Cột mốc đáng chú ý của Nvidia dưới bàn tay của CEO người Mỹ gốc Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nvidia vẫn đang tiếp tục duy trì vị thế là một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Đằng sau sự thành công này là câu chuyện thú vị về người đứng đầu công ty, ông Hoàng Nhân Huân.

Vào tháng 6, gã khổng lồ bán dẫn của Hoa Kỳ Nvidia đã vượt qua Microsoft và Apple về giá trị thị trường trong một khoảng thời gian ngắn, trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới. Thành tựu mang tính cột mốc này cũng đánh dấu lần đầu tiên một công ty do một người Mỹ gốc Đài Loan lãnh đạo đứng đầu bảng xếp hạng giá trị thị trường của Hoa Kỳ.

Vốn hóa thị trường của Nvidia đạt 3,34 nghìn tỷ USD trên NASDAQ vào ngày 18/6, vượt qua Microsoft, vốn tại thời điểm đó được định giá ở mức 3,32 nghìn tỷ USD (và Nvidia đã trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất tại thời điểm đó). Đầu tháng trước, Nvidia đã đạt 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên, vượt qua Apple.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này bắt đầu vào năm ngoái khi Nvidia trở thành công ty bán dẫn đầu tiên đạt được vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD.

Người đứng đầu Nvidia là một người Mỹ gốc Đài Loan tên là Hoàng Nhân Huân (Jensen Huang), vốn cũng là người tiên phong trong những tiến bộ trong ngành bán dẫn.

Được thành lập vào năm 1993 bởi ông Hoàng, ông Chris Malachowsky và ông Curtis Priem, Nvidia chuyên về chip GPU vốn là linh kiện thiết yếu đối với trí tuệ nhân tạo (AI) và những tiến bộ về điện toán.

Tốc độ tăng trưởng của Nvidia là chưa từng có trong số các công ty công nghệ vốn hóa lớn. Giá trị thị trường của công ty tăng vọt từ 2 nghìn tỷ USD lên 3 nghìn tỷ USD chỉ trong 96 ngày, trái ngược hoàn toàn với 649 ngày mà Microsoft phải mất và 718 ngày để Apple đạt được thành tích tương tự, theo dữ liệu từ Investopedia.

Mặc dù cổ phiếu của Nvidia đã giảm kể từ mức đỉnh cao, nhưng giá trị vốn hóa thị trường của công ty vẫn vượt quá 3 nghìn tỷ USD tính đến ngày 28/6, duy trì vị thế là một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Cột mốc đáng chú ý của Nvidia dưới bàn tay của CEO người Mỹ gốc Đài Loan
CEO của Nvidia, ông Hoàng Nhân Huân, có bài phát biểu trước thềm Computex 2024 tại Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 2/6/2024. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)

Bắt đầu là một người nhập cư

Sinh năm 1963 tại miền nam Đài Loan, ông Hoàng chuyển đến Hoa Kỳ khi mới 9 tuổi. Ông lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện tại Đại học Stanford vào năm 1992. Năm sau, ở tuổi 30, ông Hoàng đã đồng sáng lập Nvidia với 40.000 USD.

Ông Hoàng có giá trị tài sản ròng là 108,2 tỷ USD, trở thành cá nhân giàu thứ 13 trên toàn cầu và là người gốc Hoa giàu nhất tính đến ngày 28/6, theo bảng xếp hạng Tỷ phú Thời gian Thực của Forbes.

Cổ phần 3,5% của ông tại Nvidia hiện có giá trị hơn 90 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 3 tỷ USD cách đây 5 năm.

Các chip GPU của Nvidia đã trở nên không thể thiếu trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy những tiến bộ trong AI và điện toán, dẫn đến một triển vọng thị trường mạnh mẽ cho công ty này. Vào ngày 7/6, Nvidia đã thực hiện chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1 để giúp các nhà đầu tư cá nhân dễ tiếp cận cổ phiếu của mình hơn.

Mối liên hệ với Đài Loan

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Thể thao Đại học Quốc gia Đài Loan vào ngày 2/6, ông Hoàng đã ca ngợi Đài Loan là "người hùng thầm lặng, trụ cột vững chắc của thế giới". Ông thừa nhận sự đóng góp của đất nước này vào thành công của Nvidia, nhờ sự hợp tác lâu dài với các nhà sản xuất Đài Loan.

Mối quan hệ của ông Hoàng với Đài Loan bắt nguồn từ khi công ty của ông mới thành lập. Khi phải đối mặt với áp lực tài chính, ông đã liên hệ với ông Morris Chang, người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, để thảo luận về việc sản xuất con chip đầu tiên của Nvidia. Sự tương tác này đã tạo nên mối quan hệ đối tác kéo dài 30 năm, là nền tảng cho mọi thế hệ sản phẩm của Nvidia, với ông Chang trở thành đối tác chính và là một người bạn thân thiết.

Micro-Star International, một bộ phận không thể thiếu khác trong chuỗi cung ứng của Nvidia, cũng đã phát triển mạnh mẽ cùng với Nvidia, trở thành một trong những nhà sản xuất máy chủ hàng đầu thế giới. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng vọt 587% trong năm qua. Trong bài phát biểu tại COMPUTEX vào ngày 5/6, ông Từ Tường (Joseph Hsu), người sáng lập kiêm CEO của Micro-Star, đã nêu bật những sáng kiến ​​điện toán xanh của công ty, với sự xuất hiện của ông Hoàng để hỗ trợ những nỗ lực của họ.

Ông Hoàng và ông Từ, người cũng sinh ra tại Đài Loan, đã có hơn 30 năm hợp tác và giữ mối quan hệ bạn bè. Cả hai đều bắt đầu kinh doanh tại Thung lũng Silicon vào cùng thời điểm. Micro-Star là công ty đầu tiên đưa máy AI đầu tiên của ông Hoàng ra thị trường.

Tầm ảnh hưởng của Nvidia vượt ra ngoài các mối quan hệ kinh doanh, tác động đến các hoạt động giáo dục tại Đài Loan. Sau sự bùng nổ về AI của nước này, dẫn đầu là chip của Nvidia, đã có sự gia tăng về số lượng sinh viên theo học các chương trình khoa học và kỹ thuật tại các trường đại học của Đài Loan, chẳng hạn như Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Quốc Lập Thành Công.

Gã khổng lồ sản xuất Đài Loan Foxconn gần đây đã công bố quan hệ đối tác với Nvidia để thành lập một trung tâm điện toán tiên tiến tại Cao Hùng, Đài Loan, tập trung vào siêu chip máy chủ GB200 của Nvidia.

Bài học về sức chịu đựng và tính khiêm tốn

Tại lễ tốt nghiệp tại Caltech vào ngày 14/6, ông Hoàng đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình với các sinh viên, nhấn mạnh vào sức chịu đựng bền bỉ hơn là trí thông minh.

“Khả năng chịu đựng nỗi đau và sự đau khổ, khả năng làm việc gì đó trong một thời gian rất, rất dài, khả năng xử lý những thất bại và nhìn thấy những cơ hội ngay gần kề, tôi coi đó là những siêu năng lực của mình. Và tôi hy vọng chúng cũng là của các bạn”, ông nói.

Thông điệp vượt qua nghịch cảnh này đã trở thành một chủ đề thường xuyên trong các bài phát biểu của ông Hoàng. Vào tháng 3, ông đã trở lại Đại học Stanford, ngôi trường cũ của mình, để nói về tầm quan trọng của việc chịu đựng khó khăn và rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ bằng cách quản lý các kỳ vọng.

“Tôi chúc các bạn có dồi dào những liều lượng đau đớn và đau khổ” là thông điệp khác thường mà ông Hoàng nói với các sinh viên tại Stanford.

Một thời điểm quan trọng trong lịch sử của Nvidia làm nổi bật triết lý của ông Hoàng. Năm 1995, một thiết kế chip bị lỗi khi hợp tác với Sega, một công ty trò chơi điện tử đa quốc gia của Nhật Bản, đã khiến Nvidia gần như phá sản. Ông Hoàng đã xử lý các lỗi nhưng đề nghị tiếp tục được hỗ trợ, và Sega đã chấp thuận. Điều này dẫn đến sự phát triển của card đồ họa RIVA 128 (NV3) vào năm 1997, một cột mốc mở đường cho đợt chào bán công khai cổ phiếu lần đầu thành công của Nvidia vào năm 1999.

“Việc đối mặt với sai lầm của chúng tôi và khiêm tốn đề nghị sự giúp đỡ đã cứu NVIDIA”, ông nói trong bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Đài Loan vào tháng 5/2023.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cột mốc đáng chú ý của Nvidia dưới bàn tay của CEO người Mỹ gốc Đài Loan