Giới trẻ Trung Quốc bắt đầu tiết kiệm tiền ‘để trả đũa’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi đại dịch kết thúc, các nước trên thế giới đã chứng kiến ​​một làn sóng ‘tiêu dùng trả đũa’, và hậu quả vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Tuy nhiên, tình trạng ngược lại đã xuất hiện ở Trung Quốc, giới trẻ ngày càng ưa chuộng ‘tiết kiệm trả đũa’ và đặt ra mục tiêu tiết kiệm hàng tháng rất cao.

Sau đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc chưa thể thoát ra khỏi tình trạng u ám, thị trường bất động sản sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng vọt và niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục suy giảm. Lúc này, giới trẻ Trung Quốc không tiêu dùng bộc phát như các bạn cùng lứa ở nước khác mà tiết kiệm một cách khắt khe.

Trong vòng hai năm qua, trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, nhiều hashtag liên quan đến tiết kiệm đã lần lượt được tạo ra, ví dụ như 'Chiến dịch tiết kiệm lớn', 'Check-in tiết kiệm', 'Tích lũy đồng xu vàng' v.v. Hãng tin CNBC của Mỹ chỉ ra rằng, trong giới trẻ Trung Quốc, "tiết kiệm để trả thù" đã trở thành một xu hướng.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, một cô gái 26 tuổi với tên người dùng ‘Xiao Zhai Zhai’ đã trình bày chi tiết cách cô xoay sở để sống trong vòng một tháng với 300 nhân dân tệ (41,28 USD), cùng với nhiều video cô chia sẻ hướng dẫn cách giảm chi phí bữa ăn hàng ngày đến dưới 10 nhân dân tệ ($1,38).

Những người khác đang tìm kiếm “đối tác tiết kiệm tiền” trên mạng xã hội. ‘Tanzi’ dùng để chỉ những đối tác có chung lợi ích trong một lĩnh vực nhất định và cùng nhau tham gia vào các hoạt động nhất định. Đó là một nền văn hóa xã hội mới xuất hiện ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Những người dùng này tạo thành một vòng tròn tiết kiệm trực tuyến để đảm bảo các thành viên bám sát mục tiêu của họ. Tiết kiệm cũng bao gồm việc ăn ở căng tin cộng đồng, thường dành cho người già và tương đối rẻ.

Shaun Rein, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc (China Market Research Group) , nói với CNBC: “Giới trẻ Trung Quốc có tâm lý tiết kiệm trả đũa”.

Ông Rein cho rằng, niềm tin của giới trẻ Trung Quốc đã bị mất đi, họ cần phải mất vài năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa để phục hồi trước khi có thể thoải mái tiến hành "tiêu dùng để trả thù".

Ông Shaun Rein cho biết: "Những người trẻ vào những năm 2010 thường chi tiêu nhiều hơn cả số tiền họ kiếm được, họ vay nợ để mua những sản phẩm cao cấp như túi Gucci và iPhone. Nhưng bây giờ thì khác, giới trẻ Trung Quốc đang bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn".

‘Tiêu dùng ngược’ và ‘nền kinh tế keo kiệt’ cũng là những tín hiệu cho thấy giới trẻ Trung Quốc đang siết chặt ví tiền của mình. ‘Tiêu dùng ngược’ có nghĩa là có ý thức giảm chi tiêu, còn ‘nền kinh tế keo kiệt’ là chỉ việc tích cực tìm kiếm các mức giảm giá và ưu đãi khi mua sắm.

Trong giới trẻ Trung Quốc còn có trào lưu ‘du lịch lực lượng đặc biệt’, tức là phương thức di chuyển giống như của lực lượng đặc biệt, ‘thử thách giới hạn’, tham quan những danh lam thắng cảnh đẹp nhất trong thời gian ngắn nhất và chi tiêu ít tiền nhất.

Vậy tại sao giới trẻ Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn trong việc tiêu tiền?

Ông Christopher Beddor, phó Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, nói với CNBC: “Những người trẻ tuổi có thể cũng cảm thấy giống như những người khác: tình hình kinh tế không tốt”.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tổng tiền gửi bằng Nhân dân tệ của hộ gia đình đã tăng 11,8% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024.

Đồng thời, thị trường lao động chặt chẽ đang làm trầm trọng thêm những khó khăn mà giới trẻ phải đối mặt.

Cô Jia Miao, trợ lý giáo sư tại Đại học New York Thượng Hải, cũng cho biết: “Việc mọi người từ chối tiêu tiền là một hiện tượng thực tế”.

Cô nói thêm: "Đối với một số người trẻ, đó là vì họ không tìm được việc làm hoặc họ cảm thấy khó khăn hơn trong việc tăng thu nhập. Vì vậy, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu dùng ít hơn".

Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ có việc làm của sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc ngày càng xấu đi. Theo báo cáo ‘Khảo sát về khả năng tìm việc của sinh viên đại học năm 2024’ do Zhaopin Recruitment công bố vào tháng trước, chỉ 48% sinh viên mới tốt nghiệp nhận được thông báo tuyển dụng không chính thức, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, tỷ lệ cái gọi là "việc làm chậm" và "việc làm tự do" trong số sinh viên mới tốt nghiệp đã tăng từ 18,9% và 13,2% năm ngoái lên lần lượt là 19,1% và 13,7% trong năm nay.

Chính quyền Trung Quốc tránh nói về "thất nghiệp" và thường sử dụng các thuật ngữ như "việc làm chậm", "việc làm nhẹ", "việc làm linh hoạt" và "kinh tế tự doanh" để gây nhầm lẫn cho công chúng.

Theo các cuộc khảo sát, 90% sinh viên tốt nghiệp không quá chú trọng vào việc tìm được một "công việc tốt", mà chủ yếu tìm kiếm một công việc. Tỷ lệ ký hợp đồng tại các thành phố cấp 3 trở xuống cũng đang tăng lên, chiếm khoảng 1/4 tổng số hợp đồng ký kết.

Điều này cho thấy, các sinh viên tốt nghiệp đang không quá câu nệ vào việc tìm được một công việc lý tưởng, mà chỉ cần một công việc ổn định, thay vì chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Họ dường như chấp nhận việc làm tại các thành phố nhỏ hơn, miễn là có công việc.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giới trẻ Trung Quốc bắt đầu tiết kiệm tiền ‘để trả đũa’