Nhiều người lớn tuổi vẫn uống Aspirin hàng ngày mặc dù đã có khuyến cáo ngược lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu phát hiện nhiều người cao tuổi vẫn đang tiếp tục sử dụng Aspirin liều thấp hàng ngày cho dù gần đây đã có nhiều cảnh báo không nên dùng.

Một nghiên cứu mới cho thấy có một số lượng đáng kể người Mỹ lớn tuổi vẫn đang tiếp tục sử dụng aspirin liều thấp để ngăn ngừa bệnh tim mạch, mặc dù hai hiệp hội tim mạch lớn đã đảo ngược hướng dẫn của họ về việc này.

Trong một bài báo được công bố vào ngày 24 tháng 6 trên Tạp chí Annals of Internal Medicine, có khoảng 18,5 triệu người Mỹ từ 60 tuổi trở, lên không mắc bệnh tim mạch, báo cáo rằng họ đang sử dụng aspirin như là biện pháp phòng bệnh vào năm 2021. Trong số đó, khoảng 3,3 triệu người sử dụng aspirin hàng ngày mà không có khuyến nghị của bác sĩ.

Trong nhiều thập kỷ, các hiệp hội tim mạch và bác sĩ đã khuyến nghị sử dụng một liều 81 milligram aspirin duy nhất, mỗi ngày để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc các vấn đề về tim mạch khác.

Nhưng vào năm 2019, hai hiệp hội là American College of Cardiology và American Heart Association đã thay đổi hướng dẫn của họ về việc sử dụng aspirin hàng ngày, nói rằng không nên sử dụng thường xuyên vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu nội tạng ở người cao tuổi. Chế độ sử dụng aspirin hàng ngày vẫn được khuyến nghị cho những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Một nhóm các quan chức y tế độc lập được gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị tương tự vào năm 2022, sau khi họ đề xuất sử dụng aspirin hàng ngày để chống lại nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Nhóm này, cho biết vào thời điểm đó rằng người lớn tuổi không mắc bệnh tim thì không nên dùng aspirin liều thấp hàng ngày nhằm mục đích ngăn ngừa nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ tiên phát. Ở những người từ 60 tuổi trở lên, chưa từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, thì nguy cơ chảy máu nội tạng sẽ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào mà aspirin có thể mang lại.

Họ cũng cho cũng biết, có thể có chút lợi ích cho những người trong độ tuổi 40 không có yếu tố nguy cơ về chảy máu. Đối với những người trong độ tuổi 50, lời khuyên trở nên hạn chế hơn và họ cũng cho biết là các bằng chứng về lợi ích không được rõ ràng.

Bác sĩ Mohak Gupta thuộc Phòng khám Cleveland, một thành viên của nghiên cứu, đã viết trên mạng xã hội rằng nghiên cứu của họ vẫn phát hiện rất nhiều người đang sử dụng aspirin hàng ngày "bất chấp dữ liệu năm 2018 cho thấy tác hại do chảy máu lớn hơn lợi ích khi sử dụng thường xuyên". Ông nhấn mạnh vào nghiên cứu được American College of Cardiology và American Heart Association trích dẫn làm cơ sở để đảo ngược khuyến nghị của họ.

Phản hồi về nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội khoa, nhà nghiên cứu Eric Topol đã lưu ý trên nền tảng mạng xã hội X rằng "sử dụng aspirin để dự phòng nguyên phát bệnh tim mạch đã được chứng minh là gây ra nhiều tai biến chảy máu hơn là lợi ích trong các thử nghiệm ngẫu nhiên suốt 5 năm qua".

Một nhà nghiên cứu khác, giáo sư Robert Lufkin của Đại học California, Los Angeles, viết rằng nhóm của ông đã tìm thấy kết quả tương tự trong một cuộc khảo sát vào tháng 3 năm 2024, và cho biết thêm "nhiều" người Mỹ cao tuổi "thường không thảo luận" về dữ liệu so sánh nguy cơ so và lợi ích của liệu pháp này với bác sĩ của họ.

Trong cuộc thăm dò đó, một trong bốn người trưởng thành từ 50 đến 80 tuổi báo cáo là đang dùng aspirin thường xuyên, nghĩa là dùng ba ngày hoặc nhiều hơn trong một tuần.

"Trong khi một số người lớn tuổi, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh tim mạch, được hưởng lợi từ việc dùng aspirin thường xuyên, thì những người lớn tuổi khác có thể không được lợi mà thậm chí có thể bị tổn hại do sử dụng thường xuyên", cuộc khảo sát cho biết, lưu ý rằng những người có tiền sử bệnh tim mạch "thường được khuyến nghị" dùng aspirin thường xuyên.

Bác sĩ John Wong, thành viên Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ và là chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Trung tâm Y khoa Tufts, cho biết, bất kể tuổi tác, người lớn tuổi nên trao đổi với bác sĩ của họ về việc dừng lại hay bắt đầu sử dụng aspirin để đảm bảo đó là lựa chọn đúng đắn cho họ. "Việc sử dụng aspirin có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng, và rủi ro tăng lên theo tuổi", ông nói vào năm 2022.

Các quan chức y tế cho biết aspirin kích ứng lớp niêm mạc lót dạ dày, gây chảy máu nội tạng, gây loét và các vấn đề tiêu hóa khác. Aspirin là một chất làm máu loãng, nó có thể gây nguy hiểm cho những người có nguy cơ chảy máu cao.

Trong khi đó, những người sử dụng aspirin kèm một thuốc làm máu loãng khác cũng có nguy cơ gặp các phản ứng bất lợi. Các chất làm máu loãng phổ biến khác bao gồm các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen hoặc các thuốc tim ví dụ như warfarin. Một số chất bổ sung thảo dược phổ biến như nghệ, tỏi và gừng cũng có tác dụng làm máu loãng.

Nghiên cứu này bao gồm 186.425 người tham gia có độ tuổi từ 40 trở lên, đại diện cho một tập hợp dân số khoảng 150 triệu người lớn.

Theo Jack Phillips, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch

Jack Phillips là một phóng viên tin nóng ( breaking news) với 15 năm kinh nghiệm, khởi đầu là phóng viên địa phương của Thành phố New York. Gia nhập nhóm tin tức của The Epoch Times vào năm 2009, Jack sinh ra và lớn lên gần Modesto ở Thung lũng Trung tâm của California. Theo dõi anh ấy trên X: https://twitter.com/jackphillips5



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều người lớn tuổi vẫn uống Aspirin hàng ngày mặc dù đã có khuyến cáo ngược lại