‘Quên từ, nói chậm’ là dấu hiệu mất trí nhớ? Bí quyết ngăn ngừa thoái hóa não

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn đang trò chuyện, bỗng nhiên không thể nhớ ra từ ngữ chính xác để diễn đạt ý kiến. Hiện tượng "quên từ" này thường khiến nhiều người lo lắng rằng đây có thể là dấu hiệu báo trước của suy giảm nhận thức, mà xa hơn là mất trí nhớ. Tuy nhiên, liệu điều này có thực sự đúng?

Một nghiên cứu tại Canada đã phát hiện ra rằng, "quên từ" thực chất là một hiện tượng lão hóa bình thường, trong khi "nói chậm" mới chính là dấu hiệu cảnh báo mất trí nhớ thực sự.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Bệnh viện Baycrest (Canada) và Đại học Toronto, hợp tác đánh giá khả năng nhận thức, bao gồm nhận dạng hình ảnh, mô tả hình ảnh và khả năng nhận thức trên 125 người tham gia, độ tuổi từ 18 – 90.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khi tuổi tác tăng lên, khả năng ngôn ngữ có xu hướng giảm xuống.

Người đó có thể cần nhiều thời gian hơn để tìm kiếm từ ngữ phù hợp khi nói hoặc viết, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ bị suy giảm nhận thức tổng thể hoặc có dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Ngược lại, đây là một hiện tượng lão hóa bình thường.

Tiến sĩ Jed Meltzer, người chủ trì nghiên cứu, Giám đốc Nghiên cứu Thần kinh khoa học nhận thức can thiệp tại Bệnh viện Baycrest (Canada), cho rằng số lần và thời gian tạm dừng để tìm kiếm từ ngữ chính xác không liên quan gì đến chức năng điều hành của não bộ, và nó cũng không thể đại diện cho nguy cơ hoặc mức độ sa sút trí tuệ.

Ngược lại, tốc độ nói càng chậm thường liên quan đến "chức năng điều hành cơ thể càng kém" và nguy cơ mất trí nhớ cũng cao hơn. Nói cách khác, "nói chậm" phản ánh tình trạng sức khỏe não bộ rõ ràng hơn so với "khó tìm từ".

Meltzer viết:

"Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi tốc độ nói bình thường có thể phản ánh sự thay đổi của não bộ. Bất kể có tạm dừng hay không, sự sụt giảm tốc độ nói bình thường là một chỉ báo quan trọng hơn về sự thay đổi sức khỏe não bộ.

Tốc độ nói [là một chỉ số] nên được đưa vào hệ thống đánh giá nhận thức tiêu chuẩn để giúp các bác sĩ phát hiện sớm suy giảm nhận thức trong lâm sàng, và giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe não bộ".

Quên từ, nói không trôi chảy là do lão hóa bình thường, không phải mất trí nhớ

Nghiên cứu cho thấy, quan niệm "quên từ là dấu hiệu mất trí nhớ" có thể sai lầm, vì việc thường xuyên tạm dừng, quên từ chỉ là biểu hiện của lão hóa chứ không nhất thiết là dấu hiệu mất trí nhớ, khả năng nhận thức cũng không nhất thiết bị suy giảm.

Đối với những người thường xuyên quên từ, lo lắng bản thân bị mất trí nhớ nhưng tốc độ nói vẫn bình thường, có thể bớt lo lắng hơn.

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, một hiện tượng gọi là "hội chứng đầu lưỡi" (biết mình muốn nói gì nhưng không thể nói ra) không liên quan trực tiếp đến bệnh Alzheimer.

Một số nhà khoa học cũng cho rằng, phát hiện về "tốc độ nói" này có thể giúp phát triển các thiết bị chẩn đoán cụ thể và nắm bắt sớm tình trạng sức khỏe não bộ của bệnh nhân, ngăn ngừa các vấn đề mất trí nhớ nghiêm trọng hơn.

Chuyên gia khuyên: Nên nói nhiều ngôn ngữ để phòng ngừa mất trí nhớ

Mặc dù nghiên cứu mới chỉ ra mối liên hệ giữa tốc độ nói và mất trí nhớ, nhưng các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh việc "luyện tập để tăng tốc độ nói" có thể phòng ngừa mất trí nhớ.

Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen tập thể dục và tăng cường rèn luyện trí não, hiện nay, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng "nói nhiều ngôn ngữ" cũng là một cách tốt để phòng ngừa mất trí nhớ.

Theo bài báo trên tờ New York Times, chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ kép và sức khỏe não bộ tại Bệnh viện Broca (Pháp), Caitlin Ware cho biết, bạn không cần quá quan trọng việc học ngoại ngữ ở độ tuổi nào hoặc học bao nhiêu ngôn ngữ, điều quan trọng hơn là tần suất bạn sử dụng ngoại ngữ và liệu bạn có thường xuyên sử dụng hoặc chuyển đổi giữa nhiều ngôn ngữ trong cuộc sống hay không.

Cô nói:

"Lợi ích của việc nói nhiều ngôn ngữ đối với khả năng nhận thức nằm ở chỗ bạn buộc phải ức chế ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Khi bạn cố gắng nhớ lại từ vựng chính xác trong ngoại ngữ, não bộ của bạn sẽ buộc phải thực hiện quá trình luyện tập này. Do đó, nếu bạn thường xuyên sử dụng ngôn ngữ thứ hai, bạn sẽ có được nhiều bài tập nhận thức hơn".

Quá trình này được gọi là ức chế nhận thức (Cognitive inhibition).

Các chuyên gia phân tích rằng, việc thường xuyên thực hiện ức chế nhận thức có thể tăng cường khả năng chống lại tổn thương não do bệnh Alzheimer gây ra. Khi sức đề kháng của não tăng lên, nó có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh mất trí nhớ ngay cả khi sức khỏe não bộ bắt đầu suy giảm.

Theo Zeng Ziheng - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Quên từ, nói chậm’ là dấu hiệu mất trí nhớ? Bí quyết ngăn ngừa thoái hóa não