Doanh số bán nhà ở Trung Quốc giảm hơn 30% trong 5 tháng đầu năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dữ liệu mới đây của thị trường bất động sản cho thấy các biện pháp giải cứu của Bắc Kinh không tạo ra nhiều hiệu quả.

Thị trường nhà ở Trung Quốc tiếp tục suy giảm vào tháng 5, theo báo cáo mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17/6. Các chuyên gia cho biết những biện pháp mới của Bắc Kinh không hiệu quả trong việc thúc đẩy lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Dữ liệu cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh số bán nhà ở đã giảm mạnh 30,5% so với cùng kỳ năm trước và đầu tư của các nhà phát triển giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chính quyền Trung Quốc có lịch sử báo cáo giảm bớt và che giấu thông tin nên rất khó để đánh giá tính xác thực của dữ liệu nhà ở hiện tại của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo số liệu của NBS, giá nhà tiếp tục giảm trong tháng 5, với tốc độ giảm hàng năm tăng nhẹ. Giá nhà mới tại các thành phố hạng nhất giảm 0,7% so với quý trước, với mức giảm nới rộng 0,1% so với tháng 4. NBS cho biết giá bán nhà mới tại các thành phố hạng nhất đã giảm 3,2% so với năm trước, đánh dấu mức tăng 0,7% về tốc độ giảm so với tháng 4.

Bà Lưu Ái Hoa (Liu Aihua), người phát ngôn của NBS, cho biết tại một cuộc họp báo rằng dữ liệu mới cho thấy lĩnh vực bất động sản đã có một số thay đổi tích cực kể từ khi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp mới vào giữa tháng 5 để thúc đẩy thị trường. Bà cho biết từ tháng 1 đến tháng 5, doanh thu bán hàng của các tòa nhà dân cư thương mại mới xây dựng đã giảm 27,9%, cải thiện đôi chút so với mức giảm 28,3% được ghi nhận trong 4 tháng đầu tiên.

Một vấn đề rất khó giải quyết

“Vấn đề bất động sản của Trung Quốc cực kỳ khó, nếu không muốn nói là không thể giải quyết được. Chính quyền chỉ có thể giả vờ giải quyết vấn đề này”, nhà kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) gần đây đã nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.

Ông Ngô chỉ ra rằng dữ liệu cho thấy có quá nhiều căn nhà đã được xây dựng và đặt câu hỏi về các chiến lược đổi mới đô thị của chính quyền Trung Quốc, chẳng hạn như “phá bỏ các dự án còn dang dở, phá dỡ các bất động sản bị bỏ hoang sớm hơn hoặc thuyết phục mọi người mua nhà đã hoàn thiện”. Ông cho biết chính quyền không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng bất động sản.

Bắc Kinh đã triển khai những biện pháp mới vào ngày 17/5 để thúc đẩy thị trường bất động sản, chẳng hạn như khuyến khích chính quyền địa phương mua lại những căn nhà chưa bán được và chuyển đổi chúng thành nhà ở giá rẻ, đồng thời giảm lãi suất cho vay thế chấp và tiền trả trước. Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu cho thấy những biện pháp này có tác động rất nhỏ đến thị trường.

Nhà kinh tế học Hoàng Đại Vệ (Davy J. Wong) ở Mỹ nói với The Epoch Times rằng thị trường sẽ mất thời gian để điều chỉnh theo những biện pháp mới này. Ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của các cải cách cơ bản thay vì những biện pháp khắc phục tạm thời.

Ông cho biết các biện pháp có ý nghĩa nên bao gồm giảm thuế chuyển nhượng tài sản, tăng cường an sinh xã hội để hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong việc mua nhà và cải thiện quản lý trong lĩnh vực bất động sản.

Doanh số bán nhà ở Trung Quốc giảm hơn 30% trong 5 tháng đầu năm
Các tòa nhà dân cư ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 16/11/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

‘Vòng luẩn quẩn'

Một báo cáo nghiên cứu năm 2023 của Ngân hàng Trung Quốc chỉ ra rằng các khoản vay liên quan đến bất động sản luôn chiếm khoảng 40% tổng tín dụng ngân hàng của Trung Quốc trong dài hạn.

Về sự suy thoái của thị trường bất động sản, ông Hoàng nói rằng: “Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của các khoản cho vay thế chấp đối với các ngân hàng mà còn có tác động rộng hơn. Nó sẽ tác động nghiêm trọng đến toàn bộ ngành bất động sản và 56 ngành liên quan. Cuối cùng, điều này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm lợi nhuận kinh doanh, làm giảm biên lợi nhuận chung của Trung Quốc đối với tất cả các doanh nghiệp có liên quan”.

Ông Ngô chỉ ra rằng khi cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng trầm trọng, rủi ro vượt ra ngoài phạm vi các ngân hàng, vươn tới các chính quyền địa phương, vốn phải đối mặt với tình trạng nguồn thu sụt giảm, và các nhà phát triển tư nhân có nguy cơ phá sản hoặc cắt giảm nhân viên, ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan đến bất động sản.

“Bất động sản luôn là tài sản thế chấp quan trọng cho các khoản vay ngân hàng. Nếu thị trường thế chấp sụp đổ, nó sẽ làm suy yếu giá trị thị trường bất động sản do các ngân hàng nắm giữ, ảnh hưởng đến cơ cấu tài sản của họ và có khả năng dẫn đến những rủi ro mang tính hệ thống”, ông nói.

Ngành bất động sản đóng góp đáng kể vào GDP của Trung Quốc. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ngành bất động sản chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.

“Với tác động lớn như vậy, sự sụp đổ của bất động sản có thể gây ra một vòng luẩn quẩn của sự suy thoái kinh tế”, ông Ngô cảnh báo, đồng thời nói thêm rằng “sự suy thoái liên tục có thể làm trầm trọng thêm các căng thẳng xã hội”.

Doanh số bán nhà ở Trung Quốc giảm hơn 30% trong 5 tháng đầu năm
Những tòa nhà chung cư chưa hoàn thiện ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Dữ liệu của CRIC

Trước đó, theo dữ liệu của CRIC, trong 5 tháng đầu năm nay, khối lượng bán hàng của 100 công ty bất động sản hàng đầu đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dữ liệu từ Công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC), vào tháng 5, 100 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc có doanh số giao dịch là 322,4 tỷ CNY (nhân dân tệ), giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước và kết quả bán hàng trong một tháng tiếp tục ở mức thấp lịch sử. Trong 5 tháng đầu năm, tổng doanh số giao dịch là 1,4 nghìn tỷ CNY, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Tôn Quốc Tường (Sun Guoxiang), Phó giáo sư tại Khoa Quan hệ quốc tế và Khởi nghiệp tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, cho biết: "Các chính sách hiện tại của Trung Quốc dường như không thể giải quyết được vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với bất động sản. Tất cả các "đòn đánh kết hợp" được thấy cho đến nay dường như vẫn không có tác dụng".

Ông Tạ Điền (Xie Tian), ​​​​giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina, cho biết: "Các biện pháp cứu trợ của ĐCSTQ sẽ không thực sự hiệu quả. Trên thực tế, nhiều nhất thì nó chỉ có nghĩa là chuyển những thứ còn dang dở hoặc những tòa nhà trống rỗng và lãng phí này từ tay người này sang tay người khác. Không có giải pháp thực sự nào để giải quyết vấn đề thực sự về tình trạng dư thừa công suất và xây dựng quá mức của những tòa nhà này. Và người dân Trung Quốc thực sự không có quá nhiều thu nhập để có thể hấp thụ những bất động sản này, vì vậy bong bóng bất động sản này nhiều khả năng sẽ tiếp tục vỡ".

Cùng lúc đó, các công ty bất động sản Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực trả nợ cao. Theo số liệu thống kê từ Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc, lượng trái phiếu đáo hạn của các công ty bất động sản vào năm 2024 sẽ là 770,3 tỷ CNY.

Ông Tôn Quốc Tường cho biết: "Vì doanh số bán bất động sản không tốt, tất nhiên tình hình sẽ cho thấy nó có ảnh hưởng đến toàn bộ ngành tài chính, hoặc các ngành liên quan như ngành ngân hàng”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Doanh số bán nhà ở Trung Quốc giảm hơn 30% trong 5 tháng đầu năm