Công ty tư vấn Bain cắt giảm hoạt động ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối diện với những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cộng thêm sự giám sát từ phía Bắc Kinh, công ty tư vấn Bain cho biết họ sẽ cắt giảm bớt hoạt động trong một số ngành công nghiệp của Trung Quốc.

CEO mới của Bain cho biết, công ty tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ này sẽ cắt giảm hoạt động trong một số ngành công nghiệp ở Trung Quốc khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và Bắc Kinh tăng cường giám sát các công ty phương Tây hoạt động tại nước này.

Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa tin vào ngày 30/6 rằng ông Christophe De Vusser sẽ tiếp quản vị trí CEO toàn cầu của Bain vào ngày 1/7. Ông cho biết công ty sẽ giảm hoạt động kinh doanh của mình trong "những ngành công nghiệp nhạy cảm" tại Trung Quốc.

“Chúng tôi tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc trong môi trường pháp lý và quy định bắt buộc để hoạt động tại đó”, ông De Vusser cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Tài chính. “Có một nhóm rõ ràng những ngành công nghiệp nhạy cảm vốn là trung tâm của các cuộc thảo luận trên cơ sở địa chính trị. Vì vậy, trong những ngành công nghiệp này, chúng tôi thực sự sẽ hoạt động ít thường xuyên hơn”.

Ông không nêu rõ Bain sẽ giảm hoạt động trong những ngành công nghiệp nào.

Trong khi Bain đã điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình để tuân thủ các quy định mới ở Trung Quốc về dữ liệu và an ninh mạng, ông nói thêm: "Chúng ta có rõ ràng về việc môi trường luật định sẽ biến đổi [ở Trung Quốc] như thế nào không? Tôi nghĩ không có ai hiểu rõ ràng rằng nó sẽ biến đổi chính xác như thế nào".

Ông De Vusser là người Bỉ, trước đây từng là giám đốc bộ phận tư vấn vốn cổ phần tư nhân Châu Âu của Bain. Bain & Company có khoảng 19.000 nhân viên trên toàn thế giới. Ông De Vusser cho biết địa chính trị là một trong bốn xu hướng toàn cầu sẽ chi phối công ty trong thời gian ông làm việc tại Bain.

Các công ty nước ngoài rút lui khỏi Trung Quốc

Vào tháng 4 năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào các văn phòng của Bain tại Thượng Hải, thẩm vấn nhân viên và tịch thu các máy tính và điện thoại di động. Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng đã đột kích vào văn phòng tại Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz Group của Mỹ và bắt giữ 5 nhân viên địa phương. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đã tiến hành đột kích vào Capvision.

Những công ty tư vấn này đang gặp khó khăn khi căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và Bắc Kinh tiếp tục mở rộng phạm vi định nghĩa của hoạt động gián điệp, vốn đã rất rộng. Vào tháng 4 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã công bố "Luật chống gián điệp" mới được sửa đổi, mở rộng phạm vi áp dụng từ bí mật nhà nước và tình báo sang bất kỳ "tài liệu, dữ liệu, tư liệu và các vật dụng nào liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia".

Với sự xấu đi của môi trường chính trị và kinh tế ở Trung Quốc, không chỉ các công ty tư vấn gặp khó khăn khi hoạt động tại Trung Quốc mà cả các công ty nước ngoài trong các ngành khác cũng rời khỏi Trung Quốc. Trích dẫn các nguồn tin, Reuters đưa tin rằng công ty luật Hoa Kỳ Dechert đang cân nhắc đóng cửa những văn phòng duy nhất của mình tại Hong Kong và Bắc Kinh ở Trung Quốc.

Vào tháng 8 năm ngoái, Dentons, công ty luật đa quốc gia lớn nhất thế giới, đã chấm dứt thỏa thuận sáp nhập với Dacheng của Trung Quốc, vốn đã có hiệu lực từ năm 2015, một phần là do những quy định mới của chính quyền về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng.

Trong những tháng gần đây, các công ty luật Hoa Kỳ Sidley Austin, Perkins Coie, Latham & Watkins và Orrick đều đã đóng cửa hoặc tuyên bố sẽ đóng cửa các văn phòng tại Thượng Hải, trong khi Weil và Akin Gump đã đóng cửa các văn phòng tại Bắc Kinh.

Vào ngày 26/6, Lonely Planet, một công ty truyền thông du lịch và nhà cung cấp nội dung du lịch nổi tiếng thế giới, tuyên bố rằng do tác động của dịch COVID-19 và sự điều chỉnh chiến lược của công ty, công ty đã đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc và ngừng việc kinh doanh xuất bản nội dung tại Trung Quốc.

Nguy cơ bị kiểm tra thiết bị điện tử khi nhập cảnh

Nikkei đưa tin rằng một năm sau khi "Luật chống gián điệp" mới được sửa đổi có hiệu lực, cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền Trung Quốc sẽ có quyền lực lớn hơn trong việc kiểm tra điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác bắt đầu từ thứ 2 (ngày 1/7). Có lo ngại cho rằng người nước ngoài sẽ phải đối mặt với các cuộc kiểm tra như vậy khi nhập cảnh.

Luật chống gián điệp mới mở rộng phạm vi bao phủ của luật sang bất kỳ thông tin nào liên quan đến "an ninh và lợi ích quốc gia". Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc được phép kiểm tra hành lý và thiết bị điện tử nếu nghi ngờ có hoạt động gián điệp. Các hướng dẫn hoạt động cho phép các cơ quan chức năng kiểm tra những chiếc điện thoại và máy tính đó bằng cách xuất trình thẻ căn cước hoặc các hình thức xác định danh tính khác của cảnh sát.

Mối lo ngại đang lan truyền trên mạng xã hội rằng người nước ngoài và những người khác sẽ phải đối mặt với những cuộc kiểm tra này khi nhập cảnh vào Trung Quốc.

Theo Epoch Times tiếng Trung

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Công ty tư vấn Bain cắt giảm hoạt động ở Trung Quốc