Nhân quả báo ứng: Cha tạo 'nghiệp chướng' này, 10 người con đều ốm yếu bệnh tật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tật đố, hay còn gọi là ghen tuông, đố kỵ, đây là một cảm xúc tiêu cực của con người. Thông thường, đó là cảm giác oán giận và bất bình khi nhìn thấy người khác đạt được điều gì đó tốt hơn mình, họ thắc mắc vì sao bản thân họ không có trong khi người khác lại có. Tật đố thậm chí còn có thể sản sinh ra hận thù.

Kỳ thực, tâm tật đố là một điều rất đáng sợ. Tuy nhiên, nó thường ẩn sâu trong nội tâm con người và không dễ dàng nhận ra, hoặc là khó nhận thức được, nếu nhận ra thì nhiều người cho rằng đây là phản ứng tự nhiên, là bản năng của con người. Do vậy, khi thấy người khác được điều gì đó tốt, nhiều người cảm thấy như bản thân vừa mất đi thứ gì, nếu người khác chịu thiệt hại hoặc gặp điều không may, họ sẽ vui vẻ giống như bản thân vừa được điều gì đó tốt.

Mọi người thường không thể tưởng tượng được thái độ sống này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào.

Câu chuyện dưới đây được ghi chép lại trong "Văn Đế Xương Đế Quân Chất Văn Quảng Nghĩa" do Chu An Sĩ biên soạn vào đầu thời nhà Thanh, quả thực khiến con người tỉnh ngộ. May mắn thay, nhân vật chính trong câu chuyện đã kịp thời thức tỉnh sau khi hiểu được đạo lý 'nhân quả báo ứng', đã quy chính bản thân, hóa giải những bất hạnh trong cuộc đời. Câu chuyện diễn ra như sau:

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tống có một đại phu tên là Tưởng Viện. Ông có mười người con, điều bất hạnh là cả mười đứa con của ông đều ốm yếu bệnh tật: Một đứa lưng gù, một đứa què, một đứa co giật chân tay, một đứa chân đi khập khiễng, một đứa bị điếc, một đứa bị mù, một đứa bị câm, một đứa mắc bệnh tâm thần, một đứa si ngốc, một đứa mất trí nhớ, còn một đứa chết trong ngục tù. Hầu như mọi bất hạnh trên thế gian đều đổ lên đầu mười đứa con của ông.

Cung Minh Tử Cao nhìn thấy tình cảnh bi thảm như vậy liền hỏi Tưởng Viện: "Đại phu, ngài bình thường hành sự như thế nào? Khiến gia đình dẫn đến tai họa như thế này!".

Tưởng Viện đáp: "Tôi bình thường không có hành vi xấu nào cả, duy chỉ thích đố kỵ với người khác mà thôi".

"Khi thấy có người mạnh hơn tôi, tôi liền đố kỵ với họ; người khác nịnh nọt tôi, tôi liền thích giao du với họ; nghe nói người khác làm điều tốt, tôi liền sinh tâm hoài nghi; nghe thấy người khác làm điều ác, tôi liền tin tưởng không một chút nghi ngờ. Thấy người khác có được thứ gì tốt, tôi cảm thấy như vừa mất đi thứ gì; thấy người khác mất đi thứ gì đó, bản thân tôi giống như vừa đắc được thứ gì vậy".

Tử Cao nghe xong liền thở dài: "Tâm thái và hành vi giống như ngài vừa nói, nhất định sẽ mang lại họa loạn cho gia đình rồi, ác báo lẽ nào chỉ có như vậy sao?".

Tưởng Viện nghe xong liền cảm thấy vô cùng sợ hãi, Tử Cao khuyên ông: "Trời tuy ở trên cao, nhưng lại thấy rõ mọi sự việc. Nếu chúng ta có thể thay đổi những lỗi lầm trong quá khứ, nắm bắt tốt tương lai, vậy thì có thể chuyển họa thành phúc, bây giờ vẫn chưa quá muộn".

Kể từ đó, Tưởng Viện luôn nhắc nhở bản thân, suy ngẫm lại những hành vi và suy nghĩ xấu xa trong cuộc đời. Chỉ trong vòng vài năm, những chứng bệnh lạ của các con ông cũng ngày càng thuyên giảm.

Theo quan điểm của Phật gia, một cá nhân và những người xung quanh cá nhân ấy đều có mối quan hệ liên đối và tương hỗ, đặc biệt là những người trong gia đình với nhau, họ là những người có duyên phận rất lớn. Một người trong gia đình mà hành thiện hoặc hành ác thì đều sẽ mang đến phúc báo hoặc tai họa cho những thành viên trong gia đình, bởi vậy người xưa có cách nói: "Nhà nào tích thiện thì dư phúc, nhà nào tích ác thì dư họa".

Sau khi đọc câu chuyện này, chúng ta cần suy xét bản thân liệu có niệm đầu tật đố người khác, "thấy người khác có điều tốt thì cảm thấy bất bình" hay không, điều này quả thực đáng để chúng ta xem xét và suy ngẫm kỹ lưỡng.

Theo Văn Từ Mẫn - Sound Of Hope
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhân quả báo ứng: Cha tạo 'nghiệp chướng' này, 10 người con đều ốm yếu bệnh tật