Mắt xuất hiện 4 dấu hiệu, cẩn thận cơ thể bị ung thư!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực hoặc thậm chí mù lòa, trong đó hơn một nửa là tổn thương có thể phòng ngừa được.

Nhiều người nói rằng "khi già đi, mắt cũng sẽ 'già' theo", nhưng thực tế có đúng như vậy?

Tại sao khi già đi, mắt cũng sẽ "già"?

Trên thực tế, việc suy giảm thị lực khi già đi một phần là do tuổi tác.

Dưới sự ảnh hưởng của tuổi tác, hệ thống thần kinh và chức năng mạch máu của người già không ngừng suy giảm, ảnh hưởng gián tiếp đến việc cung cấp dinh dưỡng cho mắt, làm thị lực yếu đi.

Mặt khác, mắt cũng là một bộ phận tiêu hao, sử dụng quá mức cũng làm thị lực kém hơn về lâu dài. Vì vậy, người càng lớn tuổi càng cần chú ý đến thời gian sử dụng đôi mắt của mình.

Nói đến vấn đề thị lực của người già, chắc chắn không thể tách rời khía cạnh lão thị. Trên thực tế, lão thị là một hiện tượng sinh lý liên quan đến tuổi tác, thường xuất hiện sau 45 tuổi.

Ngoài các yếu tố sinh lý, vấn đề suy giảm thị lực ở người cao tuổi còn có các nguyên nhân do bệnh lý, trong đó tỷ lệ mắc "đục thủy tinh thể" thường ở mức cao nhất, thậm chí đã trở thành nguy cơ hàng đầu đối với nhóm người này.

Ban đầu, đục thủy tinh thể sẽ bắt đầu từ vùng ngoại biên của thủy tinh thể và dần dần lan rộng đến vùng đồng tử. Vì vậy, những người mắc bệnh trong giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng rõ rệt. Khi vùng đồng tử bị đục hoàn toàn sẽ làm thị lực kém đi đáng kể.

Ngoài ra, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, tăng nhãn áp, thoái hóa võng mạc… cũng có thể gây suy giảm thị lực ở người cao tuổi.

Do đó, người già cần đặc biệt chú ý đến vấn đề thị lực, thậm chí một số bệnh ung thư cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Nói chung, vấn đề suy giảm thị lực không được chủ quan, nếu cần thiết nên đến bệnh viện chuyên khoa mắt để khám và sàng lọc nguyên nhân.

4 kiểu biến đổi ở mắt có thể là dấu hiệu của ung thư

Đừng bao giờ bỏ qua các vấn đề về mắt. Nhiều bất thường liên quan đến mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo của cơ thể, đặc biệt là 4 biểu hiện sau, hầu hết liên quan đến ung thư:

1. Mắt vàng

Mắt vàng thường do khối u gan chèn ép các ống mật xung quanh hoặc tắc nghẽn ống mật gây ra.

Khi nồng độ bilirubin trong cơ thể không ngừng tăng cao, sẽ dẫn đến vàng da và củng mạc.

Không chỉ ung thư gan, các bệnh như ung thư đầu tuỵ hay ung thư ống mật cũng có thể gây ra hiện tượng vàng mắt.

2. Mí mắt sụp xuống

Ngoài các yếu tố sinh lý bình thường, triệu chứng này có thể là do ung thư phổi gây ra.

Vì khối u xâm nhập vào dây thần kinh ngực, khiến dây thần kinh không thể hoạt động bình thường, làm cơ mí mắt bị mất kiểm soát, thiếu khả năng điều tiết và hoạt động bình thường, gây sụp mí.

3. "Nốt ruồi" mọc trong mắt

Nốt ruồi đen mọc trong mắt cũng là một dấu hiệu tiền ung thư phổ biến, chẳng hạn như u hắc tố.

Tuy nhiên, các nốt ruồi đen phổ biến trong mắt thường là dạng nốt ruồi kết mạc do sắc tố kết mạc bẩm sinh gây ra.

Đặc biệt lưu ý nếu phạm vi của nốt ruồi đen không ngừng mở rộng.

4. Mất thị lực đột ngột

Mất thị lực cũng có thể do khối u não chèn ép dây thần kinh thị giác gây ra. Ví dụ, đột quỵ não cấp tính cũng có thể làm mất thị lực.

Người bệnh thường có các biến chứng đi kèm như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa.

Nếu các triệu chứng tương tự xuất hiện trong thời gian dài, tốt nhất bạn nên đi khám kịp thời.

Hai loại dưỡng chất giúp bảo vệ thị lực

Thực ra, bảo vệ thị lực không khó như bạn nghĩ, chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày cũng có thể bảo vệ hiệu quả sức khỏe của thị lực.

1. Lutein và zeaxanthin

Nghiên cứu cho thấy lutein và zeaxanthin là các thành phần của vùng điểm vàng trong võng mạc.

Do đó, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng này có thể cải thiện hiệu quả tình trạng tổn thương thị lực do mỏi mắt, ánh sáng xanh gây ra.

Rau củ quả là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin phong phú nhất trong các loại thực phẩm, bao gồm: Cải xoăn, cải bó xôi, cải bắp, súp lơ xanh, bông cải xanh con, bắp vàng, đậu xanh, bí đỏ, rau khoai lang, cà rốt…

2. Vitamin A và beta-carotene

Vitamin A đã được chứng minh là có thể cải thiện hiệu quả độ nhạy cảm của võng mạc.

Là một loại vitamin tan trong dầu, một trong những nguồn cung cấp của nó là beta-carotene tự nhiên trong thực vật.

Bổ sung vitamin A có thể ngăn ngừa hiệu quả sự xuất hiện của các bệnh như hội chứng khô mắt và thậm chí quáng gà.

Nguồn thực phẩm chính cung cấp vitamin A là bí ngô, hải sản, khoai lang, cà rốt, trứng…

Ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng, chúng ta cũng cần chú ý bảo vệ mắt trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, hạn chế sử dụng máy tính quá lâu và đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu. Khám mắt định kỳ cũng rất quan trọng để phát hiện sớm các vấn đề về thị lực và điều trị kịp thời.

Theo Li Hua - Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mắt xuất hiện 4 dấu hiệu, cẩn thận cơ thể bị ung thư!