Tại sao thực phẩm từ động vật có lợi cho sức khoẻ não bộ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái cây và rau quả nhiều màu sắc chắc chắn là những “siêu anh hùng” trong chế độ ăn uống. Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ động vật có thể khiến não bộ thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng.

Chế độ ăn thuần chay hoàn toàn thiếu các chất dinh dưỡng như protein hoàn chỉnh, một số chất béo lành mạnh, cũng như kẽm và sắt. Điều này khiến nó đánh mất khả năng nuôi dưỡng não bộ đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ và khả năng nhận thức.

Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng

Theo tiến sĩ Georgia Ede, bác sĩ tâm thần được đào tạo tại Harvard, chuyên về khoa học dinh dưỡng và chuyển hóa não bộ, tác giả của cuốn "Change Your Diet, Change Your Mind” (Tạm dịch: “Thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi suy nghĩ"), sự suy giảm sức khỏe tâm thần trong 75 năm qua tương quan với sự suy giảm chất lượng chế độ ăn uống.

Shani La Grange, một chuyên gia dinh dưỡng, nói với The Epoch Times rằng cả thực phẩm từ động vật và thực vật đều đóng vai trò tối ưu hóa sức khỏe não bộ.

Bà nói thêm rằng hấp thụ chất xơ cũng quan trọng như hấp thụ protein để kích thích sản xuất serotonin, một chất quan trọng cho nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm ổn định tâm trạng, nhận thức, học tập và trí nhớ.

Chất xơ trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật kích thích sản xuất các axit béo chuỗi ngắn, do đó kích thích sản xuất serotonin.

Việc hấp thụ nhiều hơn thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng có thể thúc đẩy tác dụng chống viêm nhiều hơn, đảo ngược quá trình lão hóa não bộ và giảm nguy cơ mắc một số bệnh như mất trí nhớ.

Tuy nhiên, La Grange nói rằng chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt có nguy cơ thiếu vitamin B12 và sắt (nếu không được bổ sung), điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh và nhận thức, đồng thời có thể làm suy giảm chức năng nhận thức.

Bên cạnh các vi chất dinh dưỡng, chất béo và protein có nguồn gốc từ động vật giúp tối ưu cho cấu trúc và sinh lý học của con người, tiến sĩ Natasha Campbell-McBride, bác sĩ y khoa về thần kinh học và dinh dưỡng, đã viết trong cuốn sách "Vegetarianism Explained" (Tạm dịch: “Giải thích về ăn chay”).

Nghiên cứu của bà cho thấy chất béo và protein là thành phần chính của cơ thể sau nước, đóng vai trò là khối nền thiết yếu cho các cơ quan, xương, cơ và não.

Tiến sĩ Ede nói rằng trong khi chế độ ăn chay được lên kế hoạch tốt, có thể bổ sung đầy đủ dinh dưỡng với các thực phẩm toàn phần và trứng, góp phần hỗ trợ sức khỏe não bộ, thì chế độ ăn thuần chay lại dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng khó khắc phục ngay cả với việc bổ sung cẩn thận. Nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần phụ thuộc vào cách xây dựng chế độ ăn thuần chay.

Để một chế độ ăn được coi là “có lợi cho não bộ”, theo tiến sĩ Ede, chế độ ăn đó phải đạt được ba mục tiêu:

  • Nuôi dưỡng não bộ bằng tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết mà không cần dựa vào thực phẩm chế biến tăng cường hoặc chất bổ sung, do đó việc đưa một số thực phẩm từ động vật vào chế độ ăn là cần thiết.
  • Bảo vệ não bộ bằng cách loại trừ các thành phần được chế biến kỹ như carbohydrate tinh chế.
  • Cung cấp năng lượng cho não bộ bằng cách duy trì lượng đường trong máu và insulin ở mức khỏe mạnh suốt cuộc đời.

Não bộ cần chất béo

Não bộ có hai phần ba là chất béo, trong đó 20% là axit docosahexaenoic (DHA), một loại axit béo omega-3 thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhận thức, theo tiến sĩ Ede.

Một bài đánh giá năm 2019 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Á Thái Bình Dương cho thấy DHA cần thiết cho chức năng thần kinh tối ưu.

Nghiên cứu Framingham về Tim mạch, được công bố vào năm 2006 trên Kho lưu trữ Thần kinh học của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, đã tiết lộ một mối tương quan đáng chú ý:

Nồng độ DHA trong huyết tương cao hơn tương ứng với nguy cơ mất trí nhớ cao hơn do mọi nguyên nhân. Những người có nồng độ DHA trong huyết tương cao nhất có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ giảm 47%.

Theo tiến sĩ Ede, vấn đề là thực phẩm từ thực vật thiếu DHA, buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn động vật để có được chất dinh dưỡng thiết yếu này.

Trong khi thực vật chứa axit alpha-linolenic (ALA) omega-3, việc chuyển đổi nó thành DHA quan trọng cho não bộ là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Một thử nghiệm lâm sàng trên nam thanh niên trưởng thành được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh cho thấy, những người đàn ông này có khả năng chuyển đổi ALA thành DHA rất thấp hoặc không có.

Những hiểu biết sâu sắc hơn đến từ một nghiên cứu khác trên phụ nữ trẻ khỏe mạnh, cho thấy phụ nữ có khả năng chuyển đổi ALA sang DHA hơi cao hơn nam giới, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi và cho con bú.

Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu so sánh mức độ omega-3. Nó cho thấy mức DHA thấp hơn 31% ở người ăn chay và thấp hơn 59% ở người ăn chay thuần so với những người ăn thịt.

Sự hấp thụ không hiệu quả

Theo tiến sĩ Ede, có sự khác biệt về dinh dưỡng giữa thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Bà lưu ý rằng chỉ các thực phẩm từ động vật không phải sữa, bao gồm thịt, hải sản và gia cầm, mới cung cấp mọi chất dinh dưỡng cần thiết ở dạng dễ hấp thụ nhất.

Ngược lại, thực phẩm từ thực vật không chỉ thiếu một số chất dinh dưỡng thiết yếu, mà dạng thức của các chất dinh dưỡng có trong chúng cũng gây ra thách thức cho con người sử dụng, tiến sĩ Ede nói.

Thực phẩm từ thực vật chứa các chất chống dinh dưỡng, cản trở khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật.

Tiến sĩ Ede nói: “Một thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa chất dinh dưỡng không có nghĩa là chúng ta có thể dễ dàng hấp thụ được nó”.

Ví dụ, ngũ cốc, đậu, các loại hạt và hạt giống rất giàu phytate, một chất chống dinh dưỡng có thể ức chế sự hấp thụ các khoáng chất thiết yếu như sắt, kẽm, canxi và magie.

Các khoáng chất này rất cần thiết cho các chức năng khác nhau, bao gồm tổng hợp dopamine, sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và chuyển hóa năng lượng, tất cả đều cần thiết cho sức khỏe và chức năng não bộ tối ưu.

Mắt, não và hệ thống miễn dịch của chúng ta phụ thuộc vào vitamin A cho chức năng và cấu trúc của chúng.

Mặc dù thực vật có chứa carotenoid, có thể được chuyển đổi thành retinol (dạng chức năng của vitamin A) trong cơ thể khỏe mạnh, nhưng tiến sĩ Ede cho biết quá trình chuyển đổi này rất khó khăn.

Bà nói thêm, các độc tố môi trường và thiếu hụt dinh dưỡng có thể cản trở quá trình chuyển đổi này, dẫn đến thiếu hụt vitamin A mặc dù người ta tiêu thụ các loại thực vật giàu carotenoid như cà rốt, khoai lang và cải kale.

Tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn thuần thực vật

Các phương pháp nấu ăn khôn ngoan, kết hợp thực phẩm lý tưởng cùng quá trình nảy mầm và lên men có thể cải thiện đáng kể khả dụng sinh học của các vi chất dinh dưỡng từ thực phẩm từ thực vật.

Cụ thể, quá trình nảy mầm và lên men đã được chứng minh là làm tăng khả dụng sinh học của sắt và beta-carotene từ thực phẩm thực vật, theo một bài đánh giá năm 2016 được công bố trên Critical Reviews in Food Science and Nutrition (Đánh giá Phê bình về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng).

Tiến sĩ Ede nói rằng với việc lên kế hoạch ăn uống cẩn thận và bổ sung hợp lý, về mặt lý thuyết, những người trưởng thành áp dụng chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay - không bao gồm phụ nữ mang thai hoặc cho con bú - có thể đáp ứng mọi nhu cầu về dinh dưỡng.

Tuy nhiên, việc đạt được điều này có thể rất khó khăn và đòi hỏi nỗ lực chăm chỉ, bà nói thêm.

Tìm kiếm sự cân bằng

Theo tiến sĩ Campbell-McBride, thực vật chủ yếu hoạt động như chất tẩy rửa cho cơ thể.

Ở trạng thái tự nhiên, thực vật chứa các hợp chất giải độc giúp loại bỏ các hóa chất và độc tố có hại tích tụ trong cơ thể. Tuy nhiên, bà nói rằng điều cần thiết là phải nạp lại thực phẩm có nguồn gốc động vật sau khi giải độc để ngăn ngừa cơ thể suy yếu và bị đói.

Điều này không có nghĩa là người ta nên ăn quá nhiều thịt, vì điều đó cũng có những mặt trái của nó. Một số nghiên cứu đã liên kết việc tiêu thụ lượng lớn protein động vật trong thời gian dài (đặc biệt là thịt đỏ) với sức khỏe não bộ không tối ưu.

Tuy nhiên, với lượng vừa phải, protein có trong các sản phẩm từ động vật là cần thiết cho dinh dưỡng tổng thể, bà La Grange nói.

Theo Zena le Roux - The Epoch Times
Chấn Hưng (biên dịch)

Zena le Roux là một nhà báo chuyên về sức khỏe với bằng thạc sĩ về báo chí điều tra sức khỏe và là một huấn luyện viên sức khoẻ và thể chất được chứng nhận chuyên về dinh dưỡng chức năng. Cô được đào tạo về dinh dưỡng thể thao, ăn uống có chánh niệm, hệ thống gia đình nội bộ và lý thuyết đa dây thần kinh phế vị ứng dụng. Cô làm việc tại một phòng khám tư nhân và là một nhà giáo dục dinh dưỡng cho một trường y tại Vương quốc Anh.



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao thực phẩm từ động vật có lợi cho sức khoẻ não bộ?