Người dân Trung Quốc chỉ ra nguyên nhân tiêu dùng yếu kém

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục ảm đạm, người dân tiêu dùng yếu kém, đâu là nguyên nhân?

Sau khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid, nền kinh tế của nước này đã có một thời gian phục hồi ngắn nhưng sau đó lại tiếp tục đi xuống, thị trường bất động sản gặp khó khăn, thị trường chứng khoán giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, một lượng lớn người dân thất nghiệp và không có tiền để chi tiêu.

Cô Ngô Vĩ (Wu Wei), một người làm truyền thông tự do ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, hôm 27/6 cho biết, cô đã đi quay cảnh thực tế trên đường phố và nhận thấy năm nay có nhiều cửa hàng vật lý đã đóng cửa.

Trước đó trên mạng Internet cũng xuất hiện một số video cho biết, ở tỉnh Quảng Tây và Sơn Đông có không ít trung tâm thương mại vắng bóng người, chỉ thấy nhân viên của cửa hàng chứ không có khách hàng; có những cửa hàng đã dọn sạch đồ, trong khi một số khác thì khóa cửa.

Ví dụ, trong một video quay tại trung tâm thương mại Carnival Hisense Plaza, nơi được mệnh danh là một trong những trung tâm mua sắm có vị trí đẹp nhất thành phố Thanh Đảo (ở tỉnh Sơn Đông) vì nằm cạnh biển, có thể thấy bên trong hầu như toàn nhân viên bán hàng và dường như không có khách.

Carnival Hisense Plaza có diện tích xây dựng lên tới hơn 140.000 mét vuông, là một trong những trung tâm mua sắm cao cấp nhất ở Thanh Đảo. Tầng một của trung tâm thương mại này bán quần áo và trang sức. Hơn 80% thương hiệu trong trung tâm thương mại này là thương hiệu quốc tế.

Cư dân mạng “Vua Gấu trúc” ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nói rằng, tình hình hiện nay là người giàu không dám tiêu dùng, còn những người bình thường thì không có tiền để tiêu, vì năm nay kiếm tiền khó khăn.

Ông Tần Thụy (Qin Rui), một người làm truyền thông tự do ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 25/6 nói rằng, người dân không có tiền, không thể tiêu dùng, vậy tiền trong tay họ đã đi về đâu?

Ông Tần chỉ ra, thứ nhất là bất động sản. Có người đã mua nhà, có người thì chuẩn bị mua nhà cho con trai lấy vợ. Đây là khoản chi lớn nhất.

Thứ hai là chi phí y tế. Có những người bị mắc bệnh hoặc phải nhập viện, trong chốc lát tất cả số tiền tiết kiệm của họ đều đổ vào đó.

Thứ ba là để dành tiền đóng bảo hiểm xã hội, chuẩn bị cho việc dưỡng lão. Ông Tần nói, nếu hôm nay bạn có việc làm nhưng ngày mai bạn thất nghiệp thì bạn vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, và số tiền này khá lớn.

Thứ tư là để dành tiền cho các khoản chi lớn khác, như việc học tập của con cái, hoặc kết hôn, v.v.

Ông Tần Thụy chỉ ra, người dân Trung Quốc vốn đã không kiếm được nhiều tiền, nếu tiền đều đổ hết vào 4 trường hợp trên thì đâu còn gì để tiêu.

Ông Tần nói, tình hình kinh tế Trung Quốc không tốt, nếu muốn người dân tiếp tục tiêu dùng thì thị trường phải sôi động trở lại, người dân phải có tiền trong tay, [chính quyền] phải thực hiện tốt chế độ an sinh xã hội ở mức cơ bản nhất.

Ông Tần Thụy cho rằng, một trong những lý do dẫn đến tình huống hiện nay là do lệnh phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 3 năm đã hủy hoại việc làm ăn của nhiều người khởi nghiệp. Họ bị buộc phải thất tín, không thể trả nợ đúng hạn và không được vay vốn tiếp, nên cũng không thể bắt đầu kinh doanh lại.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người dân Trung Quốc chỉ ra nguyên nhân tiêu dùng yếu kém