Sử dụng điện thoại làm giảm 16% lượng tương tác giữa mẹ và trẻ sơ sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng điện thoại có thể làm giảm sự tương tác của mẹ với trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu được công bố vào ngày 26 tháng 6 trên tạp chí Child Development, cho thấy trong khi sử dụng điện thoại di động, các bà mẹ nói chuyện với trẻ sơ sinh ít hơn 16%.

Phát hiện này đặt ra câu hỏi về việc công nghệ có thể can thiệp vào thời gian dành cho gia đình và khả năng học ngôn ngữ của trẻ em như thế nào.

Các tác giả của nghiên cứu viết: "Việc sử dụng điện thoại của cha mẹ không phải lúc nào cũng 'tiêu cực' đối với khả năng giao tiếp của trẻ, mà có thể có những tác động khác nhau tùy thuộc vào cách thức và thời điểm sử dụng điện thoại".

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin phát hiện ra rằng, việc sử dụng điện thoại chỉ kéo dài từ một đến hai phút có liên quan mạnh mẽ hơn đến việc ít nói chuyện giữa mẹ và trẻ sơ sinh.

Các bà mẹ cũng có xu hướng nói chuyện với con ít hơn khi sử dụng điện thoại trùng với thời gian ăn hoặc khi các thành viên trong gia đình trở về nhà, chẳng hạn như từ trưa đến 13 giờ chiều và từ 17 giờ chiều đến 20 giờ tối.

Các tác giả của nghiên cứu, Miriam Mikhelson và Kaya de Barbaro, cho biết trong một thông cáo báo chí:

"Một số lượng ngày càng tăng các nghiên cứu phát hiện mối liên quan giữa việc sử dụng điện thoại của cha mẹ và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Để xác định cơ chế tiềm năng của mối liên hệ này, chúng tôi muốn tìm hiểu về cách sử dụng điện thoại có thể ảnh hưởng đến lượng lời nói mà trẻ sơ sinh nghe được".

Sử dụng điện thoại ngắn hạn làm giảm giao tiếp nhiều hơn

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá 16 cặp mẹ-con, với trẻ sơ sinh trung bình 4,1 tháng tuổi. Dữ liệu được thu thập trong một tuần, tổng cộng 16.673 phút sử dụng điện thoại và âm thanh được đồng bộ hóa trong thế giới thực.

Các tác giả viết: "Technoference, khái niệm đề cập đến sự gián đoạn trong tương tác xã hội do sử dụng thiết bị... đã thu hút sự chú ý trong lĩnh vực tâm lý phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh việc sử dụng điện thoại của cha mẹ làm gián đoạn tương tác giữa cha mẹ và con cái".

Việc sử dụng điện thoại ngắn hạn chỉ trong một hoặc hai phút làm giảm lượng lời nói của người mẹ nhiều nhất, với lượng từ trung bình mỗi phút giảm 26%. Việc sử dụng điện thoại lâu hơn ít nhất bảy phút cho thấy số lượng từ giảm 12%.

Các tác giả của nghiên cứu đã trích dẫn một nghiên cứu khác vào năm 2016, trong đó cho thấy các bậc phụ huynh thừa nhận rằng công nghệ đã can thiệp vào việc nuôi dạy con cái.

65% cho biết công nghệ đã can thiệp vào thời gian vui chơi, và 53% cho biết nó can thiệp vào thời gian rảnh rỗi dành cho con cái, không bao gồm chơi, ăn hoặc thay quần áo.

Một nghiên cứu khác cho thấy 10% cha mẹ báo cáo rằng việc sử dụng mạng xã hội của họ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giám sát con cái.

Các tác giả suy đoán rằng, thời gian sử dụng điện thoại có thể liên quan đến các loại ứng dụng khác nhau.

Thời gian sử dụng điện thoại ngắn hơn có thể tương ứng với việc kiểm tra email hoặc trả lời tin nhắn, điều này đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn của cha mẹ.

"Tuy nhiên, chúng tôi không có dữ liệu về các ứng dụng cụ thể đang được sử dụng. Nghiên cứu trong tương lai cần phân biệt thêm các hình thức sử dụng điện thoại từ hồ sơ điện thoại hoặc âm thanh, ví dụ như sử dụng cuộc gọi trực tiếp hoặc video so với mạng xã hội, nhắn tin hoặc email", các tác giả viết.

Cô de Barbaro, trợ lý giáo sư tại Khoa Tâm lý học Đại học Texas, khuyến khích các bậc cha mẹ cố gắng hết sức để chăm sóc con cái.

"[Dựa vào nghiên cứu này], các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể [tìm cách] sử dụng điện thoại sao cho sự tương tác với trẻ sơ sinh không bị gián đoạn", cô nói với The Epoch Times.

"Điều đặc biệt của nghiên cứu này là dữ liệu được thu thập tại nhà, trong tối đa ba ngày, khi các gia đình làm những việc bình thường cùng nhau, còn hầu hết các nghiên cứu khác đều diễn ra trong môi trường phòng thí nghiệm nhân tạo, vốn hạn chế hành vi của cha mẹ và trẻ em", bà de Barbaro nói.

Tương tác trực tiếp là điều cần thiết cho phát triển ngôn ngữ

Các nghiên cứu khác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự tương tác giữa cha mẹ và trẻ em.

Nghiên cứu từ Đại học Washington cho thấy sự tương tác xã hội của trẻ ở 5 tháng tuổi làm tăng hoạt động thần kinh và phát triển ngôn ngữ ở các độ tuổi sau này.

Tương tác trực tiếp với trẻ sơ sinh, dù là nói, nhìn nhau hoặc mỉm cười, đều có thể cần thiết cho việc học ngôn ngữ ban đầu.

Một nghiên cứu khác theo dõi trẻ em từ 2 đến 48 tháng tuổi cho thấy trẻ em bắt chước cách nói của người lớn trong cuộc sống của chúng.

Sau khi phân tích hơn 40.000 giờ âm thanh dành cho trẻ em, các tác giả nhận thấy rằng cứ mỗi 100 giọng nói của người lớn mỗi giờ, trẻ em tạo ra thêm 27 giọng nói.

Theo Sophia Fang - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Sophia Fang là một cây bút tự do của tờ The Epoch Times tại Hoa Kỳ



BÀI CHỌN LỌC

Sử dụng điện thoại làm giảm 16% lượng tương tác giữa mẹ và trẻ sơ sinh