“Không ai giàu ba họ” có đúng không? “Ba họ” là những họ nào? Làm thế nào để phú quý dài lâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có lẽ ai ai cũng thuộc cũng từng nghe đến câu thành ngữ: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời".  Trong câu thành ngữ trên thì nửa đầu câu là khó hiểu và gây nhiều tranh cãi nhất. Vậy câu “Không ai giàu ba họ” là chỉ những họ nào, cụ thể chỉ những mối quan hệ thân thuộc nào?

Để hiểu câu thành ngữ này, trước tiên cần tìm hiểu “ba họ” là gì. Từ “ba họ” thực chất là dịch từ gốc Hán “Tam tộc”. Tam tộc có nghĩa như thế nào. Theo Từ điển Quốc ngữ của Đài Loan, Tam tộc có các nghĩa sau:

  1. Cha mẹ, anh em, vợ con. Sách Sử Ký viết: “Pháp ban đầu có tội ba họ”. Bùi Nhân dẫn lời giải thích của Trương Yến rằng: “Đó là cha mẹ, anh em và vợ con”.
  2. Họ cha, họ mẹ, họ vợ. Sách Trang Tử viết rằng: “Cùng ăn với quốc quân thì phúc trạch đến cả ba họ, nữa là cha mẹ”. Thành Huyền Anh chú giải rằng: “Ba họ là họ cha, họ mẹ và họ vợ”.
  3. Cha, con, cháu. Sách Chu Lễ viết: “Hiểu sự khác biệt của ba họ, để phân biệt thân sơ”. Trịnh Huyền chú thích rằng: “Ba họ là cha, con, cháu”.
  4. Anh em của cha, anh em của bản thân, và anh em của con trai. Sách Nghi Lễ viết: “Chỉ là sự bất ngờ của ba họ, sai người mối mai, xem ngày lành”. Trịnh Huyền chú thích rằng: “Ba họ là anh em của cha, anh em của mình, và anh em của con trai mình”.

Như vậy quả là khó biết “Không ai giàu ba họ” là chỉ cụ thể những người nào trong 4 loại mối quan hệ được gọi là “ba họ” như miêu tả ở trên. Vậy làm thế nào?

May mắn là câu thành ngữ “Không ai giàu ba họ” có thể truy ra một câu thành ngữ gốc Hán có cùng ý nghĩa “Phú bất quá tam đại”, nghĩa là giàu không quá ba đời.

Như vậy có thể thấy, chữ “ba họ” trong câu thành ngữ Việt tương ứng với “tam đại” trong câu thành ngữ gốc Hán, và có nghĩa là “cha, con, cháu”, tức 3 đời: đời cha, đời con và đời cháu.

Ngẫm xem thời hiện nay, nhiều người cả đời vất vả dành dụm được món gia tài, đến đời con ăn tiêu vung phí, ăn chơi trác táng, đến đời cháu thì chẳng còn gì nữa, mèo lại hoàn mèo. Xem ra câu thành ngữ này có vẻ khá chính xác.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ lịch sử, thì có nhiều trường hợp không đúng như câu thành ngữ này. Ví dụ Tướng quốc nước Tề là Quản Trọng, người giúp Tề Hoàn Công xưng bá, và cũng là người giỏi kinh doanh, làm kinh tế, có được khối tài sản lớn. Tuy nhiên, gia tộc Quản Trọng không những “giàu ba họ”, mà còn giàu trên 800 năm.

Như thế có nghĩa câu thành ngữ “Không ai giàu ba họ” là sai sao?

Thành ngữ, ngạn ngữ là do đúc kết kinh nghiệm của người xưa, được truyền qua hàng trăm hàng nghìn năm, nên nó sẽ đúng trong một phạm vi nhất định. Câu thành ngữ này sẽ đúng trong điều kiện bình thường, trong các trường hợp thông thường. Tuy nhiên, còn có câu nói của cổ nhân rằng: "Đạo đức truyền gia, thập đại dĩ thượng, canh độc truyền gia thứ chi, thi thư truyền gia hựu thứ chi, phú quý truyền gia, bất quá tam đại".

Tạm dịch: “Dùng đạo đức truyền gia thì hưng thịnh trên 10 đời, tiếp theo là dùng việc chăm chỉ canh tác và dốc sức nghiên cứu học vấn, tiếp sau nữa là dùng thi thư truyền gia, còn dùng phú quý truyền gia thì không quá 3 đời”.

Thế nên, “Không ai giàu ba họ”, là chỉ những người dùng tài sản, tiền của để truyền lại cho con cháu, thì mới không giàu ba họ. Còn nếu dùng đạo đức truyền gia, thì trên 10 đời, hàng chục đời, giống như gia tộc Quản Trọng giàu có hiển quý suốt 800 năm.

Không chỉ gia tộc Quản Trọng, mà gia tộc của Phạm Trọng Yêm, tể tướng triều Tống cũng hưng thịnh 800 năm.

Có câu chuyện rằng, Phạm Trọng Yêm mua được một khu vườn từ gia đình họ Tiền, dự định đến nơi đó định cư.

Thầy địa lý nói nơi đây phong thuỷ vô cùng tốt, chắc chắn con cháu luôn luôn có người làm quan. Phạm Trọng Yêm nghe xong nói: "Đã như vậy, thay vì để một gia đình hiển quý, không bằng để học trò của cả một vùng Giang Tô đều có thể tới đây tiếp thụ giáo dục, như vậy mỗi người đều có thể hiển quý".

Thế là ông đã biến nơi này trở thành học đường cho học trò khắp vùng đến học, tạo phúc cho muôn dân.

Phạm Trọng Yêm thường xuyên dạy con phải sống giản dị, tiết kiệm.

Một lần, Phạm Trọng Yêm để cho con trai thứ hai của mình là Phạm Thuần Nhân vận chuyển lúa mì từ Tô Châu qua Tứ Xuyên. Phạm Thuần Nhân gặp một người quen tên Thạch Mạn Khanh đang để tang phụ thân, lại không có tiền vận chuyển quan tài về quê hương. Phạm Thuần Nhân liền để lại một thuyền lúa mì cho Thạch Mạn Khanh, giúp anh ta chút tiền trở về nhà. Phạm Thuần Nhân về đến nhà không biết ăn nói gì với cha, cứ đứng ngây ra không dám nói năng.

Phạm Trọng Yêm hỏi: “Con gặp được bằng hữu ở Tô Châu này sao?”

Phạm Thuần Nhân trả lời: “Giữa đường con gặp Thạch Mạn Khanh. Người thân của anh ta vừa qua đời, không có tiền trở về quê hương, mà bị khốn đốn ở nơi này”.

Phạm Trọng Yêm lập tức nói rằng: “Tại sao con không đem toàn bộ lúa mì trên thuyền đưa cho anh ta chứ?”

Phạm Thuần Nhân trả lời: “Con đã đưa cho anh ta rồi thưa cha”.

Phạm Trọng Yêm nghe xong cả mừng, rất ưng ý, không ngớt lời khen Thuần Nhân là bậc nghĩa khí, quân tử.

Con cháu của Phạm Trọng Yêm đều nghi nhớ lời dạy của ông, đều coi trọng tu dưỡng đạo đức, dùng đạo đức để truyền gia, nên con cháu đời đời phát đạt, phúc đức kéo dài từ đời này sang đời khác, 800 năm vẫn còn hưng thịnh.

Trung Dung



BÀI CHỌN LỌC

“Không ai giàu ba họ” có đúng không? “Ba họ” là những họ nào? Làm thế nào để phú quý dài lâu?