Lượng lớn người Trung Quốc vượt rừng đến Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng bất ổn kinh tế, nợ nần và tuyệt vọng đẩy nhiều gia đình Trung Quốc phải vượt rừng đến biên giới Mexico.

Lượng lớn người Trung Quốc nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ

Số người di cư Trung Quốc qua biên giới Mỹ - Mexico đã tăng vọt vào năm 2023. Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), mặc dù con số thực tế khó nắm bắt, nhưng hơn 37.000 công dân Trung Quốc đã bị giam giữ ở biên giới với Mexico vào năm ngoái. Con số này lớn gấp 10 lần so với những năm trước đại dịch.

Trong khi người Trung và Nam Mỹ chiếm phần lớn trong số 2,54 triệu người nhập cư bất hợp pháp qua phía nam biên giới Mỹ - Mexico vào năm 2023, người Trung Quốc là nhóm di cư tăng nhanh nhất mà CBP bắt giữ.

Theo dữ liệu của CBP cho thấy các đặc vụ tuần tra biên giới của Hoa Kỳ đã chạm trán các gia đình di cư Trung Quốc 6.645 lần từ tháng 10/2022 đến 9/2023 và 7.081 lần kể từ tháng 10/2023 đến nay, nhiều hơn đáng kể so với 1.151 lần từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022.

Theo Nikkei Asia, ông Kurt Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao, phát biểu tại một cuộc họp: “Nhiều người di cư Trung Quốc đã phải chi một số tiền khổng lồ để [đến Mỹ]… Việc này chưa nhận được đủ sự quan tâm, nhưng đó là một điều đáng chú ý”. “Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng chính phủ Trung Quốc đã biết về điều đó, có lẽ hơi lo ngại về vấn đề này, nhưng tôi không nghĩ họ đã thực hiện các bước vào thời điểm này để hạn chế việc di cư này”.

Bất ổn kinh tế và tuyệt vọng khiến người Trung Quốc di cư

Nhiều gia đình Trung Quốc đã phải trải qua chuyến đi đầy mạo hiểm đến Hoa Kỳ qua Nam Mỹ. Họ đã từng sống cuộc sống thoải mái ở Trung Quốc. Sau ba năm Trung Quốc thực hiện chính sách zezo-Covid và thị trường bất động sản sụp đổ, các chủ doanh nghiệp và nhân viên công ty đang phải vật lộn để tồn tại.

Nhiều gia đình trung lưu ở Trung Quốc đã chọn dấn thân vào cuộc hành trình nguy hiểm xuyên Mexico khi mất hết hy vọng vào tương lai ở Trung Quốc, đặc biệt là con cái họ.

Ông Vương, một người Trung Quốc vừa trải qua hành trình nguy hiểm để đến Hoa Kỳ, nói với Nikkei Asia: “Bạn thấy những bi kịch xảy ra xung quanh mình mà tin tức thậm chí không đề cập đến”. “Và hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng tài sản. Một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ sớm xảy ra, và ngành nào có thể tồn tại trong môi trường này?” Ông Vương đang đề cập đến bong bóng bất động sản đang xì hơi của Trung Quốc, vốn đã xóa sạch tiền tiết kiệm của nhiều gia đình trung lưu kể từ năm 2021.

Sự bi quan đặc biệt lan tràn trong các chủ doanh nghiệp nhỏ. Ông Vương từng sở hữu một nhà máy may mặc ở thành phố công nghiệp Ôn Châu phía nam Trung Quốc, chuyên xuất khẩu áo cánh phụ nữ sang châu Âu, chủ yếu là Pháp và Ý. Trước đại dịch, công ty ông có 30 đến 40 công nhân và kiếm được khoảng 30.000 đến 60.000 USD lợi nhuận mỗi năm. Vợ chồng ông sống thoải mái, có nhà, có xe.

Nhưng đại dịch đã buộc ông Vương phải đóng cửa nhà máy của mình. Sau đó, ông gặp phải gánh nặng với việc trả nợ.

Theo báo cáo tháng 2 của Học viện Tài chính Toàn diện Trung Quốc tại Đại học Nhân Dân, hơn một phần ba doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc không bền vững về mặt tài chính do các vấn đề như không đủ tiền mặt và thiếu khả năng vay vốn, điều này có thể ảnh hưởng đến việc làm của 18 triệu công nhân. Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát 2.349 công ty nhỏ, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất và bán lẻ.

Ông Shih, một chuyên gia về chính sách kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, cho biết: “Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, rất khó để thành lập và phát triển. Họ hoặc phải trả những khoản hối lộ khổng lồ để được làm việc với chính phủ, hoặc phải chịu các hành vi bóc lột”.

Sau khi đóng cửa nhà máy vào năm 2021, ông Vương trở thành tài xế trên nền tảng gọi xe của Didi Chuxing, nơi ông gặp những tài xế khác, nhiều người trong số họ từng là doanh nhân, “chủ yếu kinh doanh xuất khẩu”, ông Vương nói. Ông có một ít tiền tiết kiệm nhưng gánh nặng kinh tế ngày càng nặng nề hơn.

Anh trai của ông Vương, người đang sống ở Los Angeles, nói với ông về "con đường đi bộ" đến Mỹ. Ông Vương nhanh chóng tìm hiểu cách thực hiện chuyến đi.

Những video về người di cư Trung Quốc đã khiến ông Vương hy vọng rằng sự chăm chỉ làm việc có thể mang lại kết quả xứng đáng cho gia đình ông khi đến Mỹ. Ông Vương được biết rằng trẻ em nhập cư có thể học trường công ở Mỹ miễn phí. Sau đó, vợ chồng ông đã bán nhà và ô tô, thu gom toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình rồi rời đi.

Chính quyền Trung Quốc hạ thấp tiêu chuẩn nghèo để ‘xóa nghèo’ cho dân

Theo mức nghèo đói do Ngân hàng Thế giới thiết lập cho mức thu nhập hiện tại của Trung Quốc, cho thấy, hơn 40% dân số sống trong cảnh nghèo cùng cực và 80% dân số ở trong tình trạng nghèo đói.

Chính quyền Trung Quốc luôn khoe khoang rằng họ đã đưa 800 triệu người thoát nghèo. Tuy nhiên, thực tế là chính quyền Trung Quốc thông qua việc kiểm soát chặt chẽ kinh tế và xã hội, đã khiến một bộ phận dân chúng vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Một ví dụ điển hình là vụ đại nạn đói năm 1959 sau khi thành lập Công xã nhân dân, khiến hàng chục triệu người chết, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn.

Mặc dù năm 1978, Trung Quốc bắt đầu thực hiện mở cửa, cải cách nền kinh tế, người dân Trung Quốc mới bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn và giai cấp trung lưu cuối cùng cũng ra đời. Tuy nhiên, mức sống kinh tế tổng thể của người dân vẫn rất thấp.

Ở Mỹ, sau khi loại trừ ảnh hưởng của lạm phát, GDP bình quân đầu người vào năm 1990 đã đạt 4.000 USD, nhưng Trung Quốc phải đến năm 2010 mới vượt qua con số này.

Ngày nay, theo dữ liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp, GDP bình quân đầu người của Mỹ là 85.300 USD, trong khi của Trung Quốc chỉ là 13.100 USD, xếp thứ 74 trên thế giới, thấp hơn các nước như Mexico, Kazakhstan và Malaysia. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chỉ có 0,04% dân số sống dưới mức nghèo đói, mức nghèo đói mà chính quyền Trung Quốc đặt ra là 2.300 Nhân dân tệ (khoảng 339,70 USD) thu nhập hàng năm, con số này thấp hơn nhiều so với mức nghèo đói của quốc tế là 1,90 USD mỗi ngày.


Lý Ngọc tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Lượng lớn người Trung Quốc vượt rừng đến Hoa Kỳ