Muôn kiểu lừa đảo trên mạng, ngày càng tinh vi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mạo danh tài khoản mạng xã hội để lừa đảo thì không mới, nhưng kẻ gian ngày càng tinh vi hơn khi mạo danh nghệ sĩ nổi tiếng, giám đốc công ty, thậm chí là cả lãnh đạo Nhà nước để chiếm đoạt tài sản...

Trong năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP).

Thông tin trên được Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) cho biết tại hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”, được tổ chức ngày 14/6 vừa qua tại TP. HCM.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000- 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Trong đó, có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính. Tỷ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến hết năm 2023, cả nước có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng 87% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Nhiều ngân hàng có trên 95% số lượng giao dịch không tiền mặt. Ngoài ra, số lượng giao dịch qua di động và mã quét QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể, giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt 4 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 87 triệu tỷ đồng với khoảng 4,9 tỷ giao dịch, tăng hơn 57% về số lượng và hơn 33% giá trị. Thanh toán qua phương thức QR code đạt gần 101,2 triệu giao dịch.

Nói về tình trạng lừa đảo tài chính trên mạng, PGS. TS Trần Hùng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại hoc Quốc gia TPHCM cho hay, gian lận không gian mạng của Việt Nam chiếm 3,6% GDP, trong khi tỷ lệ này của thế giới là 1% GDP.

Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo; tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều người dân trên cả nước sập bẫy kẻ gian.

Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật của các nước; hoạt động mang tính chuyên nghiệp, xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, lợi dụng khoa học, công nghệ; trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar…

Thậm chí, những kẻ gian còn mạo danh nghệ sĩ nổi tiếng, giám đốc công ty, thậm chí là cả lãnh đạo Nhà nước để chiếm đoạt tài sản...

Ngoài ra, việc người dùng mạng xã hội thiếu ý thức và cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ lừa đảo qua mạng.

Xây dựng hàng rào ngăn chặn

Đại diện A05 dẫn chứng từng vụ việc cụ thể như: thời gian qua đơn vị này phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình phá ổ nhóm lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle, chiếm đoạt hơn 1.800 tỷ đồng do người gốc Trung Quốc, Malaysia cấu kết với một số người Việt Nam. Tháng 7/2023, Công an TP. HCM đã phá ổ nhóm 8 do Trần Văn Xuân cầm đầu, giả danh nhân viên ngân hàng chiếm đọa tài sản hơn 700 người chiếm đoạt 24 tỷ đồng...

Tới nay đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Các đối tượng thường yêu cầu nâng cấp sim điện thoại, giả danh cơ quan thuế; kêu gọi tham gia đầu tư tài chính, giả nhân viên ngân hàng; kêu gọi làm cộng tác viên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki,... Trước tình trạng lừa đảo online nở rộ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu – chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính sẽ nâng cấp hạ tầng thanh toán hiện đại”.

Được biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo an ninh, an toàn giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt và phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Một trong các biện pháp là sẽ hạn chế sim “rác”, tài khoản “rác” thông qua định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật. Làm việc với Google, Facebook… kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin tội phạm lừa đảo qua mạng. Song song đó, Bộ Công an sẽ phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng, cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng. Dự kiến, phần mềm này sẽ ra mắt trong quý III/2024.

Minh Phú (T/h)

Việt Nam Xã hội

Muôn kiểu lừa đảo trên mạng, ngày càng tinh vi