Kim loại nặng tràn ngập trong môi trường, tiếp xúc nhiều có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ liên tục gia tăng, một lượng lớn các nghiên cứu đang cảnh báo về một thủ phạm tiềm ẩn: Kim loại nặng.

Các kim loại như chì, cadmium và nhôm rất phổ biến trong môi trường sống của con người, chúng có thể ẩn trong các loại thuốc tây (dạng viên) đến nước uống, hay thậm chí có thể là không khí mà chúng ta hít thở.

Trên thực tế, những kim loại này có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và các bệnh về thần kinh.

Các yếu tố môi trường thúc đẩy suy giảm nhận thức

Theo Hiệp hội Alzheimer, gần 7 triệu người Mỹ mắc bệnh Alzheimer và con số này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050.

Các nghiên cứu trên người chỉ ra rằng tiếp xúc với chì, cadmium và mangan có liên quan đến suy giảm chức năng não bộ và suy giảm nhận thức.

Cụ thể, cadmium được thải ra môi trường ngày càng nhiều thông qua các hoạt động công nghiệp như khai thác than và sử dụng phân bón phốt phát trên cây trồng.

Để giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, nhôm (một kim loại khác có liên quan đến chứng mất trí nhớ) đang được xem xét để bổ sung như một thành phần trong các phương pháp địa kỹ thuật tiềm năng, thông qua việc phun khí dung vào tầng bình lưu thấp hơn.

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm các hợp chất nhôm cao hơn đối với con người và hệ sinh thái.

Việc hợp pháp hóa cần sa ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề tiếp xúc với kim loại độc hại.

Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy, những người sử dụng cần sa có mức độ chì và cadmium trong máu cũng như nước tiểu cao hơn đáng kể so với những người không sử dụng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, mức cadmium trong máu và nước tiểu của người sử dụng cần sa trung bình cao hơn 22% và 18% so với người không sử dụng.

Nồng độ chì trong máu và nước tiểu của những người sử dụng cần sa tăng lần lượt 27% và 21%.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), việc tiếp xúc với chì ở bất kỳ mức độ nào cũng đều có thể gây hại.

Trong khi một số kim loại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thần kinh, nhiều kim loại vi lượng thiết yếu có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng mất trí nhớ khác.

Những kim loại vi lượng, hoặc khoáng chất này, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe não bộ và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh khi không tiêu thụ quá nhiều.

Các kim loại vi lượng có tác dụng bảo vệ thần kinh:

  • Magie: Giảm stress oxy hóa và viêm
  • Kẽm: Cần thiết cho chức năng miễn dịch và giao tiếp não bộ
  • Đồng: Giảm stress oxy hóa và viêm
  • Selen: Cải thiện nhận thức ở người suy giảm nhận thức nhẹ

Các nguồn thực phẩm giàu những kim loại vi lượng này bao gồm:

  • Các loại hạt khác nhau như hạnh nhân, óc chó, hồ đào và hạt (chia, lanh, hướng dương)
  • Đậu (đậu lăng, đậu chickpeas, đậu đen)
  • Ngũ cốc nguyên cám, bao gồm yến mạch nguyên cám, quinoa và lúa mạch

Mặc dù những kim loại vi lượng này có thể có tác dụng bảo vệ thần kinh, chúng không thay thế cho các phương pháp điều trị đã được thiết lập cho bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ.

Một kế hoạch điều trị toàn diện bao gồm thay đổi lối sống, thuốc và rèn luyện nhận thức vẫn cần thiết để quản lý hiệu quả các tình trạng này.

Tiếp xúc với kim loại nặng trong cuộc sống hàng ngày

Một bài đánh giá khoa học được công bố trên tạp chí Toxicology cho thấy, việc tiếp xúc kéo dài với hàm lượng nhôm thấp có thể dẫn đến những thay đổi liên quan đến lão hóa não và thoái hóa thần kinh.

Việc sử dụng thuốc antacid được làm từ nhôm hydroxit là một trong những nguồn chính gây phơi nhiễm nhôm ở người.

Bác sĩ Charles M. Janssens, chuyên gia về y học nội khoa tại Cincinnati, cho biết với The Epoch Times rằng, không có cách nào để đảo ngược những tổn thương do tiếp xúc với nhôm gây ra.

Ông nói: “Bộ não được chứng minh là có một số khả năng đàn hồi và tái tạo. Nhưng cách tốt nhất là loại bỏ nguồn gốc gây ra tổn thương”.

Bác sĩ Janssens nói: “Cách chúng ta tiếp xúc với những kim loại này thì khác nhau. Với chì và asen, chủ yếu là qua nguồn thức ăn, còn đối với các kim loại khác thì do tiếp xúc nghề nghiệp nhiều hơn”.

Một số thực phẩm và gia vị, bao gồm kẹo, rau mùi, nghệ và bột ớt, cũng được phát hiện là có chứa chì.

Bác sĩ Janssens nói rằng mặc dù nhôm có liên quan đến suy giảm nhận thức, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là bạn cần vứt bỏ dụng cụ nấu ăn bằng nhôm.

Những kim loại này cần phải ở một trạng thái nhất định, chẳng hạn như khí hoặc chất lỏng, để được hấp thụ vào cơ thể và gây hại.

Theo George Citroner - The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch

George Citroner viết các bài báo về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Anh đã được trao giải thưởng Media Orthopaedic Reporting Excellence (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.



BÀI CHỌN LỌC

Kim loại nặng tràn ngập trong môi trường, tiếp xúc nhiều có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ