Hội chứng sau nghỉ hưu - Cuộc sống mới bắt đầu ở tuổi 70

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khổng Tử 30 tuổi học có thành tựu, 40 tuổi không còn mê hoặc nghi ngờ gì cả, 50 tuổi hiểu được mệnh Trời, 60 tuổi nghe gì cũng thuận tai. Ngài đã làm như thế nào để đạt được cảnh giới ấy? Khi hầu hết mọi người bước sang tuổi 30, họ không biết mình cần làm gì? Đến tận 60 tuổi cũng khó mà có được tâm thái thông suốt không nghi hoặc, hiểu được vận mệnh, an thân lập mệnh, an vui với phận của mình, nghe gì cùng thuận tai không cản trở.

Một nghiên cứu của Hội đồng Phát triển Kinh tế của Viện Hành chính ước tính rằng vào năm thứ 115 của Trung Hoa Dân Quốc (tức năm 2026), dân số cao tuổi của Đài Loan chiếm 19,3% tổng dân số, tức là cứ 5 người thì có 1 người già. Tới một lúc nào đó, không biết các ghế ưu tiên trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ nhường cho cho ai ngồi? Tỷ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi là 67%, nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Năm bệnh mãn tính phổ biến nhất: huyết áp cao, đục thủy tinh thể, bệnh tim, bệnh dạ dày và bệnh khớp. Đôi vai của thế hệ trẻ mang gánh nặng, cho đến lúc, bản thân họ cũng cùng chung gánh nặng bệnh tật đó như các bậc cao niên của mình.

Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy giai đoạn làm việc hiệu quả nhất trong cuộc đời một người là từ 60 đến 70 tuổi. Giai đoạn năng suất cao thứ hai là ở độ tuổi từ 70 đến 80. Giai đoạn năng suất cao thứ ba là từ 50 đến 60 tuổi.

Độ tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel là 62 tuổi.Tuổi trung bình của các giáo hoàng là 76, cho nên tuổi tác không phải là vấn đề, tâm thái mới là vấn đề.

Một vị chủ quản trong một cơ quan nhà nước, thường ngày hô phong hoán vũ, khí thế nhất ngôn cử đỉnh, tiền hô hậu ủng, ông có năng lực lãnh đạo cùng sức thu hút mạnh mẽ. Luật pháp công bằng, tới 65 tuổi thì phải nghỉ hưu, chưa đủ tuổi thì muốn nghỉ hưu cũng không thể được, lớp người sau cũng đang chờ sẵn để thay thế ông.

Dù những bài phát biểu chúc mừng và tiệc chia tay có hoành tráng đến đâu, thì ông cũng sớm cảm thấy khoảng cách và sự cô đơn hẫng hụt giữa cảnh đám đông náo nhiệt và cảnh trống vắng lạnh nhạt của nhân tình, đặc biệt là trong dịp lễ tết và sinh nhật lại càng thêm rõ nét. Càng leo cao, ngã càng đau, đó có phải là do lòng người bạc bẽo? Hay hiện thực thường tàn khốc? Ông sẽ trải qua những ngày tiếp theo như thế nào đây?

Nửa năm sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu bị chóng mặt, nhức đầu, đầy hơi trong bụng, có khi ngủ không ngon giấc, toàn thân đau nhức, tinh thần sao lại bị rơi vào vực sâu muôn trượng như vậy? Có vẻ như não cũng không linh hoạt nữa? Làm sao có thể khác biệt đến vậy? Làm sao cơ thể con người lại có thể suy sụp nhanh đến thế chỉ sau một lằn ranh mong manh? Không thể như vậy được! Các con ông giục ông đi khám bác sĩ.

Vị quan lớn ngày nào xuất hiện trong phòng khám, oai phong lẫm liệt, khí thế tướng quân vẫn hiện rõ giữa hai lông mày, nhưng nhãn thần lại mê mang. Sau khi kiểm tra, có vẻ như bệnh tình không nghiêm trọng như ông ấy nói, có phải là hội chứng sau nghỉ hưu không? Điều trị bằng châm cứu.

Điều trị châm cứu

Để sảng khoái tinh thần, châm cứu huyệt Bách Hội; làm an tâm, châm hai bên huyệt Thần Đình; để lạc quan hơn, châm cứu huyệt Thái Dương, châm từ trên xuống dưới; khơi lên suy nghĩ tích cực, châm cạnh huyệt Thái Dương 0.2 thốn, châm xuyên từ dưới lên trên; dưỡng tỳ vị, châm cứu huyệt Túc Tam Lý, Tam Âm Giao; trị chóng mặt, nhức đầu, châm huyệt Phong Trì; khai mở các khớp chân tay, châm các huyệt Hợp Cốc, Thái Xung.

Ôn Tần Dung và cuốn sách 'Lục chỉ y thủ - Vị vô minh điểm đăng' của bà. (Tổng hợp)

Sau khi châm cứu, tôi kê cho ông một phương thuốc: mỗi ngày đi bộ 30 phút sau bình minh và trước khi trời tối. Sau lần tái khám vào tuần thứ hai, tinh thần của ông đã khá hơn nhưng ông bảo rằng việc đi bộ rất nhàm chán. Tôi cho thêm một phương thuốc khác: Đếm các cột đèn đường khi đi bộ. Nếu thấy đèn đường không hoạt động, hãy ghi lại và thông báo cho công ty điện lực. Trong mắt ông tràn đầy sự nghi hoặc không nói thành lời, đây là phương thuốc gì vậy? Đầu óc thầy thuốc có vấn đề gì không?

Thực ra, điều khiến chúng ta hạnh phúc trong cuộc sống lại là những điều rất đỗi bình dị nhỏ nhoi, không liên quan tới những thứ quan trọng cấp bách. Ông có đầu óc tốt hơn tôi, tự mình tăng thêm nội dung đơn thuốc, đi bộ theo các đường khác nhau mỗi ngày, sau khi đi bộ qua khu nơi ông sống, đi tiếp sang khu khác, thời gian đi bộ giới hạn từ 1 đến 2 giờ. Sau khi đi hết các con đường, nếu không thể đi bộ đến nơi, thì ông bắt xe buýt. Sau khi xuống xe, lại tiếp tục đi bộ và tận hưởng niềm vui đó. Đi xe buýt ở Đài Trung miễn phí 10 km và có ưu đãi dành cho người già, người cao tuổi trên 65 tuổi được cấp thẻ xe buýt hàng tháng trị giá 1.000 Đài tệ và họ không thể sử dụng hết.

Mỗi lần trở lại phòng khám, ông đều báo cáo về những khó khăn cùng những công đức làm được, liên tục hơn nửa năm, số cột đèn đã đếm xong, nghi chép đã hoàn tất. Tôi đưa ra một phương thuốc khác: Hãy quan sát việc xây dựng các công viên nhỏ ở khu vực Đài Trung, miếu Thổ Thần, và các phong cách kiến trúc đặc biệt, ông ghi chép cẩn thận, vui vẻ làm không biết mệt. Một năm như thế đã trôi qua, không biết đã mòn bao nhiêu đôi giày đi bộ. Vị quan chức ấy đã trở thành cổng thông tin của tôi và luôn chia sẻ những thành tích của ông mỗi khi đến phòng khám.

Cảm hứng cùng lạc thú của thế nhân cũng có lúc nhàm chán sao? Ông nói thấy hơi mệt. Tôi đưa ra phương thuốc cuối cùng: viết tiểu sử và hồi ký cá nhân, đối với một người giỏi giang như ông, ắt phải có nhiều đề tài để viết.

Vị quan viên âu sầu hỏi: "Tôi viết cái này cho ai xem? Ai thèm để ý? Nhà xuất bản nào sẽ xuất bản nó?"

Tôi nói: "Viết cho chính mình và cho con cháu, đâu cần phải xuất bản in ấn gì, tự mình vui là được rồi, sắp xếp lại cuộc sống một chút, dặn dò con cháu đôi điều."

Sau khi phương thuốc được đưa ra, từ đó ông vắng bóng và tôi gần như cũng quên bẵng chuyện này.

Ba năm sau, vào một buổi chiều đầy nắng, ông đến thăm và nói rằng ông ấy rất bận. Ông còn cho tôi xem tiểu sử của mình, ông đã viết liên tục 80 nghìn từ trong ba năm qua mà vẫn chưa xong. Ồ! Thật đáng nể! Khi ông bắt đầu viết hồi ký cũng là lúc ông tìm về cội nguồn của mình, cuộc hành trình dài trở về nơi chốn khi còn nhỏ, dưới bóng phượng, gốc đa đùa nghịch tung tăng.

Tìm những người bạn thời thơ ấu, cô bé lớp bên cạnh thủa nào nay đã lấy chồng ở đâu? Khi viết về người thân và bạn bè, ông đến thăm họ và xem họ hiện giờ sống ra sao? Khi viết về thầy cô, đi thăm những thầy cô đã phạt mình, yêu mình, ghét mình nhất để xem các vị ấy còn hay mất? Chỉ việc đi thăm họ hàng, bạn bè, thầy cô đã mất rất nhiều thời gian và công sức rồi.

Các đề tài của ông ngày càng trở nên phong phú, ngay cả những món đồ chơi tuổi thơ cũng được tái hiện và những giấc mơ xưa cũng được sống lại. Ông dường như trẻ lại, lấy lại được tuổi thanh xuân, cơ thể khỏe mạnh hơn, không còn mắc các bệnh mãn tính nữa, lấy lại phong thái xưa nhưng mới mẻ hơn nhiều. Nhìn cuộc sống của các bạn cùng lớp trong chặng đường dài chốn nhân sinh, thấy biết bao thăng trầm, bao nhiêu buồn khổ! Rất nhiều cảm xúc, thời gian trôi qua thật nhanh, cuộc đời thật ngắn ngủi, nhanh tới mức không đủ thời gian để tận hưởng những năm tháng thanh xuân, thì hoàng hôn tuổi già đã kéo tới bao trùm. Ông cũng vui vì có đủ cơm ăn áo mặc, sức khỏe tương đối tốt, các con cũng ổn định an bình, ơn Trời phù hộ!

Tâm hồn ông tràn ngập tuổi thơ, trong khi thân thể vẫn lưu nơi trần thế. Ông đã 70 tuổi, quả nhiên cuộc sống mới bắt đầu ở tuổi 70. Nhận thức lớn nhất là trước đây ông sống vì người khác, vì danh vì lợi, bây giờ sẽ vì điều gì mà sống đây? Trời cao sẽ ban cho bao nhiêu sự sống? những ngày còn lại có là bao?

Ông hoàn toàn hiểu được giá trị của cuộc sống, đời người thì ngắn ngủi! Hãy trân trọng từng khoảnh khắc và trân trọng duyên phận. Đôi khi, bệnh nhân trái lại đã mang đến cho tôi những đạo lý nhân sinh sâu sắc, quả là: Vô tâm cắm liễu liễu thành rừng.

Ngâm ngợi câu thơ của tiên thi Lý Bạch “Phù vân du tử ý, lạc nhật cố nhân tình” (tạm dịch: Để hồn theo mây trôi, chiều xuống nhớ người xưa), rồi lại ngâm nga câu thơ trong bài ‘Bốc toán tử’ “Tài thủy tống xuân quy, hựu tống quân quy khứ, nhược đáo Giang Nam cản thượng xuân, thiên vạn hòa xuân trú.” (Tạm dịch: Mới vừa tiễn xuân đi, lại phải đưa tiễn bạn ra đi, nếu tới Giang Nam vào tiết xuân, thì ngàn vạn điều tươi đẹp và mùa xuân đều ở nơi này), ý cảnh sâu xa, mang tới một nỗi buồn man mác.

Tuyển tự “Lục chỉ y thủ - vị vô minh điểm đăng”/nhà xuất bản Bác Đại.

Ôn Tần Dung - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hội chứng sau nghỉ hưu - Cuộc sống mới bắt đầu ở tuổi 70