Năng lượng xanh: Tiềm năng của chất diệp lục trong điều trị ung thư và hơn thế nữa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu cho thấy sắc tố xanh này giúp giảm tác dụng phụ của xạ trị và hóa trị ung thư.

Các nghiên cứu cho thấy có một yếu tố bất ngờ có tác dụng chống ung thư. Đó chính là chất diệp lục - sắc tố màu xanh lá cây có trong các loại thực vật.

Các nhà khoa học đang tìm hiểu về tiềm năng phòng ngừa và điều trị ung thư đáng kinh ngạc của loại sắc tố xanh này. Chất diệp lục có khả năng ngăn chặn sự hấp thu các chất gây ung thư, tăng cường chức năng miễn dịch và giảm các tác dụng phụ của xạ trị và hóa trị trong điều trị ung thư.

Chất diệp lục là gì?

Diệp lục là một loại sắc tố có màu xanh lá cây có trong lục lạp của các tế bào thực vật. Loại sắc tố này đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp - quá trình chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng. Đây cũng là sắc tố tạo nên màu xanh của thực vật.

Diệp lục có nhiều trong các loại rau lá xanh như rau chân vịt, cải xoăn và bông cải xanh cũng như trong những loại thực vật có màu xanh khác, tảo và một số loại vi khuẩn. Loại sắc tố này có vai trò quan trọng quá trình phát triển của thực vật.

Các nghiên cứu cho thấy sử dụng chất diệp lục có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Phòng ngừa ung thư

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Cancer Prevention Research đã thử nghiệm tác dụng của chất chiết xuất rau chân vịt giàu diệp lục trên 12,000 động vật với liều lượng và cách kết hợp khác nhau. Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu những chất này ảnh hướng như thế nào đến các dấu ấn sinh học (dấu chỉ điểm của các quá trình sinh học) và sự phát triển của khối u.

Nghiên cứu phát hiện rằng sử dụng 500-4,000 phần triệu trong chế độ ăn sẽ có tác dụng phòng ngừa ung thư thông qua cơ chế ngăn chặn hoặc làm chậm sự hấp thu các chất có khả năng gây ung thư.

Kết quả cũng cho thấy chế độ ăn chứa diệp lục có thể ngăn chặn và làm chậm sự phát triển của khối u và quá trình chuyển từ tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư.

Số liệu cho thấy loại sắc tố xanh này làm giảm đáng kể sự xuất hiện của u gan từ 29 đến 64% và cải thiện đáp ứng từ 24 đến 45% trong trường hợp u dạ dày.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng diệp lục vẫn có hiệu quả sau khi đã bị ung thư vì họ "xác định rằng chế độ ăn chứa 10% rau chân vịt có thể ức chế đáng kể sự phát triển của khối u ở nhiều cơ quan đích (ruột non, đại tràng, da, lách, gan, phổi) trên chuột trong vòng 34 tuần sử dụng chất gây ung thư".

Mặc dù chất diệp lục cho thấy tiềm năng có thể ức chế sự phát triển của ung thư trong giai đoạn đầu, các tác giả lưu ý rằng loại sắc tố này có thể vẫn có tác dụng giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư ở những giai đoạn sau nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu rõ. Điều này có thể không liên quan trực tiếp đến sự tương tác giữa diệp lục và các chất gây ung thư.

Giảm nguy cơ sinh ung thư

Các nghiên cứu cho thấy chất diệp lục không chỉ làm giảm sinh khả dụng của các chất gây ung thư mà còn tăng cường quá trình đào thải và ức chế quá trình chuyển hóa những chất này, nhờ đó có thể làm giảm nguy cơ ung thư và phòng ngừa sự tiến triển của bệnh.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác dụng của chất diệp lục với một loại ung thư gan có tên là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) ở người.

Aflatoxin là một chất gây ung thư do nấm mốc sản xuất ra và nhiễm vào trong một số loại thực phẩm, làm tăng nguy cơ HCC.

Nghiên cứu này được thực hiện bằng cách cho những người tham gia nghiên cứu sử dụng 100 mg chlorophyllin, ba lần mỗi ngày trong vòng bốn tháng. Chlorophyllin là một loại dẫn xuất bán tổng hợp của diệp lục.

Kết quả cho thấy việc sử dụng chlorophyllin làm giảm 55% lượng hợp chất aflatoxin-DNA thải ra trong nước tiểu. Điều này cho thấy chlorophyllin đã làm giảm "liều sinh học hiệu quả của aflatoxin" trong cơ thể.

Bảo vệ cơ thể chống lại những tác dụng phụ trong quá trình xạ trị và hóa trị

Các chuyên gia cũng đã nghiên cứu về những lợi ích tiềm năng làm giảm tác dụng phụ của xạ trị và hóa trị của chất diệp lục trong quá trình điều trị ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng diệp lục có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, đồng thời có thể làm tăng cường chức năng miễn dịch.

Dưới đây là một số cơ chế cụ thể khiến diệp lục có thể làm giảm những tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị:

Giảm viêm: Diệp lục có tác dụng chống viêm. Tính chất này có thể làm giảm tác dụng phụ của quá trình xạ trị và hóa trị ung thư.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Biomedicines vào năm 2021 đã thảo luận về vấn đề hóa trị ảnh hưởng như thế nào đến sự điều hòa bình thường của cytokine - một loại protein có vai trò quan trọng trong quá trình viêm. Tác động này khiến các tế bào miễn dịch monocyte di chuyển đến vị trí viêm, tập trung và sản xuất thêm nhiều chất gây viêm. Sự mất cân bằng cytokine sẽ gây ra nhiều tác hại. Hóa trị sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các mô khỏe mạnh ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Nghiên cứu cũng cho biết các chuyên gia đang nghiên cứu quá trình viêm ở các cơ quan khác nhau như ruột, gan có liên quan như thế nào đến những vấn đề ở não, ví dụ vấn đề nhận thức liên quan đến quá trình điều trị ung thư, được gọi là "chemobrain".

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Molecules vào năm 2023 cho rằng "chất diệp lục có tác dụng điều hòa các con đường viêm và làm giảm quá trình sản xuất các chất trung gian gây viêm, nhờ đó làm giảm phản ứng viêm". Tác dụng này giúp làm giảm nguy cơ tổn thương mô và các tác dụng phụ khác.

Chống lại hiện tượng stress oxy hóa: Trong nghiên cứu trên, chất diệp lục còn có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại hiện tượng stress oxy hóa do xạ trị và hóa trị gây ra.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sage Journal vào năm 2004 cho thấy các thuốc điều trị ung thư dùng trong hóa trị có thể tạo ra hiện tượng stress oxy hóa, dẫn đến những phản ứng có hại làm giảm và cản trở hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư khi điều trị.

Các tác giả cũng lưu ý rằng việc sử dụng các chất chống oxy hóa khi điều trị hóa trị sẽ làm giảm những phản ứng có hại và tăng hiệu quả điều trị.

Tăng cường chức năng miễn dịch: Chất diệp lục có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch qua cơ chế làm tăng sản xuất bạch cầu và cải thiện hoạt động của các tế bào diệt tự nhiên. Điều này giúp có thể chống lại nhiễm trùng và các tác nhân gây bệnh tốt hơn.

Đặc tính tạo máu: Xạ trị và hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng như xuất huyết nội làm giảm lượng hemoglobin. Hemoglobin là một loại protein quan trọng trong tế bào hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Chất diệp lục có cấu trúc hóa học tương tự như hemoglobin, chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là phân tử ở trung tâm của hemoglobin là sắt, còn của diệp lục là magie. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng nước ép cỏ lúa mỳ giàu chất diệp lục có thể có hiệu quả điều trị những bệnh lý thiếu hemoglobin như thiếu máu hoặc thalassemia.

Những lợi ích sức khỏe khác của diệp lục

Nghiên cứu còn cho thấy những lợi ích tiềm năng của diệp lục trong hỗ trợ chống lão hóa và chữa làm vết thương.

Chống lão hóa: Chất diệp lục bôi ngoài da là một phương pháp chống lão hóa cho da. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Clinical, Cosmetic and Investigational Dermatology cho thấy điều trị bằng chlorophyllin trên da có tác dụng tương đương với khi điều trị bằng tretinoin, một loại kem bôi có tác dụng chống lão hóa da. Các tác giả cũng khuyến cáo rằng dùng kết hợp chlorophyllin và tretinoin sẽ có tác dụng là đảo ngược những dấu hiệu lão hóa da do ánh nắng.

Chữa lành vết thương: Chất diệp lục đã được chứng minh là có thể làm tăng quá trình lành vết thương ở người. Một nghiên cứu trên Tạp chí American Journal of Surgery cho thấy diệp lục có thể giúp làm lành các vết thương do phẫu thuật và ngăn ngừa hiện tượng nhiễm trùng.

Các loại thực phẩm giàu diệp lục

Hầu hết các loại rau xanh tự nhiên đều chứa chất diệp lục. Chất này còn có trong những sản phẩm phụ khác như thân, lá, phần lõi và phần vỏ cây. Các loại thực phẩm đặc biệt giàu diệp lục gồm có:

- Rau chân vịt

- Bí

- Cải xoăn

- Cải dại

- Xà lách Rocket

- Ớt xanh

- Tảo lục

- Tảo xoắn Nhật Bản

- Tỏi tây

- Rau mùi tây

- Bông cải xanh

- Cải bắp xanh

- Bí xanh

- Đậu Hà Lan

- Dưa chuột

- Cỏ lúa mỳ

Các loại thực phẩm bổ sung

Các loại thực phẩm bổ sung chất diệp lục bắt đầu phổ biến từ những năm 1960 dưới dạng lỏng, bột hoặc dạng viên nang.

Mặc dù không có sự đồng thuận về liều khuyến cáo hằng ngày, một số nghiên cứu cho rằng liều 100-300 mg diệp lục mỗi ngày ở người lớn sẽ có lợi cho một số vấn đề sức khỏe.

Những tác dụng phụ có thể xảy ra

Có một số tác dụng phụ nhẹ đã được ghi nhận như chuột rút, tiêu chảy, ngứa và phân có màu xanh.

Chất diệp lục không có tương tác với những loại thuốc khác. Tuy nhiên, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thêm diệp lục vào chế độ ăn của mình

Theo Christy Prais, The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Christy A. Prais nhận bằng kinh doanh từ Đại học Quốc tế Florida. Cô là người sáng lập và là người dẫn chương trình Discovering True Health, một kênh YouTube và podcast chuyên về sức khỏe và sự khỏe mạnh. Prais cũng tham gia vào ban cố vấn tại Trường Chăm sóc và Chữa lành. Cô là nhà báo cộng tác của The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Năng lượng xanh: Tiềm năng của chất diệp lục trong điều trị ung thư và hơn thế nữa