Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc lại thu hẹp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất là một dấu hiệu cảnh báo lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Sau 2 tháng tăng trưởng sản xuất ngắn ngủi, Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm vào tháng 5, đây là một dấu hiệu cảnh báo lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc và cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục hạ thấp niềm tin của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư. Các nhà phân tích tin rằng căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh với Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ phủ bóng đen nặng nề hơn lên nền kinh tế.

Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cho biết vào thứ 6 (ngày 31/5) rằng chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) chính thức đã giảm xuống 49,5 vào tháng 5, không chỉ thấp hơn mức 50 phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp, mà còn thấp hơn mức 50,4 của tháng 4, cũng như dự báo 50,5 của các nhà phân tích.

Dữ liệu này cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc đã quay đầu suy giảm trở lại sau khi tăng trưởng trong hai tháng trước đó, điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính quyền Trung Quốc là khoảng 5% trong năm nay.

"Tôi nghĩ rằng những dữ liệu này đặc biệt phản ánh nhu cầu trong nước yếu, sự suy thoái vẫn đang tiếp diễn của lĩnh vực bất động sản và doanh số bán lẻ không vững mạnh", nhà phân tích Xu Tianchen của Đơn vị Tình báo Nhà kinh tế (Economist Intelligence Unit) nói với Reuters.

Một số người tin rằng dữ liệu của tháng 5 có thể chỉ là hiện tượng tạm thời. Với việc chính quyền Trung Quốc chi 300 tỷ CNY (nhân dân tệ) để cứu thị trường nhà ở và phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt, chưa biết dữ liệu tháng 6 sẽ ra sao.

Tuy nhiên, ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với căng thẳng thương mại gia tăng với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Đối với các nhà sản xuất, họ sẽ phải đối mặt với nhiều sự phản đối hơn.

Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu tin rằng các khoản trợ cấp nhà nước của Trung Quốc đã tạo ra tình trạng dư thừa công suất trong nhiều ngành công nghiệp. Họ đã thiết lập các rào cản thương mại mới, những thứ sẽ cản trở việc Trung Quốc bán các sản phẩm chính như xe điện.

Đánh giá từ dữ liệu của tháng 5, các chỉ số phụ PMI như đơn đặt hàng mới (49,6) và đơn đặt hàng xuất khẩu mới (48,3) của Trung Quốc đều rơi trở lại vào phạm vi thu hẹp.

Ngoài ra, chỉ số việc làm chỉ là 48,1. Chỉ số giá mua đối với các nguyên liệu thô chính đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng, phản ánh chi phí hàng hóa tăng.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc và những vùng lãnh thổ gắn với Trung Quốc (Greater China) tại Ngân hàng ANZ, nói với Bloomberg: "Sự phục hồi kinh tế do ngành sản xuất thúc đẩy vẫn còn mong manh và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ là lực cản lớn trong những tháng tới".

Gần đây, chính quyền Biden đã tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Trung Quốc như xe điện, thép và nhôm, chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời, cần cẩu từ tàu vào bờ và thiết bị y tế.

Trong những tuần tới, Liên minh Châu Âu cũng sẽ công bố tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc và cũng đang điều tra các khoản trợ cấp của Bắc Kinh trong các lĩnh vực khác.

Chỉ số hoạt động kinh doanh của ngành xây dựng trong tháng 5 là 54,4, giảm 1,9 so với tháng trước.

Tình cảnh khó khăn của ngành bất động sản đã có tác động tiêu cực với phạm vi rộng đến nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng trước là chậm nhất kể từ tháng 12/2022, trong khi giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm. Những dấu hiệu này cho thấy vẫn chưa thể khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi.

Theo Epoch Times tiếng Trung

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc lại thu hẹp