Ho dai dẳng, người đàn ông 45 tuổi bàng hoàng khi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Anh T. (45 tuổi, quê Hải Dương) ngồi bần thần ngoài sảnh của Bệnh viện K (Tân Triều) sau khi nhận kết quả xét nghiệm.

Nhiều tháng nay, anh bị ho kéo dài không khỏi. Do từng mắc COVID-19 vào năm 2022 với triệu chứng tương tự, nên anh cho rằng đó chỉ là vấn đề hậu COVID.

Mặc dù trong vài tháng gần đây, anh T. thỉnh thoảng bị ho kèm ra máu, nhưng anh vẫn cho rằng bản thân mình có sức khoẻ tốt như thanh niên, chẳng mấy khi ốm đau bệnh tật, nên không có ý định kiểm tra sức khoẻ.

Tuy nhiên, khi được gia đình giục khám, anh mới miễn cưỡng thử một lần. Thế nhưng, chẩn đoán của bác sĩ như tiếng sét ngang tai, anh T. cảm thấy mọi thứ xung quanh sụp đổ hoàn toàn.

Bác sĩ cho biết, anh bị ung thư phổi giai đoạn 4. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn này, rất khó để kéo dài thời gian sống.

Là trụ cột kinh tế của gia đình (có vợ cùng hai con nhỏ), anh T. ân hận, cho rằng nếu khám ngay từ đầu, thì bệnh đã không đến mức này, nếu không chủ quan và tự kết luận là vấn đề hậu COVID-19, anh đã có thể sống thêm được nhiều năm.

Trên phạm vi toàn cầu, ung thư phổi là bệnh lý phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư.

Riêng tại Việt Nam, số ca mắc ung thư phổi là hơn 26.000 trường hợp, chiếm tỷ lệ lớn thứ hai ở cả hai giới. Tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam là khoảng 23/100.000 dân, tỷ lệ tử vong 21,9/100.000 dân, theo thống kê của tổ chức GLOBOCAN năm 2020.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, chuyên ngành ung thư và phẫu thuật thẩm mỹ tại Hà Nội, cho biết triệu chứng ho dai dẳng là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi.

Vậy nên, bất kỳ ai xuất hiện tình trạng tương tự, không nên chờ đợi mà hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Đặc biệt, các trường hợp hút thuốc lá, người đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm qua hoặc người ở độ tuổi từ 55 – 80 nếu có hiện tượng ho kéo dài thì càng không được chần chừ. Theo chuyên gia, những người này nên tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng/lần.

Tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của tổn thương, mà các triệu chứng do ung thư phổi gây ra sẽ không giống nhau.

Tuy nhiên, khi bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Chỉ khi bước sang giai đoạn muộn hơn, khối u xâm lấn tại chỗ, tại vùng hoặc di căn xa mới gây ra các triệu chứng.

Nhìn chung, bệnh ung thư phổi thường có các dấu hiệu gồm:

  • Ho dai dẳng không khỏi sau 2 – 3 tuần.
  • Cảm thấy hụt hơi, tức ngực, cảm giác như không thở được, không có đủ không khí để hít thở.
  • Ho ra máu (ngay cả khi lượng nhỏ) hoặc chất nhầy lẫn máu.
  • Cảm thấy đau ở ngực, đặc biệt trở nên nặng hơn là khi hít thở sâu, ho hoặc cười.
  • Khàn giọng, có giọng nói nghe có vẻ căng thẳng hoặc có tông trầm hơn, nhỏ hơn về âm lượng.
  • Thở khò khè.
  • Người mệt mỏi.
  • Đau xương, giới hạn vận động, cảm giác.
  • Đau tay, vai và mắt
  • Các vấn đề về mắt, chẳng hạn như đồng tử của một bên mắt nhỏ hơn, mí mắt sụp xuống và ít tiết mồ hôi hơn so với nửa bên mặt còn lại.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng như viêm phế quản và viêm phổi
  • Nam giới bị sưng và đau ở mô vú.
  • Đau nhức đầu, buồn nôn, rối loạn nhận thức, rối loạn vận động, các triệu chứng thần kinh khu trú khác.

Nhật Duy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ho dai dẳng, người đàn ông 45 tuổi bàng hoàng khi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối