Iran lợi dụng trường đại học để che đậy việc nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chế độ Hồi giáo Iran đang chuyển nhân sự và tài nguyên đến một trường đại học có mối quan hệ thân thiết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) nhằm tránh né các lệnh trừng phạt từ phía Hoa Kỳ đối với chương trình hạt nhân của họ.

Kênh Fox News Digital đưa tin rằng, phó giám đốc Văn phòng Washington của Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran (the National Council of Resistance of Iran, NCRI), ông Alireza Jafarzadeh, cho biết, "kể từ khi NCRI tiết lộ chương trình hạt nhân trước đây chưa được công bố của chế độ Iran vào năm 2002, chế độ này luôn cản trở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiết lộ toàn bộ kế hoạch về tham vọng vũ khí hạt nhân của mình".

Vào năm 2002, lần đầu tiên ông Jafarzadeh tiết lộ các chi tiết của chương trình hạt nhân của Iran.

Ông nói, "những tiết lộ của chúng tôi cho thấy rằng chương trình hạt nhân của Tehran (thủ đô của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran) luôn nhằm mục đích chế tạo bom hạt nhân, và chương trình này được điều hành bởi IRGC (Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran). Phần vũ khí hóa của chương trình hạt nhân không chỉ không thay đổi mà ngược lại còn được mở rộng và tăng cường trong điều kiện không có bất kỳ sự kiểm soát có ý nghĩa nào".

NCRI đã công bố một phần báo cáo, thảo luận về cách mà Iran chuyển nhân sự và tài nguyên của chương trình hạt nhân bị Hoa Kỳ trừng phạt đến Đại học Hồi giáo Azad (Islamic Azad University). Đại học đó yêu cầu các nhà nghiên cứu "miêu tả các hoạt động của họ như là dịch vụ cho một công ty bình phong".

NCRI cho biết, thông qua mạng lưới của Tổ chức Mojahedin Nhân dân Iran (the People's Mojahedin Organization, MEK), họ đã thu thập thông tin từ bên trong Iran, bao gồm các báo cáo từ bên trong các "thực thể của chính quyền".

Báo cáo của NCRI cho hay, “để bảo vệ Tổ chức Đổi mới và Nghiên cứu Phòng thủ Iran (the Organization of Defensive Innovation and Research, SPND), Bộ Quốc phòng và Hậu cần Lực lượng Vũ trang Iran (MODAFL) đã cố gắng tạo ra một vỏ bọc mới và tốt hơn để tiếp tục hoạt động, bề ngoài là để thực hiện một loạt các vụ việc quân sự tiên tiến, nhưng mục đích là nhằm đánh lạc hướng và giảm bớt sự chú ý của mọi người đối với mục tiêu chính là chế tạo vũ khí hạt nhân".

Tổ chức Đổi mới và Nghiên cứu Phòng thủ Iran (SPND) đã được Hoa Kỳ liệt vào danh sách bị trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Vào tháng 4/2024, cựu tổng thống Iran, Ibrahim Raisi, đã phê chuẩn Dự luật SPND trước khi ông này đột ngột qua đời, ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Iran thực hiện kế hoạch trong vòng một tháng, biến SPND thành "một thực thể pháp lý độc lập có tính chất của một tổ chức công và được hưởng sự độc lập về mặt tài chính, giao dịch và hành chính".

Luật này trao cho tổ chức quyền hành động mà không cần phải tuân thủ Luật kế toán công của Iran.

Báo cáo của NCRI cho biết, hệ thống Đại học Hồi giáo Azad có mặt khắp nơi trên toàn Iran, là một trong những hệ thống đại học lớn nhất thế giới, với hơn một triệu sinh viên và hơn 50.000 giảng viên. Đại học này được thành lập với sự chúc mừng của người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ayatollah Ruhollah Khomenei.

Báo cáo của NCRI viết rằng, “việc lợi dụng Đại học Hồi giáo Azad để nghiên cứu hạt nhân phù hợp với những hành động trước đây của chế độ Iran”.

Báo cáo của NCRI liên kết một số nhân vật quan trọng của Đại học Hồi giáo Azad với SPND, chẳng hạn như hiệu trưởng hiện tại của đại học này, Mohammad Medhi Tehranchi, từng là giáo sư vật lý tại Đại học Beheshti, “có mối quan hệ mật thiết với SPND”. Theo báo cáo, Tehranchi từng tham gia vào dự án đầu đạn hạt nhân của chế độ và đã làm việc trực tiếp với Mohsen Fakhrizadeh, người được coi là cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân của chế độ Iran.

Tổ chức kháng chiến cũng xác nhận danh tính của Jamshid Sabbaghzadeh, là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của Đại học Hồi giáo Azad - trung tâm nghiên cứu đại học lớn nhất của Iran. Trước đây, ông này đã làm nghiên cứu về laser và sau đó tham gia vào Tổ chức Năng lượng Nguyên tử, làm việc trong lĩnh vực làm giàu hạt nhân.

Ông Jafarzadeh đã bày tỏ sự tiếc nuối về chính sách “nhân nhượng” của các "quốc gia lớn phương Tây", cho rằng những biện pháp mà Iran đã thực hiện để tránh bị trừng phạt gần như không bị trừng phạt.

Ông Jafarzadeh nói, “ở nhiều khía cạnh, chế độ Iran đã sử dụng chương trình hạt nhân của mình như một công cụ để tống tiền cộng đồng quốc tế, trong khi yêu cầu phương Tây nhượng bộ nhiều hơn thì họ lại tăng cường nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân”.

Ông nói thêm, "chiến lược này của Tehran đã làm trì hoãn các biện pháp quyết liệt của (phương Tây) đối với các hành vi sai trái khác của họ, bao gồm việc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, chủ nghĩa khủng bố, bắt cóc con tin và can thiệp quân sự một cách hiếu chiến khắp khu vực Trung Đông".

Ông khẳng định rằng, ở giai đoạn hiện tại, cách duy nhất để đạt được thay đổi thực sự là thay đổi chế độ từ bên trong “dưới sự lãnh đạo của nhân dân Iran và sự kháng cự có tổ chức của họ”.

Ngay từ những năm 1950, Iran đã bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân, khi đó Hoa Kỳ và chính phủ Pahlavi của Iran là đồng minh, vai trò của Iran ở Trung Đông có thể giúp Israel chống lại các quốc gia Ả Rập. Năm 1979, ở Iran nổ ra một cuộc cách mạng, Pahlavi bị lật đổ và phải lưu vong. Năm 1980, Mỹ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao, Mỹ nhiều lần cáo buộc Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Năm 2003, Iran tuyên bố đã tinh chế được uranium cho nhà máy điện hạt nhân. Năm 2005, Hội đồng Quản trị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua nghị quyết yêu cầu Iran ngừng ngay lập tức tất cả các hoạt động hạt nhân liên quan đến việc làm giàu uranium. Đến năm 2023, dấu vết của uranium có độ làm giàu gần đạt mức vũ khí đã được tìm thấy trong lãnh thổ Iran.

Theo The Epoch Times Tiếng Trung

Thuận Nhiên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Iran lợi dụng trường đại học để che đậy việc nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt