Một loại hạt của Việt Nam thu về hơn 3 tỷ USD trong gần 6 tháng đầu năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chưa đầy nửa năm, cà phê của Việt Nam đã có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đặt mua và đã thu về hơn 3 tỷ USD.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/6, nước ta đã xuất khẩu hơn 862.400 tấn cà phê các loại, thu về khoảng 3,04 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu giảm 7,8% nhưng giá trị lại tăng mạnh 38,8%.

Dù khối lượng cà phê xuất khẩu giảm nhưng ngành hàng này vẫn lập kỷ lục lịch sử khi kim ngạch vượt 3 tỷ USD trong chưa tới nửa năm. Con số này cũng tương đương với kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả năm 2021.

Hiện giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 7/2024 tăng mạnh lên mức 4.205 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 9/2024 tăng lên ngưỡng 4.060 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 giảm xuống mốc 226,25 cent/lb; kỳ hạn giao tháng 11/2024 giảm còn 224,85 cent/lb.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân vẫn trong đà tăng. Ngày 20/6, cà phê nhân được giao dịch quanh ngưỡng 120.000-121.200 đồng/kg.

Hiện ở các vùng trồng cà phê lớn của nước ta, hạn hán và sâu bệnh ảnh hưởng nặng tới năng suất của loại cây trồng này. Sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, đặt áp lực lên nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có sản lượng cà phê Robusta đứng đầu thế giới nên nguồn cung giảm mạnh góp phần đẩy giá loại hạt này tăng cao thời gian qua.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 5/2024), nước ta đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương 80% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 7% so với cùng kỳ niên vụ trước. Theo sản lượng ước tính, nguồn cung cà phê trong nước (chưa tính hàng tồn kho) chỉ còn khoảng gần 300.000 tấn để xuất khẩu trước khi bước vào niên vụ mới.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), nguồn cung cà phê trong nước gần như đã cạn, hàng tồn kho của doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Thế nên, lượng xuất khẩu từ nay đến cuối tháng 9/2024 sẽ giảm dần mặc dù giá cà phê đang neo cao ở mức cao kỷ lục.

Tại Tây Nguyên, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty Simexco Daklak đều cho biết, lượng hàng trong kho chỉ bán đủ đến khoảng tháng 6 này, không thể kéo đến vụ thu hoạch mới.

Thực tế, trong 2 thập kỷ qua, giá cà phê thấp khiến nhiều nông dân bỏ loại cây trồng này. Cộng với tình trạng khô hạn lịch sử do hiện tượng El Nino khiến sản lượng năm nay sụt giảm, đẩy giá cà phê liên tục phá đỉnh lịch sử.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Simexco Daklak - cảnh báo nếu không đảm bảo đủ nước tưới sẽ rất khó đảm bảo được sản lượng cà phê của vụ mới này.

Theo chuyên gia ngành hàng cà phê, thời gian tới, giá loại hạt này khả năng sẽ ít biến động mạnh như các tháng đầu năm nay song vẫn duy trì mức cao. Nguyên nhân do Brazil đang vào vụ thu hoạch rộ, còn ở nước ta đến tháng 10 lại vào vụ thu hoạch.

Bộ NN-PTNT tính toán, với sản lượng cà phê của nước ta, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sẽ đạt con số trên 5 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử.

Thế giới khan hàng, một loại hạt của Việt Nam từ chót bảng lên đắt nhất thế giới

Cung không đủ cầu, tồn kho ở mức thấp nhất khiến hạt tiêu khan hiếm trên toàn cầu. Giá mặt hàng này ở nước ta tăng nóng, từ vị trí chót bảng vọt lên đắt đỏ nhất thế giới.

Ngày 4/6, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, giá hạt tiêu đen đã vượt 140.000 đồng/kg - mức kỷ lục trong 8 năm qua. Nông dân còn hàng thì lãi lớn.

Ông Bính tính toán, trung bình 1ha hồ tiêu nông dân sẽ thu được khoảng 2,5 tấn tiêu đen khô. Với giá thành sản xuất khoảng 80.000 đồng/kg, bán ra giá 140.000 đồng/kg, nông dân có lãi 60.000 đồng/kg. Tức 1ha trồng hồ tiêu, bà con có thể thu lãi 150 triệu đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận tốt nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Trong nước, đà tăng giá tiêu vẫn tiếp diễn trong những ngày vừa qua. Giá hạt tiêu hôm nay được thu mua ở mức 141.000-144.000 đồng/kg. Trong đó, Bình Phước là địa phương ghi nhận có mức giá tiêu cao nhất cả nước.

Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu tiếp tục tăng mạnh. Hiện giá hạt tiêu đen Lampung tại Indonesia vọt lên mức 5.633 USD/tấn. Hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này cũng tăng ngưỡng 7.422 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia ở mức 4.900 USD/tấn; tiêu trắng ASTA vẫn có giá 7.300 USD/tấn. Giá hạt tiêu đen ASTA 570 của Brazil neo mức 5.900 USD/tấn.

Giá hạt tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g/l và 550g/l lần lượt ở mức 5.400 USD/tấn và 5.900 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu của nước ta vọt lên 8.000 USD/tấn.

Đáng chú ý, thời điểm đầu tháng 5 vừa qua, trong số các quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới, giá hạt tiêu - mặt hàng được ví như “vàng đen” của Việt Nam - vẫn xếp chót bảng. Nay với đà tăng không ngừng nghỉ, hạt tiêu Việt Nam đã vươn lên đầu bảng, có giá đắt đỏ nhất thế giới.

Cụ thể, hạt tiêu trắng của Việt Nam đang cao hơn hàng cùng loại của Malaysia 700 USD/tấn, hơn hàng của Indonesia 578 USD/tấn. Giá hạt tiêu đen của Việt Nam loại 550g/l tương đương với giá của Brazil nhưng cao hơn hàng của Indonesia 267 USD/tấn, đắt hơn hàng của Malaysia 1.000 USD/tấn.

Trước đó, ông Phước Bính dự báo giá tiêu sẽ nhanh chóng tăng lên ngưỡng 150.000 đồng/kg và chu kỳ tăng giá mới này sẽ kéo dài khoảng 10 năm. Năm 2024 là thời điểm bắt đầu của chu kỳ tăng giá này.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, sản lượng hạt tiêu toàn thế giới sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2024, còn khoảng 460.000 tấn. Trong đó, sản lượng của Brazil sẽ giảm mạnh hơn; còn sản lượng tiêu của Việt Nam ước tính chỉ đạt 150.000-160.000 tấn trong năm nay, giảm 10-15% so với vụ trước.

Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt xa so với năng lực sản xuất. Điều này khiến cho lượng tồn kho tiếp tục sụt giảm xuống còn khoảng 428.000 tấn - mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Gia Bảo tổng hợp


Một loại hạt của Việt Nam thu về hơn 3 tỷ USD trong gần 6 tháng đầu năm