Ra mồ hôi nhiều hại sức khỏe! Làm sao để biết cơ thể đang đổ mồ hôi quá nhiều?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người tin rằng ra mồ hôi nhiều vào mùa hè sẽ có lợi cho sức khoẻ, nhưng không phải cái gì nhiều quá cũng tốt.

Chuyên gia Đông y đầu ngành nổi tiếng tại Trung Quốc, ông Lộ Chí Chính, người từng viết rất nhiều sách về cách phòng tránh bệnh và dưỡng sinh cho rằng, tình trạng ẩm ướt trong cơ thể không phải là bệnh, nhưng mọi bệnh tật đều là do ẩm ướt gây ra.

Trong cuốn sách "Cách chữa bệnh dư ẩm của Đông y", ông Chính cho rằng, việc dư thừa độ ẩm thể hiện rõ nhất ở bệnh viêm xương khớp dạng thấp, bệnh chàm, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, cholesterol cao, bệnh tim mạch vành, đột quỵ, tiết dịch âm đạo nhiều, bệnh gout, tiêu chảy, tăng huyết áp…

Vậy nên, đối với những người có dư thừa độ ẩm trong cơ thể, việc ra mồ hôi vừa phải sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến một khía cạnh tiêu cực khác. Ngày càng nhiều người “cố ý” bài tiết mồ hôi thông qua tập thể dục hoặc tắm hơi, vì cho rằng điều này có thể hỗ trợ cơ thể "thải độc".

Y học cổ truyền nhấn mạnh về sự cân bằng, do đó, ra mồ hôi là tốt, nhưng ra quá nhiều lại không tốt cho sức khỏe!

Đổ mồ hôi nhiều thường xuyên là điều không nên!

Trên thực tế, không chỉ y học cổ truyền mà y học hiện đại cũng không khuyến khích chúng ta thường xuyên "ra mồ hôi như tắm".

Y học hiện đại cho rằng, thành phần của mồ hôi 99% là nước, 1% còn lại bao gồm các chất vô cơ như natri clorua, kali và các chất hữu cơ như axit lactic, ure và prostaglandin.

Nếu đổ mồ hôi quá nhiều trong thời gian ngắn mà không kịp bù nước, rất dễ gây mất nước, thậm chí rối loạn điện giải. Triệu chứng nhẹ có thể là khát nước, mệt mỏi, chóng mặt, nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Điều này phù hợp với học thuyết của y học cổ truyền. Trong y học cổ truyền, "mồ hôi là chất lỏng của tim".

Đổ mồ hôi bình thường hoặc đổ mồ hôi do vận động vừa phải khi trời nóng có thể loại bỏ các yếu tố như phong hàn, ẩm ướt và dư nhiệt trong cơ thể vào mùa hè, đồng thời ngăn ngừa say nắng.

Tuy nhiên, nếu ra mồ hôi quá nhiều, dễ làm hao tổn khí huyết, âm huyết suy yếu.

Nhiều người cũng có kinh nghiệm, là sau khi đổ mồ hôi nhiều (tập thể dục mạnh hoặc tắm hơi), họ không cảm thấy tỉnh táo, mà ngược lại sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống, chóng mặt, khô miệng.

Trên thực tế, đây là biểu hiện của việc hao tổn quá nhiều dịch lỏng trong cơ thể.

Mặc dù đổ mồ hôi nhiều một hoặc hai lần sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến cơ thể, nhưng lâu dần sẽ làm hao tổn khí huyết. Hơn nữa, sau khi đổ mồ hôi, lỗ chân lông giãn ra, rất dễ bị tà khí phong hàn xâm nhập.

Làm thế nào để biết mình có đổ mồ hôi quá nhiều hay không?

Đối với người bình thường, đổ mồ hôi đúng cách là đổ mồ hôi nhẹ nhàng, mịn màng như mưa phùn; nếu toàn thân ướt đẫm, thậm chí như bị tắm mưa, thì đó là đổ mồ hôi quá nhiều.

Tuy nhiên, việc đánh giá có đổ mồ hôi quá nhiều hay không còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.

Đối với những người có thể trạng yếu, chỉ cần vài giọt mồ hôi trên trán cũng có thể là quá nhiều; trong khi những người có thể trạng tốt có thể đổ mồ hôi như tắm mà không cảm thấy mệt mỏi.

Vì vậy, nếu sau khi đổ mồ hôi bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, dù không đổ mồ hôi như tắm, cũng có thể là do đổ mồ hôi quá nhiều.

Làm thế nào để đổ mồ hôi một cách hợp lý vào mùa hè?

Tập thể dục điều độ

Y học cổ truyền có câu: "Ra mồ hôi khi vận động quý hơn", có nghĩa là đổ mồ hôi khi vận động tốt hơn cho sức khỏe so với việc “cố ý” bài tiết mồ hôi thông qua các phương pháp khác nhau.

Tuy nhiên, vận động cũng nên vừa phải. Nên điều chỉnh cường độ vận động dựa trên nhịp tim, nói chung, nhịp tim khi vận động vào mùa hè nên ở mức khoảng 60% ~ 80% nhịp tim tối đa.

Cách tính nhịp tim tối đa như sau: Số 220 trừ đi độ tuổi của bạn. Ví dụ, với người 20 tuổi thì nhịp tim tối đa là 200 (220 - 20).

Người cao tuổi nên kiểm soát nhịp tim khi vận động ở mức 120~140 lần/phút, cảm thấy đổ mồ hôi hoặc có một vài giọt mồ hôi là được.

Bổ sung nước sau khi đổ mồ hôi

Nếu một ngày nào đó bạn đổ mồ hôi nhiều, hãy cố gắng bổ sung nước.

Có thể thử ăn một số trái cây theo mùa như dưa hấu, dưa chuột…

Hoặc uống một số đồ uống có vị chua như nước mơ chua ngọt. Bạn cũng có thể mua một vài quả ô mai, thêm một ít đường trắng và nấu trực tiếp để uống.

Y học cổ truyền cho rằng "chua ngọt bổ âm", vị chua của ô mai + vị ngọt của đường trắng là sự kết hợp chua ngọt, có thể sinh ra âm và dịch.

Lưu ý:

  • Nếu bạn không vận động hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao vào ban ngày, nhưng vẫn đổ mồ hôi, có thể do khí hư hoặc dương hư;
  • Nếu đổ mồ hôi khi ngủ và ngừng khi tỉnh dậy, đó là hiện tượng ra mồ hôi trộm, đa phần liên quan đến tình trạng âm huyết không đủ.

Cả hai trường hợp trên đều cần liên hệ bác sĩ Đông y để kiểm tra và điều trị.

Theo Zhao Li - Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ra mồ hôi nhiều hại sức khỏe! Làm sao để biết cơ thể đang đổ mồ hôi quá nhiều?