Hội chứng sợ sốt: Khi nào cần lo lắng và khi nào nên để cơ thể tự chống chọi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sốt là phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể - tuy nhiên, "hội chứng sợ sốt" có thể khiến một số phụ huynh vội vã đưa con đi khám bệnh ngay cả khi không cần thiết.

Mặc dù sốt là triệu chứng phổ biến trong nhiều bệnh khác nhau và thường có lợi, cha mẹ thường cảm thấy lo lắng tột độ khi con bị sốt.

Hành vi này được gọi là "hội chứng sợ sốt", nó khiến nhiều bậc cha mẹ vội vàng liên hệ bác sĩ ngay lập tức dù đó chỉ là những cơn sốt nhẹ.

Sự lo lắng lan rộng như vậy thường bắt nguồn từ việc không hiểu bản chất của sốt - một phản ứng của hệ thống miễn dịch tự nhiên và có lợi.

Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tích cực hoạt động để phục hồi sức khỏe, không nhất thiết là dấu hiệu bệnh nặng thêm.

Phụ huynh không nên hoảng loạn hoặc sợ hãi với sốt. Thay vào đó, chúng nên được coi là một phần trong quá trình chữa bệnh tự nhiên của cơ thể. Hầu hết các trường hợp, sốt sẽ tự giới hạn và tự khỏi mà không cần can thiệp y tế.

Chúng đóng vai trò quan trọng bằng cách nâng cao nhiệt độ cơ thể lên mức hợp lý, không đủ để kích hoạt các mầm bệnh, giúp giảm hiệu quả sự lây lan nhiễm trùng bên trong cơ thể.

Hiểu điều này có thể chuyển hướng góc nhìn từ sợ hãi sang cách tiếp cận hợp lý hơn, trong đó tập trung vào sự thoải mái và theo dõi tình trạng của trẻ thay vì can thiệp ngay lập tức.

Sự thay đổi quan điểm này rất quan trọng trong việc kiểm soát căng thẳng tâm lý của cha mẹ liên quan đến bệnh tật ở trẻ em và có thể dẫn đến việc đưa ra quyết định hợp lý hơn khi cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Sốt là gì?

Sốt không phải là bệnh mà là một cơ chế sinh lý bảo vệ và chống lại nhiễm trùng.

Thực tế, sốt là cơ chế để chống lại nhiễm trùng và tăng cường khả năng của các tế bào bạch cầu trong việc chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn và virus.

Sốt kích thích hệ thống miễn dịch và khiến cơ thể ít thích hợp hơn với các mầm bệnh. Hiểu điều này có thể giúp cha mẹ nhìn nhận sốt không phải là kẻ thù mà là “đồng minh” của con mình.

Hội chứng sợ sốt: Nguồn gốc và tác động

Hội chứng này rất phổ biến ở các bậc cha mẹ và thậm chí cả một số nhân viên y tế.

Nguồn gốc của nỗi sợ này phần lớn là do văn hóa và lịch sử, vì sốt đã được mô tả là nguy hiểm trong nhiều thế kỷ qua với nhiều nền văn hóa khác nhau bao gồm La Mã, Ai Cập và thời Trung cổ.

Sự lo lắng về sốt thời hiện đại thường bắt nguồn từ các cuộc thảo luận giữa bác sĩ và cha mẹ xung quanh trẻ sơ sinh.

Ở trẻ sơ sinh, sốt có thể báo hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng và cần được kiểm tra ngay lập tức. Tuy nhiên, ở trẻ lớn hơn, sốt thường không mang lại những rủi ro tương tự.

Mặc dù vậy, sự lo lắng chính đáng về sốt ở trẻ sơ sinh đã lan sang trẻ lớn hơn, nơi nó thường không đặt đúng chỗ. Sự hiểu lầm này duy trì chu kỳ sợ hãi và điều trị quá mức, ảnh hưởng đến tất cả các nhóm tuổi.

Hậu quả là rất lớn, không chỉ dẫn đến việc điều trị y tế không cần thiết và đến phòng cấp cứu mà còn làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, gây ra căng thẳng đáng kể cho các gia đình.

Do ảnh hưởng từ những quan niệm cố hữu về mối nguy tiềm ẩn của sốt, cha mẹ có thể vội vàng cho trẻ uống thuốc hoặc gọi cấp cứu trong khi việc theo dõi và chăm sóc đơn giản tại nhà là đủ.

Điều này không chỉ tạo gánh nặng cho các gia đình mà còn làm tăng căng thẳng cho nguồn lực chăm sóc sức khỏe, chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực khỏi các trường hợp cấp bách hơn.

Trẻ sơ sinh và sốt: Trường hợp đặc biệt

Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới hai tháng tuổi, việc kiểm soát sốt tuân theo một quy trình riêng biệt. Do hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành, sự xuất hiện của sốt có thể báo hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng bất kỳ trường hợp nào ở độ tuổi này bị sốt đều được coi là một tình trạng nguy cấp tiềm ẩn và cần được nhân viên y tế đánh giá nhanh chóng.

Lập trường cảnh giác này là rất quan trọng và khác biệt so với các khuyến cáo tiêu chuẩn về điều trị sốt, thường liên quan đến phương pháp chờ đợi quan sát.

Khi nào cần lo lắng về sốt: Nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm

Việc nhận biết khi nào sốt đáng lo ngại là điều cần thiết để đảm bảo con bạn nhận được sự chăm sóc thích hợp. Mặc dù nhiều cơn sốt là lành tính và có thể được điều trị tại nhà, nhưng có những tình huống cụ thể cần can thiệp y tế.

Thời điểm gọi bác sĩ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và tình trạng bệnh tổng thể của trẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn, bác sĩ nhi khoa Madiha Saeed khuyên rằng cha mẹ và người chăm sóc "hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức" trong các trường hợp sau:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trực tràng 38 độ C trở lên
  • Trẻ em ở mọi lứa tuổi bị sốt kéo dài hơn 2 đến 3 ngày
  • Trẻ em ở mọi lứa tuổi bị sốt 40.5 độ C trở lên
  • Khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh về máu hoặc ung thư

Bác sĩ Saeed cũng khuyến nghị tìm kiếm sự chăm sóc khi sốt kèm theo các triệu chứng:

  • Đau đầu dữ dội
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Mất nước
  • Đi tiểu rát
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy nhiều lần
  • Phát ban
  • Đau họng
  • Đau tai
  • Từ chối uống nước
  • Khóc không ngừng
  • Uể oải và khó dậy
  • Cổ cứng

Những hướng dẫn này giúp cha mẹ xác định khi nào sốt đang báo hiệu một tình trạng nền tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.

Hãy luôn tin vào bản năng của mình với tư cách là cha mẹ và tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nếu có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của con. Can thiệp sớm có thể là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả các biến chứng tiềm ẩn.

Giảm thiểu các lần khám bệnh không cần thiết

Trong thực tế làm việc của mình, tôi (tác giả bài viết - PV) nhận thấy rằng giáo dục là yếu tố then chốt để giảm thiểu hội chứng sợ sốt.

Cha mẹ nên được cung cấp đầy đủ thông tin, nắm được diễn biến thông thường của sốt và nhận biết khi nào chúng không báo hiệu các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì sẽ ít có xu hướng vội vàng đưa con đi cấp cứu vì những cơn sốt thông thường.

Bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia y tế cần chủ động truyền đạt kiến thức này trong các buổi tư vấn định kỳ và các chiến dịch y tế cộng đồng.

Kết luận

Nhận biết thời điểm thích hợp để cho sốt giảm tự nhiên và phân biệt nó với dấu hiệu tiềm ẩn của một tình trạng nghiêm trọng hơn có thể giúp giảm bớt lo lắng không đáng có và cải thiện kết quả sức khỏe.

Bằng cách xóa bỏ những hiểu lầm xung quanh sốt và hướng dẫn người chăm sóc cách kiểm soát sốt hợp lý, chúng ta có cơ hội chuyển từ phản ứng sợ hãi sang kiểm soát chủ động, dẫn đến các quyết định chăm sóc sức khỏe sáng suốt hơn và giảm bớt căng thẳng cho các cơ sở y tế.

Quan điểm được bày tỏ trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo Joel Warsh - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Joel “Gator” Warsh là một bác sĩ nhi khoa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Los Angeles, California, chuyên về nuôi dạy con cái, sức khỏe và y học tích hợp.



BÀI CHỌN LỌC

Hội chứng sợ sốt: Khi nào cần lo lắng và khi nào nên để cơ thể tự chống chọi