Nếu con bạn có 4 đặc điểm này thì xin chúc mừng, tương lai chúng sẽ rất hiếu thảo với cha mẹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lòng hiếu thảo chính là yếu tố quan trọng để đánh giá phẩm chất và tính cách của một người. Dù ngoại hình xấu hay đẹp, nhưng nếu người đó có tấm lòng hiếu thảo thì tương lai sẽ vô cùng rộng mở.

Làm cha mẹ, ai cũng hy vọng con cái lớn lên sẽ thành công, có tiền đồ, biết ơn và hiếu thuận với mình. Cho nên thế hệ trước đều thích sinh nhiều con, một trong những lý do chính là để về già có người để nương tựa.

Mỗi đứa trẻ sinh ra là một tờ giấy trắng, trong cuộc sống, không ai biết được chắc chắn tương lai của mình sẽ như thế nào, cũng không ai quyết định được sau này có báo hiếu được cha mẹ vẹn tròn hay không. Tuy vậy, sự giáo dục của gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc liệu trẻ có thể sống tử tế trong tương lai, liệu trẻ có biết yêu thương và kính trọng với cha mẹ mình hay không.

Muốn con cái yêu thương và hiếu thảo trong tương lai, cha mẹ cần phải thiết lập các giá trị và quy tắc đúng đắn cho con ngay từ khi còn nhỏ.

Trên thực tế, việc nhận biết một đứa trẻ có phải là người hiếu thuận với cha mẹ hay không, chúng ta cũng không cần phải chờ đến khi trẻ lớn lên. Nếu một đứa trẻ biết đồng cảm và biết cách suy nghĩ cho người khác ngay từ khi còn nhỏ, thì khi lớn lên chúng sẽ là một đứa trẻ có hiếu. Cha mẹ cũng có thể tham khảo qua 4 đặc điểm dưới đây:

Trẻ có biết ơn hay không?

Biết ơn là một phẩm chất tốt đẹp trong nhân cách con người. Cha mẹ là người có công ơn sinh thành và dưỡng dục chúng ta nên người, là người chúng ta mang ơn cả một đời. Công ơn này cả đời khó mà đền đáp, tuy nhiên, có những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết thể hiện sự biết ơn, yêu thương vô bờ bến với cha mẹ. Chúng sâu sắc cảm nhận được sự vất vả và tình cảm mà cha mẹ đã dành cho mình, những đứa trẻ này lớn lên nhất định sẽ rất hiếu thảo với cha mẹ.

Có một câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội như sau:

Một nữ sinh viên 23 tuổi ở Trung Quốc, khi cô gái được bố cho chi tiêu thẻ tín dụng, cô chỉ trả lời một cách dửng dưng, xem đó như điều tất nhiên. Người bố kiên nhẫn khuyên con: "Tiền bạc có hạn, con nên chú ý tiết kiệm". Cô gái nghe xong không những không nghe lời, mà còn đăng tải đoạn clip trò chuyện của hai bố con lên mạng, hơn nữa dùng những lời lẽ vô cùng ác ý nhằm xúc phạm người cha đã chu cấp cho mình.

Trên đời không hiếm những đứa trẻ ‘yên tâm’ hưởng thụ sự vất vả và hy sinh của cha mẹ, thậm chí nếu cha mẹ không đáp ứng đúng nhu cầu của mình thì lòng sinh đầy oán hận. Một đứa trẻ chưa làm ra tiền còn không biết cảm ơn, thì cho dù sau này có thành đạt trong sự nghiệp, làm sao có thể mong đợi chúng kính trọng và hiếu thuận cha mẹ?

Thế nhưng, cha mẹ không phải đợi đến khi con 22, 23 tuổi mới thấy được tính cách vô ơn này. Nếu một đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ chỉ quan tâm đến việc đạt được những thứ có lợi cho mình, coi sự vất vả hy sinh của cha mẹ là điều đương nhiên, và làm ngơ trước những khó khăn của cha mẹ, những đứa trẻ này sau khi trưởng thành sẽ khó có thể nảy sinh một tấm lòng biết ơn.

Những trẻ thường chia sẻ với bố mẹ những thứ ngon lành và những điều vui vẻ, bổ ích, mỗi khi nhìn thấy những điều tốt đẹp, người đầu tiên chúng nghĩ tới chính là bố mẹ. Những đứa trẻ như vậy lớn lên nhất định sẽ rất hiếu thảo và biết cách phụng dưỡng cha mẹ.

Trẻ có biết chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ người khác hay không?

Hiện nay, có rất nhiều bậc cha mẹ nuông chiều con cái, hiếm khi cho phép trẻ nhúng tay vào việc nhà. Đôi khi cha mẹ bận rộn hoặc mệt mỏi, hoặc tay bị thương, nếu nói với con: "Bố/ mẹ đang mệt, con có thể giúp bố/mẹ làm việc nhà không?", nếu đứa trẻ đồng ý, có thể thấy trẻ rất thương bố mẹ.

Ngược lại, đứa trẻ dù luôn miệng nói yêu thương bố mẹ nhưng mỗi khi bố mẹ nhờ vả chút việc nhà lại đánh trống lảng để khỏi làm việc, không có một chút quan tâm, đứa trẻ có thể sẽ không hiểu chuyện, cũng có thể bởi vì bố mẹ quá nuông chiều nên thành ra trẻ có chút ích kỷ.

Ngay từ khi còn nhỏ, nếu trẻ không sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, hoặc không muốn chia sẻ đồ của mình cho người khác, như vậy gia đình phải thay đổi cách giáo dục để cho trẻ biết rằng cha mẹ và những người khác cũng cần được con chia sẻ như cách mọi người đang chia sẻ với con mỗi ngày.

Trẻ có sẵn sàng thể hiện tình cảm với cha mẹ hay không?

Một đứa trẻ sẵn sàng thể hiện tình cảm với cha mẹ và không giấu diếm tình yêu của mình với cha mẹ, đứa trẻ đó chắc chắn là đứa con rất hiếu thảo. Chúng lúc nào lo lắng cho cảm xúc của mọi người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ của mình.

Một nữ diễn viên nổi tiếng đã đăng bức thư của con trai mình lên trên mạng xã hội, kèm theo đó là lời kể rất tự hào, cô nói về lý do mà con trai viết thư cho mình, cô kể rằng: Vì đứa con gái của cô khen một nữ diễn viên nhạc kịch xinh đẹp hơn mẹ mình, điều này khiến con trai cô có chút không hài lòng. Ngay sau đó, cậu con trai đã viết một bức thư cho mẹ và nói rằng: “Mẹ ơi, con yêu mẹ, mẹ là người xinh đẹp nhất trên thế giới này!”

Trên thực tế, một đứa trẻ không giấu giếm tình yêu thương của mình đối với cha mẹ phải là đứa trẻ được sống trong môi trường yêu thương, có nội tâm phong phú, coi trọng tình thương gia đình, biết quan tâm và lo lắng đến cảm xúc của những người xung quanh, những đứa trẻ có EQ cao như vậy chắc chắn sẽ là một người con hiếu thảo.

Trẻ có tinh thần trách nhiệm hay không?

Một gia đình nọ có đôi vợ chồng kinh doanh rau củ sạch, công việc kinh doanh rất bận rộn, họ chỉ có thể ngủ 3-4 tiếng một ngày, 2 đứa con của họ cũng rất coi trọng sự vất vả và công lao của bố mẹ, chúng chủ động học hành không khiến cha mẹ phải bận lòng, ngoài giờ học, chúng thường phụ giúp cha mẹ những việc trong khả năng của mình.

Trên thực tế, những đứa trẻ có thể hiểu được sự khó khăn của cha mẹ, sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với cha mẹ thường có tinh thần trách nhiệm cao. Ngay cả khi sau này chúng kết hôn, thì trong trái tim chúng cha mẹ vẫn luôn là số 1.

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những trường hợp như sau: Khi trẻ đang đi bộ thì đột nhiên vướng vào cái ghế đẩu, sau đó chúng ngã và òa khóc. Lúc này, bạn sẽ làm gì? Một số phụ huynh vì thấy thương con nên quay ra đổ lỗi cho cái ghế hoặc cái sàn nhà . Điều này sẽ khiến đứa trẻ hình thành thói quen đổ lỗi và đẩy trách nhiệm cho ngoại cảnh, không muốn nhận trách nhiệm về bản thân.

Khi đứa trẻ gặp phải một chút thất bại hoặc khó khăn, chúng sẽ học cách trốn tránh trách nhiệm với bản thân từ những thói quen nhỏ này: Chính người khác là người làm hại mình, là lỗi của người khác, mình không có lầm lỗi gì ở đây cả,...

Nếu hình thành thói quen như vậy, lâu dần, chúng sẽ không cố gắng chủ động giải quyết vấn đề mà sẽ tìm cách bào chữa cho mình mỗi khi gặp sự cố nào đó. Đối tượng mà chúng đổ lỗi thường là do hoàn cảnh, hoặc nhiều khả năng là cha mẹ, người đã không cho chúng một hoàn cảnh xuất thân tốt.

Cha mẹ cần để trẻ học cách can đảm chịu trách nhiệm, chúng mới không trốn tránh khó khăn một cách mù quáng, thậm chí đổ lỗi cho người khác.

Thay vào đó, trẻ sẽ đúc kết bài học và kinh nghiệm trong những vấp ngã, từ đó tiếp tục hoàn thiện bản thân. Khi đứa trẻ lớn lên, chúng cũng có thể đảm nhận những trách nhiệm lớn lao thuộc về mình, trách nhiệm này có thể là làm cha mẹ, làm con cái, hoặc là một thành viên trong xã hội. Có những đứa con biết chịu trách nhiệm với cuộc đời mình là điều khiến cha mẹ tự hào nhất.

Gia Hân tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nếu con bạn có 4 đặc điểm này thì xin chúc mừng, tương lai chúng sẽ rất hiếu thảo với cha mẹ