Đòn đánh kép vào các công ty ô-tô Trung Quốc có liên hệ với quân đội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi phương Tây thực hiện các biện pháp chống lại các hành vi thương mại tiêu cực và sự hỗ trợ cho Nga của Trung Quốc, các công ty sản xuất ô-tô nằm trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc đang đối mặt với cả các đòn trừng phạt và việc tăng thuế quan.

Hoa Kỳ gần đây đã tăng mạnh thuế quan đối với một loạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế quan cao hơn có thể gây thêm nhiều thiệt hại cho một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc - những công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Đây là một lĩnh vực vốn đã bị tác động mạnh bởi căng thẳng địa chính trị liên quan đến việc Trung Quốc ủng hộ Nga.

Mối quan hệ ngày càng thân thiện giữa Nga và Trung Quốc đã tạo nên sự bùng nổ kinh tế cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, những doanh nghiệp đang phải vật lộn ở những thị trường khác trong lúc phương Tây phản đối các hành vi thương mại của Trung Quốc. Xuất khẩu ô-tô của Trung Quốc sang Nga đã tăng gấp 7 lần kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, thị trường Nga đang tỏ ra là một gánh nặng đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đặc biệt là những công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc, vì các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào ranh giới mờ nhạt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tại Trung Quốc.

Lợi nhuận của 2 trong số "4 ông lớn" ô tô của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây do cạnh tranh về giá trong nước và sự phản đối đối với các chiến lược thương mại của Trung Quốc từ phương Tây. Áp lực lên Ô-tô Trường An (Changan Automobile) và Tập đoàn Động cơ Đông Phong (Dongfeng Motor Corporation), những nhà sản xuất ô tô có quan hệ với tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc, đã gia tăng khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga.

Vào ngày 14/5, chính quyền Biden đã tăng gấp 4 lần thuế quan đối với xe điện (EV) của Trung Quốc, tạo thêm một lớp áp lực nữa lên các nhà sản xuất ô-tô.

Ô-tô Trường An

Ô-tô Trường An là nhà sản xuất ô-tô lâu đời nhất của Trung Quốc. Đây cũng là doanh nghiệp công nghiệp-quân sự lâu đời nhất của Trung Quốc, có lịch sử bắt đầu từ năm 1862, khi công ty bắt đầu với tên gọi là Cục Súng nước ngoài Thượng Hải.

Ngày nay, với tư cách là chi nhánh của Tập đoàn Thiết bị Vũ khí Trung Quốc, Trường An là nhân tố cốt lõi của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương. Tập đoàn này nằm dưới sự quản lý bán quân sự và trong thời chiến, sẽ chuyển thành một đơn vị quân đội.

Vào ngày 29/4, Trường An đã công bố báo cáo tài chính quý đầu tiên đáng thất vọng, cho thấy thu nhập của công ty đã tăng 7,14% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt 1,16 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 160 triệu USD), giảm mạnh gần 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù lợi nhuận ròng của Trường An giảm, nhưng doanh số bán hàng thực tế đã tăng đáng kể: nhà sản xuất ô-tô đã bán được 692.100 xe trong quý đầu tiên của năm 2024, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, doanh số bán xe điện đạt tổng cộng 128.800 xe, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu của gã khổng lồ ô-tô đã lao dốc vì tin xấu. Vào ngày 30/4, giá đóng cửa của cổ phiếu Trường An đã giảm xuống còn 14,72 CNY (2,4 USD) và giá trị thị trường của công ty đã bốc hơi 16,2 tỷ CNY (2,25 tỷ USD). Guotai Junan, một công ty chứng khoán lớn tại Trung Quốc đã bán tháo 1,84 tỷ CNY (khoảng 255 triệu USD) cổ phiếu của Trường An.

Một tuần sau, vào ngày 7/5, giá đóng cửa của công ty đã giảm xuống chỉ còn 14,46 CNY (2 USD).

Ô-tô Trường An đổ lỗi cho sự cạnh tranh về giá khiến lợi nhuận ròng giảm mạnh. Công ty đặt hy vọng vào việc cải thiện lợi nhuận trong các giai đoạn sau bằng cách giảm chi phí và tung ra các sản phẩm chạy điện.

Tập đoàn Động cơ Đông Phong

Tập đoàn Động cơ Đông Phong là một nhà sản xuất ô-tô nhà nước lớn khác có nền tảng về quân sự. Đông Phong bắt đầu sản xuất xe tải cho quân đội Trung Quốc vào cuối những năm 1960. Ngày nay, đây là một trong "4 ông lớn" sản xuất ô-tô thuộc nhà nước của Trung Quốc, cùng với Động cơ SAIC (SAIC Motor), Tập đoàn FAW (FAW Group) và Ô-tô Trường An.

Công ty này bán phương tiện chở khách, xe điện và xe địa hình hạng sang. Công ty cũng sản xuất xe bọc thép quân sự và các biến thể dân sự của những loại xe đó. Đông Phong có lịch sử xuất khẩu xe quân sự sang các khu vực có chiến tranh, bao gồm Myanmar và Sudan.

Đông Phong đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 vào cuối tháng 3, cho thấy mặc dù công ty có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp tính theo năm, nhưng lợi nhuận ròng lại giảm.

Đây là lần đầu tiên công ty báo lỗ kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2005.

Cạnh tranh gay gắt

Cuộc đua về giá trên thị trường xe điện Trung Quốc đã trở nên gay gắt hơn đáng kể. Trong năm năm từ 2018 đến 2023, hơn 400 công ty xe điện đã buộc phải rời khỏi thị trường do sự cạnh tranh gay gắt, theo bài báo từ phương tiện truyền thông tài chính Trung Quốc stcn.com.

BYD, hãng xe điện hàng đầu của Trung Quốc, đã công bố vào tháng 3 rằng họ sẽ bán các mẫu xe trong phạm vi 100.000 CNY (13.800 USD) với mức chiết khấu khoảng 20% và sẽ giảm giá đáng kể cho tất cả các mẫu xe. Các thương hiệu khác đã giảm giá từ 10.000 đến 30.000 CNY (1.380 đến 4.150 USD). Ô-tô Trường An đã giảm giá xe SUV lai cắm điện gần 30%.

Ông Zhu Huarong, chủ tịch Ô-tô Trường An, cho biết tại một hội nghị ngành công nghiệp ô tô vào ngày 16/1 rằng ngành công nghiệp ô-tô Trung Quốc "đang phải vật lộn với sự cạnh tranh hỗn loạn ... bước vào kỷ nguyên bất ổn và hỗn loạn". Ông Zhu cho biết ông dự đoán ngành công nghiệp xe điện sẽ có những thay đổi đáng kể trong 2 năm tới và có thể sớm hơn.

Ông Zhu lưu ý rằng với chi phí vẫn ở mức cao, ngành công nghiệp xe điện đang thua lỗ. Ví dụ, trong số hơn 70 thương hiệu xe chở khách trên thị trường Trung Quốc, chỉ có 4 hoặc 5 thương hiệu thực sự có lãi.

Đòn trừng phạt của Mỹ

Khi các công ty phương Tây rút khỏi thị trường ô-tô tại Nga, các công ty ô-tô Trung Quốc đã gặt hái được lợi nhuận. Từ tháng 1 đến tháng 10/2023, Ô-tô Trường An đã bán được 33.374 xe tại Nga, đứng thứ năm trong số 10 hãng bán ô-tô hàng đầu tại quốc gia này. Hiện tại, Ô-tô Trường An đang bán 14 mẫu xe trên thị trường Nga, nhiều nhất trong số bất kỳ thương hiệu Trung Quốc nào.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ ngày càng trừng phạt sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các hoạt động quân sự của Nga và các lệnh trừng phạt đó nhắm cụ thể vào các công ty như Trường An.

Vào ngày 17/4, Dân biểu Hoa Kỳ Mike Gallagher, chủ tịch Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện về Các vấn đề của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ba thành viên của Hạ viện đã đề xuất Đạo luật KHÔNG GIỚI HẠN, ám chỉ đến "Quan hệ đối tác không giới hạn" của Nga và Trung Quốc.

Theo Đạo luật KHÔNG GIỚI HẠN, Trung Quốc "tăng quy mô tổ hợp công nghiệp-quân sự của đất nước bằng cách buộc các công ty dân sự Trung Quốc hỗ trợ các hoạt động tình báo và quân sự của mình. Những công ty đó, mặc dù bề ngoài vẫn là tư nhân và dân sự, nhưng lại trực tiếp hỗ trợ các bộ máy quân sự, tình báo và an ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hỗ trợ việc phát triển và hiện đại hóa các bộ máy này".

Đạo luật chỉ ra "ranh giới mờ nhạt cố hữu" giữa các công ty dân sự và quân đội Trung Quốc như là lý do chính đáng cho các lệnh trừng phạt mới.

Do đó, đạo luật đặc biệt kêu gọi trừng phạt các công ty nước ngoài là "các công ty quân sự Trung Quốc đã được biết đến" hoặc "nhà xuất khẩu ô tô bị che đậy sang Liên bang Nga".

Đạo luật này sẽ cho các công ty trong danh sách thời hạn 180 ngày để rời khỏi thị trường Nga hoặc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt đầy đủ của Hoa Kỳ. Đạo luật này bao gồm danh sách hơn 50 công ty Trung Quốc, bao gồm Quốc tế Trường An, một tên gọi khác của Ô-tô Trường An, và 4 công ty ô-tô khác.

Trong khi đó, vào ngày 1/5, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga vì cuộc chiến tranh Ukraine. Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với gần 200 công ty, trong khi Bộ Ngoại giao chỉ định ra hơn 80 công ty. Một thông cáo báo chí của Bộ Tài chính cho biết Hoa Kỳ "đặc biệt quan ngại về các thực thể có trụ sở tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và các nước thứ ba khác cung cấp đầu vào quan trọng cho cơ sở công nghiệp-quân sự của Nga".

Phản đối Trung Quốc bán phá giá xe điện

Ngoài lệnh trừng phạt, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang phải vật lộn với sự phản đối ngày càng tăng từ Châu Âu và Hoa Kỳ đối với các hành vi thương mại của Trung Quốc.

Vào tháng 10/2023, Liên minh Châu Âu tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc để xác định xem có nên áp dụng thuế chống bán phá giá hay không. Cuộc điều tra sẽ xác định xem xe điện Trung Quốc có "được hưởng lợi từ trợ cấp bất hợp pháp hay không và liệu trợ cấp này có gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại kinh tế" cho các nhà sản xuất xe điện của EU hay không, một thông cáo báo chí cho biết.

Đòn đánh kép vào các công ty ô-tô Trung Quốc có liên hệ với quân đội
Xe điện xuất khẩu xếp chồng tại bến container quốc tế của cảng Thái Thương ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 16/4/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Một báo cáo ngày 29/4 của Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu của Hoa Kỳ, lưu ý rằng Ủy ban châu Âu có khả năng áp dụng mức thuế từ 15 đến 30% do cuộc điều tra. Tuy nhiên, báo cáo có tựa đề "Không có mức thuế nào đủ cao" đã cảnh báo rằng ngay cả với mức thuế cứng rắn, xe điện Trung Quốc vẫn sẽ có lãi, dự đoán rằng cần phải áp mức thuế từ 40 đến 50% "để khiến thị trường EU trở nên kém hấp dẫn" đối với các nhà xuất khẩu xe điện Trung Quốc.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng kêu gọi tăng thuế đối với ô-tô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, khi đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 4, đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các hoạt động thương mại không công bằng và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc có thể gây ra hậu quả tiềm tàng cho thế giới.

Ông Blinken nhấn mạnh vào một số sản phẩm công nghiệp thiết yếu như tấm pin mặt trời, xe điện và pin, đồng thời bày tỏ mối quan ngại rằng "Chỉ riêng Trung Quốc đang sản xuất trên 100% nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm này, làm tràn ngập thị trường, làm suy yếu sự cạnh tranh, gây nguy hiểm cho sinh kế và các doanh nghiệp trên toàn thế giới".

"Đây là một bộ phim mà chúng ta đã từng xem trước đây và chúng ta biết nó sẽ kết thúc như thế nào - với các doanh nghiệp Mỹ đóng cửa và việc làm của người Mỹ bị mất", ông nói thêm.

Vào ngày 14/5, chính quyền Biden, nhắm vào "các hoạt động không công bằng, phi thị trường" của Trung Quốc, đã tuyên bố sẽ tăng thuế đối với nhiều loại sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm cả xe điện. Các biện pháp mới sẽ tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện của Trung Quốc, từ 25% lên 100%.

Hỗn loạn chính trị

Các nhà sản xuất ô tô bị cuốn vào tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc đang phải đối mặt với một áp lực khác từ bên trong Trung Quốc.

Từ năm ngoái, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc thanh trừng trên diện rộng đối với các quan chức cấp cao - đặc biệt là trong quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng, và được mở rộng sang cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác.

Chiến dịch này đã tác động tới nhiều sĩ quan quân đội và giám đốc của các tổ hợp công nghiệp-quân sự. Hàng chục giám đốc cấp cao tại các công ty nhà nước đã bị thay thế trong năm qua và xu hướng này vẫn tiếp tục.

Trong khi cuộc thanh trừng rõ ràng nhằm mục đích loại bỏ các yếu tố có thể thách thức quyền lực của ông Tập, các doanh nghiệp như Đông Phong vốn đã thu hút sự chú ý vì lợi nhuận giảm cũng đã bị cuốn vào.

Theo bài báo ngày 17/4 từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc The Paper, ban lãnh đạo của Đông Phong đã bị giám sát chặt chẽ trong "một cơn bão chống tham nhũng". Hơn 20 quan chức và giám đốc đã bị cách chức trong 6 tháng qua, trong một cuộc thanh trừng toàn công ty. The Paper đã đi sâu viết về chi tiết của khoản lỗ kỷ lục của Đông Phong.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đòn đánh kép vào các công ty ô-tô Trung Quốc có liên hệ với quân đội