Nghiên cứu tiết lộ ai có nguy cơ mắc COVID kéo dài cao nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một phân tích mới làm rõ hơn về những ai có nguy cơ mắc "COVID kéo dài" cao nhất. Đây là một loạt các triệu chứng mãn tính kéo dài xuất hiện sau khi một người nhiễm COVID-19 cấp tính.

Mặc dù nhiều vấn đề liên quan đến COVID kéo dài vẫn chưa được biết rõ, nhưng một số nhà nghiên cứu cho biết nó bao gồm các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và sương mù não, có thể kéo dài hàng tháng sau khi bệnh nhân mắc COVID-19 lần đầu.

Một số người có thể hồi phục sau một thời gian dài, trong khi một số khác cho biết các triệu chứng của họ vẫn chưa hoàn toàn biến mất kể từ đầu năm 2020.

Bài báo nghiên cứu được công bố trên JAMA Network, hơn 4.700 người tham gia và được yêu cầu tiết lộ thời gian phục hồi của họ sau khi bị nhiễm COVID-19, theo bản tin của Đại học Columbia.

Đại học Columbia cho biết thêm rằng nghiên cứu gần đây "vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra" COVID kéo dài, nhưng nói thêm rằng "những người bị nhiễm nhẹ hơn (bao gồm cả những người được tiêm vaccine phòng SARS-CoV-2 và những người bị nhiễm biến thể Omicron) có nhiều khả năng phục hồi nhanh chóng hơn".

Trong nghiên cứu trích dẫn báo cáo từ những người tham gia, thời gian phục hồi trung bình cho các trường hợp nhiễm COVID-19 từ năm 2020 đến năm 2023 là khoảng 20 ngày. 1/5 người lớn có các triệu chứng kéo dài hơn ba tháng, họ nói.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu cho biết: "Phụ nữ và những người có sức khỏe không tốt trước đại dịch, đặc biệt là những người mắc 'bệnh tim mạch lâm sàng', có thời gian phục hồi lâu hơn".

Nghiên cứu cũng nói thêm rằng: "Tiêm chủng trước khi mắc COVID-19 và nhiễm bệnh trong đợt bùng phát biến thể Omicron có liên quan đến thời gian phục hồi ngắn hơn".

Những người mắc bệnh thận mãn tính, tiểu đường, hen suyễn, bệnh phổi mãn tính, các triệu chứng trầm cảm và có tiền sử hút thuốc cũng có liên quan đến thời gian phục hồi COVID-19 lâu hơn.

Tuy nhiên, "những mối liên hệ này không còn đáng kể sau khi cân nhắc đến khía cạnh giới tính, bệnh tim mạch, tiêm chủng và phơi nhiễm biến thể", các nhà nghiên cứu cho biết.

Phân tích mới không tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa nguy cơ mắc COVID kéo dài với độ tuổi, trình độ học vấn, tiền sử hút thuốc, béo phì, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc các triệu chứng trầm cảm cao.

Kết quả tương tự đối với các trường hợp tái nhiễm.

Theo các nhà nghiên cứu, những người bị ảnh hưởng đáng kể nhất bởi COVID kéo dài là người Mỹ bản địa và người Alaska Bản địa, những người này có tỷ lệ "nhiễm trùng nặng và thời gian phục hồi lâu hơn" cao hơn.

Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt được công bố gần đây trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm mới nổi cho thấy trong quá trình biến thể Omicron BA.5 lây lan tại Nhật Bản, tỷ lệ mắc COVID kéo dài là 11,8%.

Các tác giả của báo cáo đã phân tích kết quả từ khoảng 25.000 người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên ở nước này vào tháng 7 năm 2022.

"Biến thể Omicron có xu hướng gây ra các triệu chứng cấp tính ít nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, so với các biến thể trước đó, nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài [đối với biến thể Omicron] có thể tương tự hoặc thấp hơn", các tác giả viết trong báo cáo được đăng trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

"Các di chứng lâu dài và nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài ở những người nhiễm Omicron so với những người không nhiễm bệnh vẫn chưa được biết rõ".

Những phát hiện này đến từ những cá nhân trong độ tuổi từ 20 – 69 bị nhiễm COVID-19 vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 năm 2022, và cũng trả lời một cuộc khảo sát về các triệu chứng của họ khoảng sáu tháng kể từ thời điểm bị nhiễm virus.

"Trong số các trường hợp, giới tính nữ, các bệnh nền và mức độ nghiêm trọng của COVID-19 cấp tính có liên quan đến việc mắc COVID-19 kéo dài. Chúng tôi khuyến nghị một nghiên cứu theo dõi lâu hơn về sự tác động của việc nhiễm bệnh trong đợt bùng phát của biến thể Omicron đến cuộc sống hàng ngày và tình trạng kinh tế xã hội", các tác giả nêu rõ.

Nhiều nghiên cứu được công bố vào năm ngoái cho thấy nhiễm biến thể Omicron ít có khả năng dẫn đến COVID kéo dài hơn so với các biến thể trước đó như chủng Delta.

"Trong một quần thể trẻ khỏe, nguy cơ mắc COVID kéo dài sau khi nhiễm Omicron, không phụ thuộc vào tình trạng tiêm chủng, là rất thấp", Tiến sĩ Philipp Kohler, Bệnh viện Cantonal St Gallen và nhà nghiên cứu chính của một trong các nghiên cứu cho biết.

"Những dữ liệu này cho thấy làn sóng COVID kéo dài sau khi nhiễm biến thể Omicron sẽ không tàn khốc như nhiều người lo ngại".

Theo Jack Phillips - The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

Jack Phillips là phóng viên cấp cao của The Epoch Times có trụ sở tại New York. Anh phụ trách mảng cập nhật tin nóng.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu tiết lộ ai có nguy cơ mắc COVID kéo dài cao nhất