GDP của Trung Quốc quý 2 tăng trưởng đáng thất vọng 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc vừa công bố GDP quý 2 tăng trưởng đáng thất vọng hơn nhiều so với kỳ vọng vì dịch bệnh bùng phát lại ở nhiều tỉnh. Có vẻ vaccine của Trung Quốc không hiệu quả như quảng bá. Có vẻ như, sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, các con số dù ảo cũng không thể lộng lẫy để chào mừng sự kiện này.

Tăng trưởng GDP quý 2 năm 2021 của Trung Quốc chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (vốn là mức rất thấp do đại dịch). Mức tăng này không chỉ thấp hơn tới 2,5 lần so với mức tăng trưởng GDP quý 1 của nền kinh tế này so cùng kỳ là 18,3% mà còn thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường là 8,1%.

Tính chung cả 6 tháng, nền kinh tế đã tăng trưởng 12,7%, trong bối cảnh ảnh hưởng cơ bản thấp từ sự sụt giảm do coronavirus gây ra vào năm ngoái. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là “trên 6%" cho năm 2021 sau khi GDP tăng thấp nhất trong 4 thập kỷ là 2,3% vào năm 2020.

GDP của Trung Quốc tăng thấp hơn kỳ vọng trong quý 2/2021 bất chấp mở cửa nền kinh tế sớm nhất thế giới mà là nơi cung nguồn vaccine nhiều nhất ra thế giới (Nguồn: Trading Economics)
GDP của Trung Quốc tăng thấp hơn kỳ vọng trong quý 2/2021 bất chấp mở cửa nền kinh tế sớm nhất thế giới mà là nơi cung nguồn vaccine nhiều nhất ra thế giới (Nguồn: Trading Economics)

Điều gì làm kinh tế của Trung Quốc không còn là nơi mặt trời chiếu sáng duy nhất trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh sự phục hồi của các nền kinh tế lớn khác đều đang bám sát kỳ vọng thị trường thì có vẻ như Trung Quốc đang tụt lại? Dĩ nhiên, xu hướng này chỉ so sánh với các nền kinh tế lớn, chứ không so sánh với các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á đang loay hoay chống đỡ với đại dịch.

Theo giải thích của các tạp chí tài chính hàng đầu thế giới là do bệnh dịch bùng phát lại tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước Trung Quốc và do giá cả hàng hóa đầu vào trong sản xuất tăng mạnh.

Nghịch lý hay hiệu quả tồi của vaccine?

Các nước phát triển Mỹ và Châu Âu từ bỏ trạng thái đóng cửa và nền kinh tế bắt đầu bước vào phục hồi dù còn nhiều yếu tố bất trắc. Khác với các nền kinh tế này, Trung Quốc dù từ bỏ trạng thái đóng cửa sớm nhất thế giới và tiêm vaccine "made in China" nhanh nhất thế giới thì lại đang tụt dốc tăng trưởng, loay hoay với các vấn đề rủi ro vỡ nợ tín dụng, vỡ bong bóng giá bất động sản và giải cứu thanh khoản...

Trung Quốc tuyên bố chống dịch thành công chỉ sau 2 tháng nhờ đóng cửa cực đoan và mở cửa sản xuất, hoạt động trở lại ngay khi cả thế giới đóng cửa hoặc buộc phải đóng cửa (các chính trị gia chịu áp lực phải đóng cửa) nền kinh tế theo khuyến cáo của WHO hồi tháng 2/2020 (chỉ 7 tuần sau khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc): "cả thế giới nên học đóng cửa theo Trung Quốc để phòng ngừa bệnh dịch".

Nhờ thành công trong tuyên truyền đóng cửa để ngăn đại dịch, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương, tất cả các đối thủ kinh tế của nó đều tăng trưởng âm.

Ngay sau đó, Trung Quốc gần như là quốc gia đầu tiên tuyên bố nghiên cứu thành công vaccine chống virus Corona Vũ Hán. Toàn dân Trung Quốc tiêm phòng ngừa bệnh dịch và Trung Quốc cam kết cung cấp hàng tỷ liều vaccine cho toàn thế giới theo chương trình ngoại giao, đổi chác các lợi ích chính trị nhờ vaccine.

Về lý mà nói, với lượng vaccine khổng lồ, với các sản phẩm phòng chống dịch mà Trung Quốc đã bán được nhờ đại dịch đáng lẽ ra con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc nên cao hơn kỳ vọng của thị trường, đặc biệt trên nền tảng so sánh thấp của năm 2020.

Về lý mà nói, Trung Quốc có vaccine trong tay, Trung Quốc cũng là nơi phát xuất ra nguồn virus tồi tệ này, là nơi nắm giữ bộ mã gen đầy đủ nhất, Trung Quốc cũng tuyên bố dẹp dịch thành công nhất thì Trung Quốc nên là nơi không thể tái bùng phát dịch bệnh ở mức mà làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng trong năm 2021 này.

Điều này chỉ có thể giải thích vaccine "made in China" không hiệu quả như nó được quảng bá, hoặc với quá nhiều biến thể, đột biến khác thường (vốn chỉ nên là sản phẩm của phòng thí nghiệm) khiến vaccine không thể hiệu quả như kỳ vọng của các nhà sản xuất.

Sản xuất và tiêu dùng bị xói mòn vì lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá sản xuất (PPI) của nước này tháng 5/2021 đã tăng 9,0% so với một năm trước đó do giá dầu thô, quặng sắt và kim loại màu tăng đáng kể. Con số này vượt mức dự đoán 8,5% trong cuộc thăm dò của Reuters, và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 6,8% của tháng 4/2021. Hiện Trung Quốc chưa công bố giá nhà sản xuất tháng 6. Tuy nhiên, với giá hàng hóa thế giới tăng mạnh như hiện nay, giá nhà sản xuất của Trung Quốc khó có thể giảm hoặc ổn định.

Chỉ số PPI của Trung Quốc tăng mạnh, chỉ số CPI tăng chậm hơn. (Nguồn: Bloomberg) 
Chỉ số PPI của Trung Quốc tăng mạnh, chỉ số CPI tăng chậm hơn. (Nguồn: Bloomberg)

Giá sản xuất luôn là phản ánh sớm hơn của lạm phát. Do khoảng cách giàu nghèo quá lớn khi 2/3 dân số Trung Quốc không có quyền tiêu dùng, lạm phát sẽ là cú đấm lớn vào nền kinh tế đang loay hoay tìm kiếm tăng trưởng GDP dựa vào tiêu dùng trong nước.

Nhưng đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán, dù xuất hiện ở Trung Quốc bằng cách nào, có tính toán hay không có tính toán, thì đối tượng tổn thương mạnh mẽ nhất chính là tầng lớp trung lưu và nghèo của Trung Quốc. Đại dịch thu hẹp tầng lớp trung lưu, mở rộng quy mô của người dân mất quyền tiêu dùng sẽ ngày càng chật vật khi lạm phát lương thực, nhiên liệu và lạm phát chung toàn nền kinh tế gia tăng mạnh ở nước này.

Lạm phát còn bị thổi phồng thêm bởi yếu tố chủ quan từ thị trường tài chính: nợ xấu và đổ vỡ của các doanh nghiệp bất động sản gia tăng sau đại dịch khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải tiếp tục nới rộng cung tiền, không phải vì để tăng trưởng mà vì để chống đỡ với tình trạng kẹt thanh khoản. Tiền càng nhiều để đáo nợ, giá trị đồng tiền càng suy giảm nhanh, lạm phát qua hệ thống trung gian này sẽ ngấm thêm vào nền kinh tế thực, tiếp tục làm hao mòn năng lực của các nhà sản xuất Trung Quốc, suy giảm mạnh mẽ khả năng chi trả của người lao động Trung Quốc. Tất cả các lý do này giải thích vì sao GDP của Trung Quốc (số công bố vốn chưa bao giờ đáng tin cậy) lại có thể thấp hơn kỳ vọng.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

GDP của Trung Quốc quý 2 tăng trưởng đáng thất vọng