,1% so với 4 tháng trước nhưng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các số liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc luôn bị thế giới bên ngoài đặt câu hỏi vì mô tả một bức tranh quá tích cực. Trong những ngày gần đây, đã có những thông tin tiết lộ rằng nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã thao túng dữ liệu tài chính của họ. Sáu doanh nghiệp nhà nước lớn bị phát hiện gian lận tài chính trong 2 tháng qua là các công ty niêm yết và tổng doanh thu bị thổi phồng của họ lên tới hơn 16 tỷ CNY (nhân dân tệ) (2,2 tỷ USD). Theo các bài báo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, khoảng 40 doanh nghiệp nhà nước đã bị phạt hoặc cảnh cáo trong năm nay vì báo cáo doanh thu bị thổi phồng.

"Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và đầu tư chắc chắn thấp hơn mong đợi ​​vì đầu tư công nghiệp của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu và nhu cầu trong nước", nhà kinh tế Hoàng Đại Vệ (Davy J. Wong) cho biết về dữ liệu mới.

"Lượng hàng xuất khẩu gần đây của Trung Quốc sang Châu Âu và Hoa Kỳ, vốn là những thị trường chính có lợi nhuận cao, không hề tăng trưởng mà còn giảm".

Ông dự đoán rằng trong nửa cuối năm, với mức thuế quan tăng đáng kể của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, "ngành công nghiệp của Trung Quốc không thể tăng đầu tư để chống lại mức tăng thuế quan dự kiến. Vì vậy, nhìn chung, chúng ta sẽ thấy rằng ngành công nghiệp của Trung Quốc sẽ hoạt động dưới mức PMI đó".

Ông Ngô Gia Long (Henry Wu), một nhà kinh tế vĩ mô người Đài Loan, cho biết, "Sản xuất và đầu tư tệ hơn dự kiến, điều đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn đang suy giảm. Nó sẽ tiếp tục xấu đi, vì các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn trở thành các vấn đề mang tính cấu trúc".

Ông cho biết chính quyền Trung Quốc đã thử nhiều chính sách và biện pháp khác nhau để giải quyết một loạt vấn đề kinh tế, nhưng không có biện pháp nào hiệu quả.

"Chính phủ không thể đưa ra bất kỳ chính sách cụ thể nào. Không có cách nào ngăn chặn nền kinh tế tiếp tục suy thoái", ông nói với The Epoch Times.

Khu vực nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân thụt lùi

Dữ liệu mới cũng chỉ ra rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước từ tháng 1 đến tháng 4.

“Từ phương diện của khu vực nhà nước, điều này có thể tốt, nhưng từ phương diện của nền kinh tế tư nhân, điều này có thể tồi tệ”, ông Hoàng cho biết.

Nhà kinh tế chỉ ra rằng trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc năm 2023, các doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn một nửa, ở mức 51,2%, “điều chưa từng xảy ra trong quá khứ”.

Về tỷ lệ doanh thu, “các doanh nghiệp nhà nước ngày càng mạnh hơn, với lợi nhuận dương chiếm 71% và tài sản chiếm 83%”, ông giải thích. “Nhìn chung, khu vực nhà nước đang tiến lên và khu vực tư nhân đang thụt lùi”.

Chuyên gia: Trung Quốc đang có một nền kinh tế xác sống
Một nhân viên đang theo dõi máy dệt tròn tại một nhà máy dệt ở thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 8/9/2018. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết tình hình kinh tế chung của các doanh nghiệp nhà nước cũng không lý tưởng và là sự tiếp nối của tình hình đầy thách thức của năm ngoái.

“Theo số liệu thống kê năm 2023, lợi nhuận ròng của 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đã giảm 3,8%. Nhìn chung, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp của họ tăng trưởng, nhưng lợi nhuận lại giảm. Và 43 doanh nghiệp bị lỗ. Tổng cộng có 258 doanh nghiệp chứng kiến ​​lợi nhuận giảm và hơn một nửa trong số đó có mức lợi nhuận giảm đáng kể”.

Nhà kinh tế học Ngô Gia Long cho biết ông tin rằng những biện pháp hiện tại của chính quyền Trung Quốc không thực sự ưu tiên cứu nền kinh tế mà nhằm mục đích duy trì sự ổn định chính trị trong trường hợp kinh tế sụp đổ.

“Đó là làm sao để ứng phó với các cuộc biểu tình, sự phản kháng trong xã hội và những thứ tương tự có thể xảy ra”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc đang có một nền kinh tế xác sống